Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Than, ông bà Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan vẫn cần mẫn tiếp tục nghề làm mặt nạ giấy bồi. Công việc này được ông bà gìn giữ hơn 40 năm qua.
Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là mỗi dịp Trung thu. Đến nay, món đồ chơi truyền thống này đã dần mai một bởi nhiều loại đồ chơi hiện đại xuất hiện, chính vì thế mặt nạ giấy bồi dần dần ít người tìm mua.
Để làm ra một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi, phải trải qua nhiều công đoạn công phu.
Trước tiên, phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn, rồi tiếp tục các lớp còn lại. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn bồi lên nhau sẽ tạo ra khuôn của chiếc mặt nạ, nên mới gọi là mặt nạ giấy bồi.
Theo ông Nguyễn Văn Hoà, để làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.
Lúc xé giấy, bồi keo phải thật cẩn thận, chỉ sai sót một chút thôi thì mặt nạ sẽ không được căng, mịn.
Thời điểm này gia đình nhà ông luôn rộn ràng tiếng người ra vào, đặt biệt là các bạn nhỏ. Nhiều gia đình đã đưa con em mình đến đây để được học và làm món đồ chơi cổ truyền độc đáo này.
Sau khi bồi giấy mặt nạ sẽ được mang đi phơi nắng cho khô.
Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu cũng phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần.
Mỗi lần chỉ được tô một màu. Nếu mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền.
Sau khi tô xong, mặt nạ sẽ được mang ra phơi, đợi khô rồi mang ra tô tiếp màu mới. Để giữ được họa tiết mặt nạ hoàn chỉnh, những nghệ nhân phải vẽ rồi lại phơi hàng chục lần.
Mỗi mùa Trung thu, vợ chồng ông Hòa sản xuất được hơn 2.000 chiếc mặt nạ các loại. Giá mặt nạ dao động từ 30.000 đến 45.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại, kích cỡ, màu sắc. Mỗi ngày hai vợ chồng ông bà chỉ làm khoảng 3-5 chiếc mặt nạ do không chú trọng theo đuổi số lượng. Đến nay, gia đình bà Lan làm mặt nạ cốt chỉ để giữ nghề.
"Nghề này ít người làm được lắm, cho dù làm được trông cũng xấu, không nắm được hồn cốt của mặt nạ, làm vài năm thì cũng sẽ nản. Nghề này đối với tôi có nhiều ý nghĩa, vì vậy tôi sẽ chỉ nhận dạy cho những người thật sự tâm huyết với nghề, thật sự yêu nghề, chỉ có như thế nghề làm mặt nạ giấy bồi mới có thể gìn giữ được lâu dài" - bà Lan tâm sự. Những năm gần đây, người dân cũng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm trung thu cổ truyền và mang nét đặc trung của Việt Nam nhiều hơn.
Du khách nước ngoài thích thú với mặt nạ bồi Việt Nam
Bảo Trung
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện