• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá điện sẽ điều chỉnh theo giá nhiên liệu, tỉ giá

Kinh tế 30/03/2016 08:58

Biểu giá điện thời gian tới sẽ được điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái...

Biểu giá điện thời gian tới sẽ được điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát; sẽ giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền và đáng chú ý là sẽ nghiên cứu thực hiện biểu giá bán điện theo mùa và theo vùng.

Đây là một số nội dung nêu tại Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3 vừa qua.

Ngoài việc cải tiến biểu giá bán điện theo hướng nói trên, giá bán điện sắp tới cũng điều chỉnh sao cho đảm bảo thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) giúp các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính.

Đồng thời, xem xét tới các đặc thù vùng và cư dân các vùng biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi… với điều tiết trợ giá, trợ thuế cần thiết để giảm bớt cách biệt hưởng thụ năng lượng điện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng, miền.

Dự kiến trong năm 2016 có 24 dự án nhiệt điện, thủy điện và năng lượng tái tạo đưa vào vận hành với tổng công suất gần 3.800 MW, và những năm tiếp theo mỗi năm cũng có hàng chục dự án nguồn điện đưa vào vận hành.

Nguồn tài nguyên làm nhiên liệu sản xuất điện như than, khí có nguy cơ cạn kiệt dần, điện phải nhập khẩu nên phải tính đến chính sách điện càng sử dụng nhiều càng trả nhiều tiền để khuyến khích tiết kiệm, theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nói trên cũng đề cập đến việc khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc với tổng công suất nhiệt điện than đến năm 2020 đạt khoảng 26.000 MW (chiếm 49,3% tổng điện sản xuất), tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than… 

Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế nên đề án cũng đề cập đến lộ trình xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An... sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt . Cụ thể, sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành năm 2028, đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân sẽ đạt công suất 4.600 MW (chiếm 5,7% sản lượng điện sản xuất).

Tổng vốn đầu tư của phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 148 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, giai đoạn 2016 -2020 cần khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 108 tỉ đô la Mỹ.

Văn Nam

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn

NỔI BẬT TRANG CHỦ