(Tổ Quốc) - Nhìn bé Nguyễn Võ Hoàng Thiên (14 tháng tuổi, ở TP Vũng Tàu) nhanh chóng ăn hết bát cháo đầy, chơi đùa vui vẻ cùng em trai song sinh Hoàng Phúc - ít ai nghĩ rằng chỉ 8 tháng trước, sự sống của bé rất mong manh. Ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi tháng 4/2017 chữa trị thành công bệnh xơ phổi, “giải thoát” bé khỏi tình trạng lệ thuộc máy thở từ khi chào đời.
- 01.11.2017 Phương pháp xét nghiệm gen công nghệ mới có thể phát hiện được 16 loại ung thư
- 17.11.2017 Bệnh nhân ung thư có cơ hội nhận được hỗ trợ hơn 70% chi phí điều trị
- 22.11.2017 Người lính già “đốt nạng” sau 6 năm tưởng vĩnh viễn tàn phế
- 04.12.2017 Tuổi 30 mới biết… đi giày
- 08.12.2017 Lần đầu tiên thay van tim qua động mạch cảnh chung trái thành công tại Việt Nam
- 20.12.2017 Vinmec Central Park: Trung tâm can thiệp tim mạch độc lập đầu tiên tại Việt Nam
Sự hiếu động, tươi vui và gương mặt hay cười của bé Hoàng Thiên khi đến tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đầu tháng 12/2017 vừa qua khiến GS. Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec ngạc nhiên.
Kết quả chụp CT phổi lồng ngực và khám giữa tháng 12/2017 của Hoàng Thiên cho thấy phổi bé gần như trở về bình thường |
“Hoàng Thiên sinh non ở tuần 31. Trước khi đến Vinmec, bé đã trải qua nhiều bệnh trong thời gian ngắn: Suy hô hấp, viêm ruột hoại tử phải phẫu thuật, xuất huyết não, nhiễm khuẩn bệnh viện, lệ thuộc máy thở khiến bé không thể rời khỏi bệnh viện từ khi sinh. Sau ca ghép tế bào gốc vào tháng 4/2017 tại Vinmec, bé đã hồi phục nhanh chóng. Chúng tôi cũng bất ngờ là kết quả khám và chụp CT phổi lồng ngực giữa tháng 12/2017 cho thấy phổi bé gần như trở về bình thường - kết quả vượt ngoài sự mong đợi” - GS Liêm nhận định.
“Khoảng cách” của 2 bé khi Hoàng Thiên (trái) mới ghép tế bào gốc hồi tháng 4/2017 |
Sau 8 tháng ghép tế bào gốc chữa xơ phổi tại Vinmec, hiện tại Hoàng Thiên (trái) đã phát triển tương đương với em trai song sinh |
Hai bé Hoàng Thiên và Hoàng Phúc sinh non ở tuần 31 nhưng chỉ Hoàng Thiên không may phải ở lại bệnh viện do tình trạng suy hô hấp và những bệnh lý thường gặp ở trẻ đẻ non. Quá trình điều trị dài ngày tại bệnh viện khiến bé bị nhiễm khuẩn CMV - một loại vi khuẩn bệnh viện nguy hiểm. Khi được điều trị tích cực qua cơn hiểm nghèo, bé lại tiếp tục bị xơ phổi, phải thở oxy 24/24h. Các bác sĩ cho biết chưa có cách nào để cải thiện tình trạng này.
Vì thế, khi được giới thiệu tới GS. Nguyễn Thanh Liêm - người đã thực hiện ca ghép tế bào gốc xơ phổi cho một em bé sinh non 30 tuần tuổi thành công đầu tiên trên thế giới - anh Nguyễn Quyết Thắng đã bằng mọi cách đưa con ra Hà Nội hy vọng cứu chữa cho con.
Được chăm sóc đặc biệt trước khi ghép, quá trình ghép tế bào gốc của bé Hoàng Thiên tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã diễn ra rất thuận lợi. Bé đã được xuất viện sau 3 tuần và tiếp tục theo dõi tại nhà.
Giờ đây, khi đã được bế cả 2 con trên tay lanh lợi và khỏe mạnh, vợ chồng anh Nguyễn Quyết Thắng mới thực sự yên tâm. Sau gần 1 năm xáo trộn để dồn lực chạy chữa cho con, đến bây giờ anh chị đã bắt đầu trở lại công việc bình thường như bao gia đình.
Sau ca ghép cho bé Hoàng Thiên vào tháng 4/2017, đến tháng 6/2017 các bác sĩ Vinmec tiếp tục ghép tế bào gốc xơ phổi thành công cho một ca sinh non khác ở tuần 25, nặng 700 gram, bị suy hô hấp, lệ thuộc máy thở. Bệnh nhi đã ‘cai’ được máy thở sau 4 ngày ghép tế bào gốc. Sau 2 tuần ghép, trẻ bú mẹ tốt và được ra viện sau 3 tuần. Hiện tại, bệnh nhi đã tròn 11 tháng tuổi, nặng 7,2kg, sức khỏe hoàn toàn ổn định.
“Ghép tế bào gốc chữa xơ phổi cho trẻ sinh non là thành tựu đột phá bởi có tới 30-90% trẻ sinh non yếu thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tử vong do biến chứng của căn bệnh này. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sự phát triển của những trẻ đã được ghép tế bào gốc chữa xơ phổi để có cơ sở triển khai các nghiên cứu ghép tế bào gốc chữa các bệnh hiểm nghèo trong nhi khoa” - GS. Liêm nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 nghìn trẻ sinh non cần chăm sóc đặc biệt. Trong đó, 30-80% trẻ sinh non yếu ở tuần 26-28 có nguy cơ tử vong trong 2 năm đầu tiên do xơ phổi, nhiễm trùng, tăng áp lực động mạch phổi. Tỉ lệ này sẽ tăng lên đến 80-90% khi sinh non yếu ở tuần 24-25. Đặc biệt, 50% trẻ sinh non được cứu sống phải nhập viện trên 5 lần/năm do viêm phổi.
Tâm Anh