Ghé thăm 7 xưởng thực hành của trường Maya - nơi chứa đựng những phương pháp học độc đáo
(Tổ Quốc) - Chúng tôi tò mò về 7 xưởng thực hành được coi là chuyên nghiệp hàng đầu ở Việt Nam tại trường Maya đang hoạt động như thế nào?
Trước khi tới Maya school, điều chúng tôi được nghe nhiều hơn lại chỉ là “trường rộng gần 10 hecta, nằm ở lưng chừng núi ngoại thành Hà Nội và đẹp như resort". Nhưng có thâm nhập thực tế mới thấy bên trong là một phương pháp giáo dục cực kỳ nghiêm túc.
KHI TRẺ ĐƯỢC HỌC QUA THỰC HÀNH
Maya có 7 xưởng thực hành: Xưởng mộc và tự động hóa Mira; Xưởng Gốm Mỡ; Xưởng may thêu đan Mỡ; Xưởng mỹ thuật ứng dụng LEA; Maya Kitchen; Nông trại Lá Mây; Xưởng chế biến nông sản Lá Mây và Lá Mây Farmstay.
Hệ thống 7 Xưởng thực hành nhìn bên ngoài có vẻ tĩnh lặng, yên bình, với cây cối hoa nở bao quanh, vách nhà đều bằng gỗ hoặc đất, mái lá. Nhưng bên trong lại là không khí làm việc nhộn nhịp hiếm thấy ở một trường học.
Vào ngày chúng tôi tới thăm, ở xưởng thủ công Mỡ của Trường Maya, một nhóm học sinh THCS đang thảo luận để điều chỉnh thời gian biểu thực hiện một dự án. Các em học sinh tiểu học thì đang làm việc chăm chỉ dưới sự hướng dẫn của một nhóm học sinh THCS khác.
Còn trong xưởng tự động hóa Mira, các em học sinh THCS đang sử dụng các vật liệu tái chế, như: thùng nước cũ, máy cắt cỏ hỏng, ắc quy và dây điện từ một xe đạp điện đã hỏng… để chế tạo và lập trình một chú robot có thể tự di chuyển, mời khách rửa tay và dùng món nhẹ ở nhà ăn.
Trò chuyện với cô Trang, người phụ trách xưởng thủ công Mỡ của Maya, chúng tôi được biết mỗi tuần các em học sinh từ tiểu học tới THCS ở Maya đều có 2 buổi để làm dự án thực tế.
Trong giai đoạn tiểu học, các em Làm để Học (Do to Learn) và tới giai đoạn THCS thì các em Học để Làm (Learn to Do). Việc “học đi đôi với hành” trong các dự án thực tế không chỉ giúp các em yêu thích việc học và hiểu kiến thức sâu sắc hơn, mà còn giúp các em có cơ hội để sáng kiến, cộng tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, phát triển năng lực lãnh đạo… 16 kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới việc làm thế kỷ 21 (theo Diễn đàn kinh tế thế giới) được chú trọng lồng ghép trong quá trình học.
Cô Trang chia sẻ với chúng tôi rằng cô cùng các người lớn khác ở Trường Maya tin rằng mỗi trẻ đều có thiên hướng cá nhân riêng và thầy cô Maya đang cùng nhau xây dựng một môi trường giáo dục mà nhìn nhận, tôn trọng điểm mạnh riêng của mỗi em, nâng đỡ để các em có thể phát triển trở thành chính mình.
Quả thật, khi quan sát các em học sinh Maya làm việc, điều chúng tôi nhận thấy vô cùng rõ ràng là sự đa dạng và niềm vui học tập ở các em.
Mỗi em nhỏ mà chúng tôi quan sát thấy đều đang say mê làm việc, ở trong Xưởng thực hành, trên Nông trại, hay trong lớp học…
Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ lại có thể vừa vui vẻ, lại vừa tập trung làm việc một cách có trách nhiệm như vậy.
Thầy Công, một giáo viên hướng dẫn chương trình thực hành ở Maya cho biết các em hoạt động thực hành trông có vẻ “nhàn” và nhiều phần thú vị, nhưng thực chất đã phải học rất nhiều để làm được những điều này.
Ví dụ như trước khi bắt tay vào làm ghế kê chân tập guitar, các em đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Bắt đầu từ việc khảo sát nhu cầu của các bộ phận trong làng Maya đối với sản phẩm gỗ, thiết kế mẫu, tính giá thành sản phẩm. Sau đó làm slide và tập thuyết trình để thuyết phục CLB Guitar trong trường đặt hàng, soạn và ký một hợp đồng đặt hàng… Các em THCS còn phải tuyển dụng “nhân công” là các em tiểu học, và hướng dẫn các em chà nhám, cưa gỗ… để các em tiểu học có thể giúp việc trong dự án mà học sinh THCS điều hành.
Những công việc cần hoàn thành trong một dự án học tập thực tế như này ở trường Maya đều là những điều quá mới mẻ mà các em chưa từng được dạy trước kia. Nên để hoàn thành được dự án, các em đã phải bỏ nhiều thời gian và công sức.
Nhiều khi những nhân công này làm việc trong cả những giờ nghỉ trưa, thảo luận từ xa trong các buổi tối với bạn bè và thầy cô hướng dẫn… để học thêm. Từng bước từng bước kiên trì và chủ động làm việc các em đi dần đến mục tiêu của mình.
Chứng kiến một ngày học tập, làm việc hăng say của các em nhỏ ở Maya mới thấy việc “học tập theo dự án” là một quá trình thầy và trò cùng nhau nỗ lực nghiên cứu, cộng tác, sáng kiến… để giải quyết các vấn đề, theo đuổi và hoàn thành mục tiêu nghiêm túc. Cách học này giúp học sinh ở Maya có niềm vui trong học tập, các kỹ năng thực tế và tư duy kinh tế được hình thành từ sớm, giúp các em tăng cường sự tự tin, khả năng tự lập ngay từ nhỏ.
Cuối cùng thì Maya không chỉ đẹp như những gì người ta nhìn thấy về một ngôi trường resort, trẻ được chơi đùa trong không gian rộng rãi hòa cùng thiên nhiên. Khám phá mô hình và phương pháp học tập sáng tạo khác biệt này còn cho thấy hiệu quả thực tế cho những em nhỏ lớn lên và trưởng thành không hề sợ hãi thế giới ngoài kia.