Trong năm 2019, ngành Du lịch tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các dịch vụ và sản phẩm du lịch nhằm tạo sức bật mới, phấn đấu đạt mục tiêu thu hút 840 ngàn lượt khách trong năm 2019 và doanh thu đạt 380 tỷ đồng.
Hồ T'Nưng (Biển Hồ, Gia Lai). Ảnh: Thuonghieuvn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, trong năm 2018, vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển du lịch là gần 44 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch: Biển Hồ (TP. Pleiku); cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng (thị xã An Khê); Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang); núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Trong đó, dự án tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong khánh thành trong năm không chỉ là địa chỉ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ mà còn là điểm tham quan, phát triển du lịch rất tốt...
Bên cạnh đó, "Đôi mắt Pleiku" Biển Hồ- biểu tượng của du lịch Gia Lai cũng được đầu tư hạ tầng, xây dựng thêm một số hạng mục để xứng tầm với danh thắng quốc gia. Đặc biệt, bảo tượng Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát làm bằng đá cẩm thạch trắng khánh thành vào dịp cuối năm đã tạo thêm sức hút cho danh thắng tự nhiên này.
Trong năm 2019, ngành Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các dịch vụ và sản phẩm du lịch nhằm tạo sức bật mới. Các điểm du lịch như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, thác Phú Cường, du lịch lòng hồ Sê San-thác Mơ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… sẽ tiếp tục được đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ngoài ra, sẽ có thêm một số sản phẩm du lịch mới được đầu tư như xây dựng "Khu phố ẩm thực" tại trung tâm TP. Pleiku và hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại các làng như: Làng Ốp (TP. Pleiku), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang), làng Kép, Kon Mahar và Kon Pơdram (huyện Chư Pah), làng Vai Viêng (huyện Mang Yang), làng Nú (huyện Ia Grai), Làng nghề truyền thống tại xã Glar (huyện Đak Đoa)...
Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tổ chức các lễ hội văn hóa-du lịch để thu hút du khách. Bên cạnh đó là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, sớm hình thành và hoàn thiện sản phẩm cụ thể để đưa vào khai thác... Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các điểm, khu du lịch chính, tạo hành lang thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội khai thác; duy trì các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các hội nghị, hội thảo… nhằm xây dựng, củng cố sản phẩm và thương hiệu của du lịch Gia Lai; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn về thực hiện nếp sống văn minh, tạo môi trường thân thiện tại các điểm đến…
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có tính đột phá như: sân golf và khu du lịch sinh thái tại xã Grar và Tân Bình (huyện Đak Đoa), khu du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya, Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai, khách sạn 4-5 sao tại trung tâm TP. Pleiku, khu dược liệu tại huyện Kbang, Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku).