Báo DĐDN dẫn lời ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, cho biết với các sai phạm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Mumuso Việt Nam) đã được chỉ ra, doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng với các vi phạm dưới góc độ pháp luật về cạnh tranh của công ty này, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết mức xử phạt là trên 100 triệu đồng.
Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí
|
Trả lời câu hỏi với các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là lừa dối người tiêu dùng của Mumuso Việt Nam, liệu doanh nghiệp này có bị yêu cầu các biện pháp xử lý khác như đình chỉ kinh doanh, chuyển cho cơ quan điều tra…, theo ông Trịnh Anh Tuấn, vi phạm của công ty chưa đến mức phải đóng cửa mà chỉ cần yêu cầu khắc phục các lỗi mắc phải. Nếu họ khắc phục tốt thì được phép tiếp tục kinh doanh, còn không khắc phục thì sẽ có biện pháp xử lý khác. Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đang chỉ đạo xem xét xử phạt Mumuso với các dấu hiệu vi phạm pháp luật và sẽ sớm công bố hình thức.
Trước đó, kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm mà Bộ Công Thương công bố hơn 99% hàng hóa của Mumuso Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, chỉ gần 1% được cung cấp trong nước.
Thị trường Hàn Quốc không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso. Vì thế, công ty này có dấu hiệu vi phạm về cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng, có dấu hiệu vi phạm về cạnh tranh khi ghi dòng chữ KOREA trên các bao bì để gây hiểu nhầm cho khách hàng rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, UBND TP.HCM cho biết đã từng xử phạt Công ty TNHH XNK Mumuso Việt Nam 322,5 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không có nhãn phụ tiếng Việt trên sản phẩm.
Đánh giá về thực trạng ma trận hàng thật – giả hiện hay, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, sở dĩ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên có mặt trên thị trường là do có tới 98,37% vụ việc xử lý hành chính, còn lại số rất nhỏ 1,63% xử lý tư pháp qua toà án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa mạnh.
Thủy Bích (t/h)