(Tổ Quốc)- Những vấn đề tồn tại về bất bình đẳng giới hiện nay đang đặt ra thách thức đối với gia đình trẻ Việt Nam.
(Tổ Quốc)- Chiều 27/6, tọa đàm “Bình đẳng giới và những thách thức đối với gia đình trẻ hiện nay” do Vụ Gia đình và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Bộ VHTTDL) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã tham dự và chủ trì Tọa đàm. Tọa đàm cũng đã thu hút đông đảo đoàn viên thuộc Bộ VHTTDL và sinh viên một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia.
Phụ nữ tự tạo ra bất bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một giá trị mới, là phát minh vĩ đại trong lĩnh vực xã hội. Nó đã làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và hành động của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Tọa đàm
Theo bà Trần Tuyết Ánh- Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thúc đẩy bình đẳng giới mà cụ thể là thúc đẩy vị thế, vai trò của phụ nữ đối với xã hội sẽ góp phần làm gia tăng tài sản chung của toàn cầu lên mỗi năm hàng nghìn tỉ đô la Mỹ. Và mặt khác, bất bình đẳng giới chính là một trong những nguyên nhân của đói nghèo, bạo lực, trong đó có bạo lực gia đình.
Tuy vậy, để thúc đẩy vai trò của phụ nữ, để tránh bất bình đẳng giới, cái khó không nằm ở những người đàn ông mà còn ở ngay trong đối tượng phụ nữ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Một phần nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới hiện nay là do chính phụ nữ đang chưa nhận thức được về sự bình đẳng.
Ông Minh lấy ví dụ qua khảo sát của Viện: với câu hỏi chồng có thể đánh vợ không khi vợ không biết đối xử với gia đình chồng thì có đến 12% phụ nữ đồng ý trong khi chỉ có 7% nam giới đồng tình. Đặc biệt, với trường hợp vợ không chung thủy, 50,5 % phụ nữ đồng ý với việc chồng có thể đánh vợ, trong khi chỉ có 24,2% nam giới đồng ý.
“Điều này lý giải vì sao, bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại ở nước ta”- ông Minh nhận xét.
Cùng với bạo lực gia đình, việc lựa chọn giới tính đang gia tăng. Nếu như năm 2009, tỉ lệ bé trai/bé gái khi chào đời là 110,5 trai/100 gái thì đến năm 2010 có 111,2% trai/100 gái. Năm 2014 tỉ lệ chênh lệch nam/nữ đã tăng lên 112 con trai/100 gái.
Vấn đề con nối dõi đang làm chênh lệch cán cân nam/nữ. Có đến 64% người đồng ý với quan điểm phải có con trai nối dõi. “Vấn đề này đã bàn nhiều, nhưng làm sao để thay đổi nhận thức lại rất khó”- Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết.
Hãy hành động ngay
Không chỉ phụ nữ mà cả người trẻ, phải vào cuộc, thay đổi nhận thức, cách sống của mình để thay đổi sự bất bình đẳng giới.
Ông Hoa Hữu Vân- Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình so sánh quỹ thời gian trong ngày của người phụ nữ và người đàn ông trong gia đình. Rõ ràng, ngoài việc ở cơ quan, nơi làm việc thì thời gian ở nhà, gần như tất cả mọi việc đều do người phụ nữ làm: từ nấu ăn, rửa bát, dọn nhà, giặt giũ, chăm sóc người già trẻ em…
Phụ nữ cần cùng với thanh niên tạo bình đẳng giới
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Trước sự phát triển không ngừng của xã hội- khoa học- kỹ thuật, gia đình không chỉ đơn giản là gia đình ấm no, hạnh phúc mà còn phải bình đẳng và tiến bộ. Tuy nhiên, bình đẳng giới trong gia đình vẫn là một thách thức, đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ và có tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, chính trị, giáo dục- đào tạo, y tế…”.
Thứ trưởng cho rằng: “Tọa đàm “Bình đẳng giới và những thách thức đối với gia đình trẻ hiện nay” là một hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh ý nghĩa của Gia đình Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin, đối thoại, tạo ra sự hiểu biết chung về bình đẳng giới, từ đó có trách nhiệm và thống nhất hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng trong gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng, phát triển tiến bộ từ gia đình đến xã hội.
Thứ trưởng đề nghị, Vụ Gia đình, Đoàn Thanh niên Bộ và các đơn vị: “Tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 2016, đặc biệt là chương trình Tọa đàm để hiệu quả của Tọa đàm được lan rộng; Việc thông tin tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam nói chung và Tọa đàm nói riêng cần được tuyên truyền rộng rãi. Đặc biệt, các bạn trẻ, qua việc làm cụ thể, hãy hành động bằng tình yêu thương và chia sẻ để thế giới bình đẳng, hạnh phúc”.
Tại Tọa đàm, các đại biểu gồm các nhà nghiên cứu về giới, các nhà quản lý đã chỉ ra thực trạng của việc bất bình đẳng giới hiện nay tại Việt Nam cũng như vai trò của mỗi thành viên trong gia đình, xã hội, đặc biệt là của giới trẻ trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Thông qua nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo, các bạn trẻ ở độ tuổi mới kết hôn hoặc sắp kết hôn cho rằng, bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân chính khiến số vụ ly hôn trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây; tình trạng bạo lực gia đình chưa được giải quyết. Bạo lực gia đình xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc của các gia đình, mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội.
Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc là các thành viên trong gia đình nên yêu thương, tôn trọng, chia sẻ với nhau; không nên trọng nam, khinh nữ, không nên coi việc chăm sóc con cái, làm việc nhà là trách nhiệm, nghĩa vụ chính của người vợ…Từ sự nhìn nhận đó, giới trẻ đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề bình đẳng giới./.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên