Từ năm chất liệu (đồng, sắt, gỗ, da và hơi) nghệ nhân khéo tay sáng tạo ra chín nhạc cụ hợp thành dàn nhạc ngũ âm. Trong các nghi lễ của Phật giáo Nam tông, đám cưới, đám tang và lễ hội văn hóa dân gian của người Khmer Nam bộ thì không thể thiếu các làn điệu của dàn nhạc ngũ âm vang lên.
Từ năm chất liệu (đồng, sắt, gỗ, da và hơi) nghệ nhân khéo tay sáng tạo ra chín nhạc cụ hợp thành dàn nhạc ngũ âm. Trong các nghi lễ của Phật giáo Nam tông, đám cưới, đám tang và lễ hội văn hóa dân gian của người Khmer Nam bộ thì không thể thiếu các làn điệu của dàn nhạc ngũ âm vang lên.
Theo phong tục người Khmer, 34 năm về trước nghệ nhân Thạch Suôl kết hôn rồi sống cùng gia đình bên vợ (hiện gần cổng Tam quan ở khóm I, phường 8, thị xã Trà Vinh). Thời đó, anh Thạch Suôl thường theo cha vợ đi dạy đàn, dạy hát và tiếp làm mới hoặc sửa lại một số nhạc cụ dân tộc. Rồi chàng rể Suôl được ông nhạc truyền lại những kinh nghiệm nghề nghiệp, trở thành người thợ khéo tay sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ Khmer. Vợ ông Thạch Suôl, chị Na Ry kể lại: “Tôi cũng xuất thân từ gia đình làm nghệ thuật truyền thống, anh em chúng tôi đã từng tham gia các đoàn văn công, đoàn ca múa nghệ thuật quần chúng. Riêng tôi thì am hiểu nghề làm các loại nhạc cụ dân tộc Khmer từ người cha, được ông nội truyền lại nhiều hơn các anh em khác. Cho nên vợ chồng tôi luôn giữ gìn và gắn bó với nghề làm nhạc cụ truyền thống này, tất cả con cháu trong gia đình tham gia làm, không có mướn thầy thợ bên ngoài. Tính lại cũng bốn đời nối nghiệp cái nghề này”.
Giờ đây, nghệ nhân Thạch Suôl 58 tuổi đời nhưng có trên 30 năm tuổi nghề. Bảy trong chín loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm (Rô-niêt-thung, Rô-niêt-ek, Rô-niêt-đek, Côn-thôm, Côn-tuôt, Sakhô-somphô, Sakhô-thôm) cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm, đàn Cò và bộ trống Sa-dăm... ông đều làm được. Gia đình nghệ nhân Thạch Suôl đã hoàn thành gần một trăm dàn nhạc ngũ âm, có hai dàn nhạc ngũ âm xuất khẩu sang Pháp, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng âm thanh và kiểu dáng nghệ thuật truyền thống. Phần lớn sản phẩm này làm theo hợp đồng của các nhà bảo tàng văn hóa, các đoàn nghệ thuật quần chúng, các chùa Khmer và cá nhân có nhu cầu sử dụng. Năm qua, ông Thạch Suôl làm xong chín dàn nhạc ngũ âm và bộ trống Scha-dăm giao cho 16 chùa Khmer ở hai huyện Long Phú và Vĩnh Châu. Năm nay, gia đình ông đang tiếp tục làm bảy dàn nhạc ngũ âm cho Dự án Bảo vệ và Phát triển những vùng đất ngập nước ven biển tỉnh Sóc Trăng, 17 dàn nhạc theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Trà Vinh, Ban quản trị một số chùa Khmer trong và ngoài tỉnh cũng đến nhà tìm mua. Vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học đến mua dàn nhạc ngũ âm của nghệ nhân Thạch Suôl, mang về Thủ đô Hà Nội trưng bày cho khách tham quan biết các loại nhạc cụ truyền thống của người Khmer Nam bộ. Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng đã mua dàn nhạc ngũ âm của nghệ nhân Thạch Suôl để biểu diễn. Lúc giao nhận, nhạc công dạo qua vài bản nhạc cổ điển và hiện đại, tất cả thành viên trong đoàn nghiệm thu đều đánh giá: Các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm đạt cả về chất lượng và kiểu dáng, âm thanh từng loại nhạc cụ chuẩn xác.
Để sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng tốt và từng nhạc cụ làm ra có âm thanh chuẩn khi hòa âm, nghệ nhân Thạch Suôl có cách làm riêng: “Với đàn Rô-niêt-ek thì 21 thanh tre được thay bằng gỗ tốt bào nhẵn có độ dày thích hợp, chọn từng thanh gỗ cắt đoạn cho phù hợp cho từng âm sắc theo vị trí trên cây đàn, dùng dây dù xâu lại theo thứ tự từ ngắn tới dài cho đủ 21 thanh, rồi căng thòng trên cái khung gỗ hình bán nguyệt. Còn đàn Rô-niêt-đek thì phải rèn rồi mài 21 thanh sắt để từng thanh sắt có độ mỏng thích hợp, thanh ngắn nhất 21 cm và thanh dài nhất 30 cm. Con ông phải dùng đàn Organ để so âm từng thanh một khi xếp theo thứ tự từ ngắn đến dài trên cái khung gỗ tốt. Hai loại trống Sakhô-somphô và Sakhô-thôm thì làm từ loại gỗ cây bình linh cắt khúc để trong mát cho khô tự nhiên, rồi mới đục đẽo bên trong cho rỗng; chọn da trâu cái có độ mỏng thích hợp và không tỳ vet, căng kéo phơi ba nắng cho khô mà không cần xử lý hóa chất, bảo quản nơi thoáng mát để làm mặt trống. Cái khó nhất là phek-côn đúc bằng đồng pha thau để làm bộ Côn-thôm và bộ Côn-tuôt, mỗi bộ có 16 cái phek-côn, phải đặt mua từ Campuchia mang về, sáp thêm chì và gò từng cái để lựa chọn âm thanh thích hợp. Trong bộ Côn-thôm, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 13 cm và cái lớn nhất có đường kính 17 cm, khi dạo qua tạo nên thanh trầm. Còn bộ Côn-tuôt, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 11 cm và cái lớn nhất 14 cm, khi dạo qua tạo nên tiết tấu âm vực cao hơn”.
Sự giúp đỡ của người con thứ ba là Thạch Anh Xuân ở tuổi 33, đã tốt nghiệp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, am hiểu về nhạc lý và sáng tác, đã tạo thuận lợi cho nghệ nhân Thạch Suôl truyền lại những kinh nghiệm nghề truyền thống gia đình, góp nhiều công sức giúp nghệ nhân cải tiến thang âm từng nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm. Các nhạc công có thể sử dụng dàn nhạc ngũ âm của nghệ nhân Thạch Suôl, chơi được các loại nhạc từ cổ điển đến hiện đại. Thực tế, chỉ trong vòng mười tuần cho mỗi khóa học do Thạch Anh Xuân giảng dạy, nhiều thanh thiếu niên Khmer ở đồng bằng châu thổ này đều có thể sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm để dạo theo hai mươi bài gồm: nhạc lễ cung đình, nhạc dân gian, nhạc múa Saravanh, Romkabak, những ca khúc mới tiếng Khmer và tiếng Việt (Ngày xuân được mùa, Khúc hát đêm Dolta...).
Nghề truyền thống làm nhạc cụ Khmer của gia đình nghệ nhân Thạch Suôl, có sáng tạo và nghiên cứu cải tiến một số chi tiết từng loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm có nhiều “cung”, “quãng” để tiếng vang ngân xa hơn, nhưng vẫn giữ được âm sắc chuẩn và hình dạng nghệ thuật cổ truyền. Các thành viên gia đình nghệ nhân mong muốn tiếp tục truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ nối tiếp để góp phần bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ.
Q.T (Theo CTO)