(Tổ Quốc) - Chiều 25/9, thông tin từ Công an huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho biết, cơ quan này vừa phát đi thông điệp cảnh báo về hiện tượng lừa đảo sử dụng người lao động nghèo tại TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 18/8, 6 người đồng bào dân tộc thiểu số trú tại xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) gồm: Ksor Chới (SN 1960), Ksor Chiên (SN 1984), Ksor Chuân (SN 1992), Rah Mah Sunh (SN 1977), Ksor Dot (SN 1982), Ksor Ayop (SN 1970) vào TP.Hồ Chí Minh tìm việc làm.
Tại đây, nhóm này đã bị các đối tượng lừa đảo, môi giới việc làm tại Bến xe Miền Đông môi giới cho làm việc trên tàu cá có số hiệu "BẾN TRE 97940TS" với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy mà thực chất công việc rất nặng nhọc mà lương thì không như thoả thuận ban đầu, họ bị đối xử theo kiểu bóc lột sức lao động, mặc dù không muốn làm nhưng bị đe doạ đánh đập và buộc phải làm việc.
Các trường hợp bị cò lừa đảo, môi giới việc làm trú tại xã Ia Phang.
Thông tin từ phía cơ quan Công an cho biết, các đối tượng lừa đảo, môi giới việc làm (gọi tắt là cò) thường xuất hiện ở các Bến xe như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây và các địa điểm tuyển dụng lao động ở TP.HCM để tiếp cận người lao động đang tìm việc làm.
Đối tượng mà cò nhắm đến là lao động ở các tỉnh lẻ, vùng quê nghèo, đa số có trình độ dân trí thấp đang có nhu cầu tìm việc làm. Chúng sẽ đưa ra các điều kiện việc làm hết sức hấp dẫn như việc nhẹ nhàng, lương cao, dao động từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng nhưng thực tế thì công việc hết sức nặng nhọc, tiền lương được chỉ trả khoảng 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng.
Khi người lao động đồng ý đi làm thì các đối tượng cò trực tiếp dẫn hoặc hướng dẫn người lao động đến gặp các cò khác rồi dẫn đến chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động trước khi cho người lao động ứng và nhận tiền lương đều phải chuyển qua cò, khi người lao động thắc mắc về tiền lương thì đối tượng thuê người lao động đẩy trách nhiệm là đã trả tiền cho cò rồi và tiếp tục buộc người lao động phải làm việc.
Người lao động phải làm những việc hết sức cực nhọc trong thế bị ép buộc, bị chửi bới hoặc đánh đập nếu chống đối, muốn bỏ về cũng không được do đã bị chủ sử dụng lao động giữ các giấy tờ tùy thân.
Trước sự việc trên, Công an huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) thông báo để quần chúng nhân dân biết, nhất là những người trên địa bàn vì hiện nay, thủ phủ hồ tiêu đang giãy giụa trong nợ nần, người dân rất cần việc làm để sống qua ngày.