(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, các cấp, ban ngành tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các đoàn nghệ nhân bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc.
Nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc
Nhiều năm qua, các cấp, ban ngành tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các đoàn nghệ nhân bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc mình như: tăng cường công tác quảng bá, vận động các đoàn nghệ nhân duy trì việc tập luyện cồng chiêng, phục dựng các lễ hội; thường xuyên cử các đoàn nghệ nhân tham gia biểu diễn phục dựng tại các lễ hội do tỉnh và thành phố tổ chức.
Qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn kết (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) những ngày trung tuần tháng 4/2023, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 năm 2023 diễn ra với không gian văn hóa đa sắc màu.
Tại ngày hội, giữa sắc màu văn hóa núi rừng Tây Nguyên Bahnar, Jrai làm chủ đạo, lần đầu tiên những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày phía Bắc hòa quyện cùng văn hóa bản địa Gia Lai. Hình ảnh các cô gái dân tộc Tày “say” cùng điệu xoang Bahnar thêm gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Em R’com Siana (16 tuổi, làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Bây giờ có nhiều nét văn hóa hiện đại xuất hiện trong cuộc sống của dân làng, tuy nhiên, văn hóa dân tộc của dân làng, bắt buộc ai cũng phải giữ. Con gái biết chơi đàn T’rưng, múa xoang; con trai biết đánh cồng, chiêng. Vì thế, em và các bạn trong đội văn nghệ của làng luôn ý thức phải gìn giữ và phát huy nét văn hóa này. Thông qua ngày hội văn hóa, chúng em càng tự hào và yêu thêm văn hóa dân tộc.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, từ năm 2019 đến nay, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với chính quyền các địa phương, tiến hành phục dựng 12 nghi lễ truyền thống của đồng bào Ba Na và Gia Rai trên địa bàn tỉnh, như cúng bến nước, cúng lên nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa…
Ông Nguyễn Ngọc Long - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết, để tổ chức thành công chừng ấy đợt phục dựng các nghi lễ truyền thống, là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của cán bộ, viên chức trong đơn vị. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền cũng như các ban ngành, đoàn thể địa phương để thực hiện.
Không chỉ có vậy, nhân tố đặc biệt quan trọng trong các nghi lễ, là cộng đồng cư dân địa phương, với tư cách là chủ nhân của di sản văn hóa. Đơn vị chọn phục dựng những nghi lễ có tính cộng đồng và hướng đến các giá trị tốt đẹp. Trong quá trình phục dựng, Nhà hát luôn tôn trọng tính nguyên bản và chuẩn mực của nghi lễ truyền thống.
Thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm cho người dân
Tại Pleiku, trong những dịp tổ chức ngày hội văn hóa du lịch, thành phố đã tổ chức cho đồng bào các làng DTTS phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua việc tổ chức phục dựng các nghệ nhân, các già làng, trưởng thôn có dịp trao truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức, nghi lễ phục dựng các lễ hội. Trong quá trình phục dựng, các nghệ nhân cũng đã cố gắng giữ lại nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, để quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Còn tại huyện Ia Grai, nhiều lễ hội được huyện duy trì tổ chức thường niên như, Hội đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng bên dòng Pô Cô. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ nhân đến từ các xã trình diễn cồng chiêng trong Lễ mừng lúa mới, bỏ mả…
Ngày hội cũng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp đến du khách gần xa. Du khách đến đây để được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành, hòa mình cùng không khí lễ hội.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: Lễ cúng nhà rông mới là một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào Gia Rai được huyện giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với các lễ hội khác, huyện Ia Grai mong muốn, thông qua các nghi lễ truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân làng.
Đồng thời, từ giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân đồng bào dân tộc nói riêng, người dân tỉnh Gia Lai nói chung.
Có thể thấy, giữ mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc song hành với các nền văn hóa đương đại tại Gia Lai trong thời gian qua đã và đang được các cấp, các ngành dày công thực hiện.
Những sân chơi văn hóa, không gian sinh hoạt nghệ thuật cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… ngày càng xuất hiện nhiều hơn thông qua các chương trình, lễ hội. Chính không gian mở đó là tiền đề để các dân tộc thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu văn hóa; góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào kinh tế xã hội của địa phương.
Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa; các di sản văn hóa, các phong tục, tập quán của các dân tộc. Tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; đa dạng hóa các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và di sản văn hóa tại địa phương./.