• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình trẻ lao lên mạng tìm kiếm bài khấn cúng ông Táo, giao thừa

Thời sự 07/02/2018 13:27

(Tổ Quốc) -Khác với khung cảnh ngào ngạt hương, một tờ văn khấn đã ố vàng bên chiếc đèn dầu trầm mặc trong không gian tĩnh lặng của những lễ cúng ông Táo, hay đên giao thừa những năm xa xưa, các gia đình trẻ giờ đây đã thực hiện các nghi thức truyền thống một cách rất… công nghệ.

Lao vào Google tìm bài khấn cúng ông Táo

Cùng với sự tác động mạnh mẽ của công nghệ vào đời sống xã hội, những gia đình trẻ, đặc biệt ở các thành phố lớn giờ đây cũng đã thay đổi nhiều trong việc thực hiện các nghi thức truyền thống.

Anh Phương, quê ở Nam Định, lập nghiệp tại Thủ đô Hà Nội cho biết, những ngày này, hai vợ chồng đang chuẩn bị cho lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp cho Tết Mậu Tuất.

Hai vợ chồng trẻ, đi học, đi làm, trưởng thành với 2 đứa con nhỏ nhưng anh Phương cho biết, từ trước tới nay, mọi việc toàn do bố mẹ ở quê lo toan cả, không phải động chân động tay vào việc gì, chỉ biết ngày 23 nếu vào ngày nghỉ thì được về nhà bố mẹ ăn cùng.

 Xu  hướng tìm kiếm trên Google với chủ đề "hot" là cúng ông công, ông táo.

Nhưng năm nay, 2 con nhỏ bắt đầu hỏi anh về những phong tục, tập tục vì trên đường phố xuất hiện đồ mã cho cúng ông Công, ông Táo. Thế là hai vợ chồng phải gọi về quê hỏi ông bà nội và… lao lên mạng tìm kiếm thông tin về các phong tục ngày Tết, các bài văn khấn, các lễ nghi cần thiết dịp Tết.

“Từ cúng ông Táo, cúng tất niên, cơm cỗ như thế nào, văn khấn ra làm sao, đèn nhang như thế nào… trên mạng có đủ cả. Chúng tôi chỉ việc copy về, lưu thành một bản trên điện thoại smartphone để vừa cúng vừa nhòm vào lầm rầm khấn vái”- anh Phương cho biết.

Không riêng gì gia đình anh Phương, chị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, từ 2 năm nay, gia đình của chị đã phụ thuộc hoàn toàn vào … Google để chăm sóc phần việc cúng gia tiên cũng như các tập tục truyền thống vào dịp Tết của gia đình.

“Tôi còn nhớ, bố mẹ năm nào cũng mua bộ mã ông Công ông Táo, cá chép chuẩn bị cho lễ cúng 23 và đêm giao thừa. Nhưng ý  nghĩa của phong tục thì lại không để ý. Chỉ nhớ bố xuýt xoa khấn vái bên bàn thờ cũ kỹ. Nhưng giờ đây, chỉ cần lên mạng tìm kiếm là tôi có thể tự lo được lễ cúng cho gia đình mình”

Thống kê trên xu hướng tìm kiếm của Google cho hay, từ 5/2 tới nay, lượng tìm kiếm liên quan về “cúng ông Táo” với các cụm từ: văn khấn, chuẩn bị mâm cỗ… đã tăng vọt.

Và những chuyện bi hài cúng thời công nghệ!

Cũng vì những lễ giáo “ăn xổi” thời công nghệ, chị Hà bảo năm ngoái đã vừa cúng vừa cười ra nước mắt vì những tình huống bi – hài.

“Năm ngoái tôi dùng laptop hiện bài văn khấn lên cho chồng đọc. Máy tính bị chai pin, phải cắm sạc, chồng đang đọc thì tụi trẻ con chạy ào vào vấp phải dây điện, thế là… mất điện. Chồng tôi lại phải dừng việc đọc văn khấn, mong các cụ đại xá”- chị Hà cười kể lại.

Trong 24 giờ qua, các từ khóa liên quan tới Lễ cúng ông táo, Tết Nguyên đán, Tháng chạp được nhiều người quan tâm. 

Nhà anh Phương thì phải cài đặt lại phông chữ trên điện thoại cho to hơn, để chế độ tắt của màn hình dài hơn 2 tiếng đồng hồ để lỡ đang đọc văn khấn cũng không bị tắt điện thoại.

“Tôi cũng phải chuyển điện thoại sang chế độ máy bay. Không lỡ đang khấn, ai đó gọi đến thì không biết tâu bẩm với các cụ như thế nào”- anh Phương hài hước kể.

Không còn cảnh đóng áo the, khăn xếp khấn vái trước bàn thờ gia tiên trong khung cảnh trừ tịch của căn nhà mái lá 3 gian xưa cũ, giới trẻ giờ đây đã ở nhiều hơn trong những căn hộ chung cư, những ngôi nhà hiện đại và họ vẫn giữ hồn cốt phong tục xưa theo cách của người trẻ sống trong thời công nghệ!

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ