(Tổ Quốc) - Ngày 18/4, tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ chủ trì hội nghị.
- 11.04.2024 Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc
- 10.04.2024 Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 phải đề cao vai trò chủ thể văn hóa tại "Ngôi nhà chung"
- 09.04.2024 Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4: Đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống dân tộc
Người "giữ lửa" cho văn hóa truyền thống
Hội nghị được tổ chức nhằm động viên khích lệ các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường đoàn kết vùng miền, tính cố kết cộng đồng của các đại biểu thuộc các thành phần dân tộc khác nhau trên khắp mọi miền đất nước.
Tại hội nghị, đã vinh danh gần 112 đại biểu là các già làng, trưởng, bản, nghệ nhân, người có uy tín đại diện cho 57 địa phương và 16 đại biểu đại diện cho 16 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, đất nước ta với 54 dân tộc, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều mang trong mình những giá trị truyền thống quý giá, đặc trưng riêng; góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, giàu giá trị nhân văn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hóa các dân tộc được kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, là di sản quý giá không chỉ của riêng một vùng đất, con người hay địa phương mà còn là tài sản vô giá của quốc gia.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp". Vì lẽ đó, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và nhất quán khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc chính là những hạt nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong vận động, trao truyền cho con em, đồng bào mình bảo tồn kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc.
"Chính vì thế, để tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của những người giữ lửa cho văn hóa truyền thống, việc tổ chức hội nghị là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản vô cùng quý báu của dân tộc; tôn vinh, biểu dương sự đóng góp của các chủ thể văn hóa đang gìn giữ, phát huy, lan tỏa và truyền dạy kiến thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác; những người gắn kết cộng đồng giữ lửa ở các bản, buôn, làng, phum sóc, trao truyền cho thế hệ tương lai của đất nước" - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Bên cạnh đó, thông qua hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, các giá trị văn hóa của đồng bào được bảo tồn, phát huy, góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước gắn với các nội dung như: Xác định các nội dung văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phục dựng, giữ gìn; lựa chọn ưu tiên trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; xác định hình thức, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong đời sống của cộng đồng và đời sống xã hội; đề xuất cơ chế đặc thù để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc từ Trung ương đến cơ sở…
Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách, xây dựng nội dung, giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực; từng bước xây dựng trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, phai nhạt bản sắc dân tộc. Đồng thời, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, giúp đồng bào ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc của chính mình, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước
Cũng tại hội nghị, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đã, người có uy tín đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, những giải pháp tốt và đề xuất kiến nghị trong thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương.
Chia sẻ tại hội nghị, NNƯT Trần Thị Nam (dân tộc Sán Dìu, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Đồng bào dân tộc Sán Dìu hiện nay vẫn giữ được những nét đặc trưng, điển hình là các thể loại văn hóa dân gian phong phú, đa dạng như: Trang phục truyền thống; hát Soọng cô, sướng ca, hát ca, hát ru, múa cầu mây… Những điệu hát, múa hay nghi thức đó luôn thấm đẫm các giá trị văn hoá, thường đúc kết chân lý, giáo dục đức tin, đạo làm người.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, dân tộc Sán Dìu luôn trân trọng, tự hào và tôn vinh quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình gắn liền với du lịch cộng đồng để thắp sáng, lan tỏa rộng rãi, hội nhập phát triển cùng với đồng bào dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc.
Trong thời gian tới, để giữ gìn những nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào Sán Dìu, NNƯT Trần Thị Nam mong muốn, Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn nữa để đồng bào dân tộc Sán Dìu, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục duy trì và phát triển bản sắc văn hóa. Ban hành các chủ trương, có những cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu. Đặc biệt, cần có kinh phí hỗ trợ cho các cậu lạc bộ, nghệ nhân truyền dạy hát Soọng Cô. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng kết hợp phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái.
Đồng quan điểm trên, NNƯT Y Sim Ê Ban (dân tộc Ê đê, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, với địa bàn dân tộc thiểu số, trình độ dân trí và kinh tế thấp, lạc hậu đã gây trở ngại lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, bên cạnh việc thiếu chính sách hỗ trợ kinh phí, việc sưu tầm, dàn dựng, khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc chưa thật sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống còn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân.
Qua đó, NNƯT Y Sim Ê Ban kiến nghị, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về biện pháp quản lý, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, ẩm thực của người Ê đê nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chúng. Hơn nữa, cần tăng cường tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để triển khai các giải pháp bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị cụ thể.
Còn NNƯT Sin Văn Doi (dân tộc Mảng, tỉnh Lai Châu) mong muốn, Nhà nước sẽ có thêm chính sách đãi ngộ, khuyến khích về tinh thần và vật chất đối với các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc. Từ đó, góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo của từng cá nhân./.