(Tổ Quốc) - Giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao mới chưa từng có trong vòng gần 8 năm trở lại đây, kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 7 liên tiếp do thời tiết khắc nghiệt ở Mỹ và bất ổn chính trị giữa các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.
Kết thúc phiên thứ Sáu (4/2), giá dầu Brent tăng 2,16 USD, tương đương 2,4%, lên 93,27 USD/thùng, trước đó có thời điểm giá chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, là 93,70 USD. Dầu Tây Texas của Mỹ (WTI) kết thúc ở mức 2,04 USD, tương đương tăng 2,3%, lên 92,31 USD/thùng, sau khi có lúc giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, là 93,17 USD.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,6%, trong khi dầu WTI tăng 6,3%, đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Diễn biến giá dầu WTI trong 1 năm qua.
Giá dầu đặc biệt tăng mạnh trong hai ngày qua khi người mua đổ dồn vào các hợp đồng dầu thô do nhận định các nhà cung cấp thế giới sẽ tiếp tục chật vật để đáp ứng nhu cầu.
Số liệu việc làm của Mỹ tháng 1 đã tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, bất chấp sự hiện diện của virus biến thể Omicron.
Các nhà chiến lược thị trường cho biết giá dầu thô, đã tăng khoảng 20% trong năm nay, có khả năng vượt 100 USD/thùng do nhu cầu trên toàn cầu tăng mạnh.
Phản ánh quan điểm tăng giá đó, các nhà quản lý tiền tệ đã tăng ròng các vị thế quyền chọn và hợp đồng dầu thô Mỹ kỳ hạn dài trong tuần tính đến ngày 1/2 thêm 6,616 hợp đồng lên 304,013, thông tin từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn tương lai của Mỹ (CFTC) cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích bắt đầu nhận thấy có yếu tố rủi ro trong đợt tăng giá này. Citi Research cho biết họ hy vọng thị trường dầu mỏ sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa trong quý tiếp theo, giúp kìm hãm đà tăng.
Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu công ty Rystad Energy cho biết: "Không loại trừ mức tăng đột biến đối với dầu thô, đẩy giá lên 100 USD trong ngắn hạn, nhưng rủi ro giảm là rất lớn, bao gồm mức độ tác động của virus Omicron đến nhu cầu không nhiều như dự đoán, lo ngại về tăng trưởng kinh tế và sự điều chỉnh của thị trường tài chính khi các ngân hàng trung ương tung biện pháp chống lại lạm phát".
Những cơn bão mùa đông kéo theo tình trạng băng giá ở Mỹ, đặc biệt là ở Texas, cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung vì giá lạnh cực độ có thể khiến hoạt động sản xuất tạm thời ngừng hoạt động, tương tự như những gì đã xảy ra ở bang này một năm trước. Tuần này, một cơn bão lớn mùa đông đã quét qua Mỹ và làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu ở khu vực Vịnh Permian.
Nguồn cung dầu hiện đang thắt chặt đã đẩy chênh lệch giá dầu kỳ hạn giao ngay với kỳ hạn 6 tháng tăng lên 9,06 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, khi các thương nhân giải phóng dầu từ kho dự trữ để bán kịp thời nhân lúc giá cao.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã tăng hai giàn lên 497 trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Mặc dù số lượng giàn khoan dầu đã tăng kỷ lục trong 17 tháng liên tiếp, nhưng mức tăng hàng tuần chủ yếu ở một con số và sản lượng vẫn còn cách xa mức cao kỷ lục trước khi xảy ra đại dịch do nhiều công ty tập trung nhiều hơn vào việc hoàn tiền cho các nhà đầu tư hơn là thúc đẩy sản xuất.
Các thị trường dầu cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ những rủi ro địa chính trị khi nhà sản xuất dầu lớn, Nga, đã điều hàng nghìn quân đến biên giới Ukraine, và cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga đứng đầu, còn được gọi là OPEC , trong tuần này đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng sản lượng ở mức vừa phải, là 400.000 thùng/ngày trong tháng 3/2022, trong bối cảnh nhóm này rất khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu hiện nay, bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới yêu cầu tăng sản lượng nhanh hơn.
Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, trong tháng 1 đã bơm dầu ở mức thấp hơn hạn ngạch của OPEC , trong khi một thành viên khác của nhóm là Kazakhstan muốn giữ thêm sản lượng dầu lại để cung cấp cho thị trường nội địa nhằm ngăn chặn giá nhiên liệu tăng.
Với việc những dự báo về giá dầu sẽ vượt mốc 90 USD đã trở thành hiện thức sớm hơn dự kiến, ngày càng nhiều người tin rằng giá sẽ sớm cán mốc 100 USD/thùng, thậm chí một số nhà phân tích để ngỏ khả năng giá dầu mỏ có thể lên tới 125 USD/thùng, thậm chí 150 USD/thùng trong năm nay và năm tới.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jeffrey Halley của công ty môi giới tài chính OANDA cho rằng trong trường hợp kinh tế Trung Quốc không suy giảm mạnh, biến thể Omicron không gây ra nhiều tác động bất lợi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tăng mạnh sản lượng, giá dầu Brent hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý 1 năm 2022.
Chuyên gia phân tích cấp cao Claudio Galimberti của công ty Rystad Energy cho rằng OPEC tiếp tục chính sách dầu mỏ hiện nay và muốn siết chặt thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới có thể chạm mốc 100 USD/thùng.
Tham khảo: Reuters