• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia tăng vi phạm bản quyền trên môi trường mạng: Cuộc chiến cam go

Văn hoá 03/09/2020 22:59

(Tổ Quốc) - Tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó đặt ra những thách thức lớn làm sao bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung trong môi trường số, internet.

Muôn kiểu vi phạm

Trong những năm gần đây, các loại hình dịch vụ trên mạng phát triển mạnh từ học tập, nghiên cứu đến mua sắm, giải trí đều có thể thực hiện trên mạng. Ông Bùi Nguyên Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng nhận định, kỷ nguyên số - internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do người dùng tự lựa chọn.

Tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó đặt ra những thách thức lớn làm sao bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung trong môi trường số, internet.

Gia tăng vi phạm bản quyền trên môi trường mạng: Cuộc chiến cam go
 - Ảnh 1.

Mạng xã hội không còn là nơi tự do phát tán các nội dung bản quyền

Theo con số được một số tổ chức đưa ra, riêng trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, ở Việt Nam có khoảng hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên Internet, trong đó hơn 200 website nhạc tên miền ".vn", nhiều website cung cấp các ấn phẩm của nhà xuất bản mà không được phép, chưa tính đến số website sử dụng tên miền quốc tế. Tuy nhiên chỉ có số ít thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tạo hình ảnh rất xấu về thị trường trong nước. Chủ thể quyền bị xâm phạm không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Có thể nói, kinh doanh trên môi trường mạng là một xu hướng đang phát triển mạnh, có nhiều tiềm năng, có sức hút với nhiều người. Trong điều kiện thiết lập kênh cung cấp dịch vụ khá dễ dàng, cùng với việc khó khăn về các nguồn thu và nhiều khó khăn khác nên người kinh doanh tìm mọi cách trốn tránh để thu lợi, trong nhiều trường hợp họ không thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Để làm được điều đó họ sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với chủ thể quyền, với cơ quan quản lý. 

Theo một báo cáo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, cách thức phổ biến nhất hiện nay là khi website bị xử lý đóng cửa họ mở một website khác với cách thức cung cấp thông tin tương tự nhưng thay đổi tên doanh nghiệp, tên người điều hành, quản lý. Một số đối tượng thì đăng ký tên miền quốc tế nhưng giấu danh tính, hoặc cố tình khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra, hoặc không thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam. Cá biệt có đối tượng sử dụng tên miền quốc tế, đặt server ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ vào trong nước, có trường hợp họ sử dụng kỹ thuật ẩn IP.

Và đâu là nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng đã nói ở trên là do  việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ phân tán, rời rạc, chưa thật sự hợp lý. Bản chất của quản lý quyền tác giả, quyền liên quan là quản lý nội dung nhưng lại phân tán ở hai bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Do vậy, khi có vụ việc xảy ra sẽ khó xử lý nếu không phối hợp. Hơn nữa, nhận thức chung của xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu quy định pháp luật, không biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thậm chí nhiều người nghĩ đơn thuần khi sử dụng tác phẩm người khác chỉ cần ghi rõ nguồn và tác giả là đủ. Hay nhiều người chỉ vì mục đích mua được sản phẩm với giá rẻ hơn nên chủ động tìm mua những sản phẩm bất hợp pháp để sử dụng…

Một bất cập nữa cần phải nhắc đến là trong khi người dùng quá dễ dãi trong sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền thì chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng chưa quyết tâm trong việc bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Ngoài ra, hiện người sử dụng dịch vụ trên Internet hầu như chưa có thói quen trả tiền, phần lớn là sử dụng miễn phí, do vậy đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian không thu được phí từ người dùng, họ phải tìm cách bù đắp chi phí từ các nguồn thu khác như quảng cáo, điều này tạo ra áp lực với họ nhất là khi hầu hết người cung cấp dịch vụ đều chưa có lãi, khiến họ tìm mọi cách có thể để giảm chi phí trong đó có việc trốn tránh nghĩa vụ trả phí bản quyền cho chủ sở hữu.

Mặt khác, trong nhiều trường hợp bên mua và bên bán không đạt được thoả thuận về mức phí do quan điểm khác nhau. Bên cạnh đó các hiệp hội chưa có sự phối hợp để tập trung đầu mối đàm phán, thu phí, người cung cấp dịch vụ phải tiếp xúc nhiều chủ thể, mất nhiều thời gian, công sức…

Đi tìm giải pháp

Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên Internet rất cam go, cần phải tiến hành lâu dài và thường xuyên, không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều. Vậy giải pháp đặt ra ở đây là gì?

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về nội dung cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đàm phám với chủ sở hữu quyền. Đồng thời khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm của mình, nỗ lực hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với việc thu phí bản quyền, cần cải tiến những bất cập trong việc thu phí, mức phí cần hài hoà các lợi ích tác giả, người cung cấp dịch vụ, người dùng. Tập trung một đầu mối để đàm phán, ký kết.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, những trường hợp vi phạm ở quy mô lớn cần xem xét để xử lý hình sự. Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ