(Tổ Quốc) - Trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển, làng nghề rèn Đa Sỹ đã trải qua rất nhiều đổi thay, phát triển nhưng vẫn còn đó vẻ đẹp và bản sắc của một làng nghề cổ nơi đất Bắc.
Tinh hoa làng nghề truyền thống
Nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Ðông hơn 1km về phía hạ lưu, có một ngôi làng nổi tiếng của xứ Ðoài văn hiến - làng rèn Ða Sỹ. Làng Đa Sỹ đã trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển. Đến thời nhà Trần, ngôi làng chính thức trở thành làng nghề rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần tới mảnh đất này truyền dạy nghề cho người dân địa phương. Từ đó, tiếng búa, tiếng rèn đã là những âm thanh quen thuộc đối với dân làng. Đa Sỹ không chỉ là một ngôi làng cổ hiếm còn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông mà còn gìn giữ được vẻ đẹp đặc sắc của một ngôi làng truyền thống của Bắc bộ.
Những sản phẩm của làng Đa Sỹ đa dạng về chủng loại, kiểu dáng như kéo, nạo, nổi tiếng nhất vẫn là đủ các loại dao chặt, dao thái to, nhỏ vô cùng bền và sắc bén.
Những người thợ rèn của làng không kể già trẻ, gái trai vẫn luôn miệt mài, gắn bó với nghề. Ảnh: Sơn Marki |
Cô Đỗ Bích Thảo - một thợ rèn đã có khoảng 30 năm gắn bó với nghề cho biết: "Nghề rèn là một công việc vất vả, đòi hỏi bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ của người thợ. Để làm ra một con dao tốt thì cần thực hiện khá nhiều công đoạn như cắt sắt, rèn, “tui” dao, mài dao,… Nghề rèn lâu nay đã đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong làng, mỗi tháng một hộ gia đình làm nghề rèn có thu nhập khoảng 8 đến 15 triệu đồng tùy vào số nhân công và số ngày làm việc của gia đình ấy.”
Khi được hỏi về lý do vẫn tiếp tục bám trụ với nghề rèn, cô Thảo đã chia sẻ rằng: “Tôi làm nghề rèn ngay từ khi còn nhỏ, sau khi lấy chồng lại tiếp tục theo gia đình nhà chồng làm nghề rèn. Hơn nữa với danh tiếng làng rèn Đa Sỹ thì dân làng chúng tôi sản xuất ra dao, kéo luôn không sợ “ế” hàng.”
Những sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ sau khi hoàn thiện được đem đi phân phối, bán rộng rãi trên thị trường cả nước. Những con dao, chiếc kéo theo những chuyến xe hàng tới các khu chợ lớn từ Bắc vào Nam, một số thì được những gia đình tới mua lại để kinh doanh nhỏ lẻ.
Một làng nghề đã tồn tại lâu đời, danh tiếng nghề rèn Đa Sỹ đã vang danh các miền đất nước, vẫn còn đó những gia đình kiên nhẫn bám trụ, say nghề. Theo thống kê của phòng kinh tế quận Hà Đông, hiện nay làng Đa Sỹ vẫn còn khoảng 900 hộ dân làm nghề rèn. Tuy nhiên, ngôi làng có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi này lại chưa phát huy được tiềm năng phát triển du lịch của vị thế của làng nghề ngàn năm tuổi.
Cô Hoàng Ngọc Hà, một người chủ sở hữu cửa hàng bán và trưng bày các sản phẩm rèn tại làng Đa Sỹ cho biết: “Đa phần khách tìm đến là để tìm mua các sản phẩm như dao, kéo. Nhiều đoàn khách du lịch cũng tới hỏi thăm rằng họ có thể tham quan làng nghề không? Tuy nhiên ở làng tôi chưa phát triển những dịch vụ tham quan làng nghề phục vụ du khách, nếu khách du lịch tới thì họ thường chỉ mua các sản phẩm rèn và ghé thăm chùa, miếu, đình làng thôi.”
Tới Đa Sỹ, du khách không khó có thể bắt gặp những cửa hàng bán sản phẩm rèn truyền thống của làng. |
Nếu có những kế hoạch phù hợp về phát triển du lịch, làng nghề rèn Đa Sỹ sẽ hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách đến thủ đô. Phát triển du lịch không chỉ là cơ hội để quảng bá sản phẩm dao, kéo Đa Sỹ mà còn là giới thiệu tới mọi người những nét văn hóa độc đáo của một làng quê truyền thống lâu đời của miền Bắc.
Dáng hình ngôi làng cổ
Điều độc đáo của Đa Sỹ không chỉ là nghề rèn truyền thống mà còn là cả những nét văn hóa, kiến trúc cổ, vẫn còn lại nơi đây là những cây đa, giếng nước, sân đình…, những cảnh vật đã níu lòng du khách mỗi lần tới thăm làng Đa Sỹ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những công trình, hiện vật này cũng có nhiều đổi thay, được trùng tu tránh tình trạng xuống cấp song Đa Sỹ vẫn duy trì được dáng hình của một làng quê cổ miền Bắc.
Miều thờ danh y Hoàng Đôn Hòa tại làng Đa Sỹ |
Ngay đầu làng là ngôi miếu cổ thờ vị Thành Hoàng làng Hoàng Đôn Hòa, vào thế kỉ thứ 16, ông được mệnh danh là “Lương Y Dược Đại vương” nổi tiếng với 208 bài thuốc hữu hiệu. Hoàng Đôn Hòa còn là vị bác sĩ quân y đầu tiên của nước ta dưới thời vua Lê Thế Tông, được nhà vua ưu ái chọn làm phò mã, gả cho con gái là Phương Anh công chúa. Ngôi miếu thờ vị danh y Hoàng Đôn Hòa nằm sát ven bờ con sông Nhuệ hiền hòa, quanh năm cây cối sum suê phủ bóng, luôn đem lại cho nơi đây một bầu không khí xanh mát. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều những cây đa, cây đề có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Hiện nay, miếu thờ Thành Hoàng làng Hoàng Đôn Hòa tại Đa Sỹ vẫn còn nguyên những nét kiến trúc xưa cũ, phủ màu thời gian.
Tại miếu còn trồng rất nhiều những gốc đa, gốc đề cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm |
Nằm sát với ngôi miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa là chùa Đa Sỹ, du khách tới làng có thể ghé thăm cả hai địa danh một cách thuận tiện. Trước năm Chính Hòa (1680), ngôi chùa còn được gọi là quán Lâm Dương, sau được đổi lại thành chùa Đa Sỹ. Ngôi chùa được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII. Cho tới nay, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, đặc biệt là hệ thống bia đá và án gian thời Lê cùng với chiếc chuông đồng lớn có niên đại từ thời Tây Sơn.
Cổng Tam quan của chùa Đa Sỹ, nơi còn lưu giữ chiếc chuông đồng cổ. |
Vào đến giữa làng, du khách có thể thăm ngôi đình thờ hai vị Tổ của nghề rèn Đa Sỹ là cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần. Ngôi đình này mới được trùng tu khang trang, mới đẹp hơn nhưng vẫn giữ nguyên được các nét kiến trúc cổ của những ngôi đình miền Bắc thời xưa. Phía trước ngôi đình là ao làng được xây theo khối hình vuông, chính giữa là một sân khấu nhỏ. Đây là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, các chương trình văn nghệ chào mừng lớn, nhỏ vào mỗi dịp đặc biệt của người dân làng Đa Sỹ.
Đình làng Đa Sỹ với những hoa văn và nét kiến trúc cổ của ngôi đình làng quê miền Bắc. |
Sân khấu ngoài trời nằm chính giữa ao, nơi biểu diễn các chương trình của làng vào mỗi dịp đặc biệt. |
Ngoài những giá trị văn hóa vật thể, làng Đa Sỹ hiện nay còn lưu giữ nhiều nét văn hóa phi vật thể đáng quý. Hàng năm, ngày 11 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, nhân dân Đa Sỹ lại tổ chức lễ hội đầu xuân, tưởng nhớ công lao của vị Thành Hoàng làng Hoàng Đôn Hòa. Đây là dịp mà người dân nhiều nơi tới thăm và tham dự lễ hội đầu năm của làng./.
Trang Thùy