(Tổ Quốc) - Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Do đó, việc trang bị các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn cho trẻ là hết sức quan trọng.
Vụ việc cháy chung cư mini ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến dư luận xót xa vì con số thương vong quá thảm khốc. Theo thống kê, trong số các nạn nhân vụ cháy, có nhiều trường hợp là học sinh và trẻ nhỏ. Thực tế này đặt ra vấn đề, ngoài người lớn thì hiện nay trẻ em cũng cần phải được trang bị các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Liên quan đến vấn đề này, Th.S Hoàng Hữu Phước - Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), đồng thời là giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục UP – đơn vị chuyên đào tạo các kỹ năng cần thiết cho trẻ Tiểu học thông qua việc ứng dụng phương pháp giáo dục sư phạm hiện đại vào giảng dạy như: phương pháp trực quan, giáo dục trải nghiệm, và mô phỏng thực tế đã có những chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc.
- Từ sự việc xảy ra ở Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc phải dạy, trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn cho trẻ tại gia đình?
Th.S Hoàng Hữu Phước: Vụ cháy chung cư tại Thanh Xuân (Hà Nội) là một sự kiện đáng buồn, đây cũng là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc phải trang bị kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, nhất là cho trẻ nhỏ. Bởi trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.
Tại trung tâm của chúng tôi, đây là một trong nhiều nội dung rất được chú trọng, quan tâm. Các buổi học được xây dựng trong môi trường mô phỏng thực tế, từ đó, trẻ được hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các kỹ năng thoát hiểm. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của việc tự bảo vệ mình trong các tình huống nguy hiểm, mà còn cung cấp cho trẻ những kỹ năng để hướng dẫn, thậm chí là bảo vệ những người xung quanh.
- Theo ông, các bậc phụ huynh có vai trò như thế nào trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, hỏa hoạn cho trẻ? Ông có thể nêu rõ hơn về những bước cụ thể mà phụ huynh có thể thực hiện để giáo dục trẻ về an toàn và phòng cháy?
Th.S Hoàng Hữu Phước: Việc giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ là một trách nhiệm chung của cả xã hội, nhưng phụ huynh chắc chắn là người đóng vai trò quan trọng nhất. Điều này có cơ sở khi xem xét rằng trẻ dành phần lớn thời gian trong môi trường gia đình, nơi phụ huynh không chỉ tiếp xúc nhiều với trẻ mà còn hiểu rõ nhu cầu và tính cách của các em.
Để làm được điều này, đầu tiên, phụ huynh cần phải hiểu và nắm bắt các thông tin, kỹ năng liên quan đến an toàn cá nhân và phòng cháy chữa cháy. Thứ hai, phụ huynh có thể thiết lập các quy tắc và thực hành an toàn trong gia đình cho trẻ, như không chơi đùa gần bếp lửa, không chạm vào các thiết bị điện, biết cách gọi số điện thoại khẩn cấp và thậm chí là việc biết cách sử dụng bình cứu hỏa hoặc dây thoát hiểm.
Thứ ba, phụ huynh có thể cùng trẻ thực hiện các bài tập mô phỏng như "làm gì khi phát hiện cháy" hoặc "cách sơ cứu khi bị bỏng" để trẻ có thể hiểu và áp dụng trong thực tế.
Cuối cùng, việc liên tục nâng cao nhận thức và cập nhật thông tin mới nhất về an toàn cũng không kém phần quan trọng. Phụ huynh nên tham gia các khóa học, workshop hoặc thậm chí là các sự kiện cộng đồng về an toàn để cập nhật kiến thức và kỹ năng, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện trong việc tự bảo vệ mình và người khác.
- Để giáo dục trẻ thoát nạn trong đám cháy, theo ông, phụ huynh cần biết và trang bị cho trẻ những kỹ năng gì? Việc trang bị các kỹ năng này nên được bắt đầu từ thời điểm nào là phù hợp?
Ths. Hoàng Hữu Phước: Để giáo dục trẻ về việc thoát nạn trong đám cháy, có nhiều kỹ năng quan trọng mà phụ huynh cần trang bị cho trẻ. Đầu tiên là kỹ năng cơ bản như cách sử dụng bình chữa cháy, cách kiểm tra cánh cửa xem có nóng hay không trước khi mở, cũng như cách tự cứu và tìm đường ra ngoài khi có khói độc.
Thứ hai, việc ghi nhớ và biết cách gọi số điện thoại khẩn cấp cũng rất quan trọng. Trẻ cần biết số điện thoại của các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp và số điện thoại của các người thân. Điều này giúp trẻ liên lạc được với người có khả năng cung cấp sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ tâm lý ngay lập tức. Trẻ cũng cần được hướng dẫn cách mô tả tình hình, địa điểm và các thông tin cần thiết khác một cách rõ ràng và chính xác khi yêu cầu sự trợ giúp qua điện thoại.
Thứ ba, trẻ cũng cần được học cách giữ bình tĩnh trong tình huống khẩn cấp, thực hiện các bước cần thiết để thoát hiểm một cách tự tin và quyết đoán. Tâm lý tốt đóng vai trò quyết định, giúp trẻ có khả năng tập trung cao hơn để đánh giá tình hình, sử dụng các kỹ năng đã được học để tự cứu lấy bản thân và thậm chí có thể hỗ trợ người khác.
Về thời điểm phù hợp để trang bị các kỹ năng này, tôi nghĩ rằng càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên, phương pháp giảng dạy và nội dung cần được điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi và sự phát triển tâm lý của trẻ. Tại Trung tâm Giáo dục UP, chúng tôi bắt đầu đào tạo các kỹ năng này cho trẻ từ 5 tuổi.
- Xin ông chia sẻ, hướng dẫn một số kỹ năng đảm bảo an toàn để trẻ có thể tự xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra?
Th.S Hoàng Hữu Phước: Để đảm bảo an toàn trong trường hợp có hỏa hoạn, trẻ em cần phải biết và thực hiện một số kỹ năng cơ bản. Cụ thể, khi có người lớn bên cạnh, trẻ cần thông báo ngay lập tức cho người lớn khi phát hiện có lửa hoặc khói. Tiếp đó, phải tuân thủ theo các chỉ dẫn của người lớn để di chuyển đến nơi an toàn.
Trong trường hợp trẻ đang ở một mình, trước hết, kiểm tra cánh cửa bằng cách sử dụng tay sau đóng cửa. Nếu cánh cửa nóng thì đừng mở, tìm lối thoát khác. Khi hỏa hoạn xảy ra, khói và nhiệt độ thường tập trung ở phần trên của không gian, vì vậy, trẻ phải học cách cúi thấp người và di chuyển bên dưới làn khói đến lối ra thoát nạn.
Cùng với đó, trẻ cần được dạy cách sử dụng khăn ướt để che qua mũi và miệng, giúp ngăn không cho khói và độc tố xâm nhập hệ hô hấp khi có hỏa hoạn. Biết các số điện thoại khẩn cấp và cách mô tả tình hình khi gọi. Phải giữ tâm lý bình tĩnh, đặc biệt là khi trả lời các câu hỏi từ người hỗ trợ qua điện thoại.
Dù ở tình huống nào, việc nắm chắc các kỹ năng cơ bản và sử dụng các kỹ năng đã học là cực kỳ quan trọng. Tại Trung tâm Giáo dục UP, chúng tôi đã tích hợp các buổi học này vào chương trình học trải nghiệm, giúp trẻ có cơ hội thực hành trong môi trường giả lập, từ đó nâng cao kỹ năng tự bảo vệ và phản ứng trong tình huống thực tế.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Chung
*Vụ Gia Đình, Bộ VHTTDL thực hiện