• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá thực phẩm “biến động” sau Tết

Kinh tế 01/03/2015 22:40

(Toquoc) - Phần lớn thực phẩm vẫn giữ giá ổn định, duy chỉ có một số mặt hàng như: thịt lợn, bí xanh… tăng giá.

(Toquoc) - Phần lớn thực phẩm vẫn giữ giá ổn định, duy chỉ có một số mặt hàng như: thịt lợn, bí xanh… tăng giá.

Mọi hoạt động của người dân đã bắt đầu trở lại bình thường sau đợt nghỉ Tết dài. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chưa “bước chân ra đến chợ” do vẫn chưa “giải quyết” xong thực phẩm dự trữ Tết trong tủ lạnh nên sức mua vẫn chưa trở lại nhịp độ bình thường.

Bên cạnh đó, do nguồn cung vẫn chưa ổn định nên giá một số loại thực phẩm tăng 10-30% so với trước Tết.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội như: chợ 8/3, chợ Gốc Đề, chợ Nam Thanh Xuân, chợ Thành Công… giá thịt lợn tăng nhẹ so với trước Tết, trong đó thăn lợn tăng từ 100.000 lên 120.000 đồng/kg, sườn thăn tăng giá từ 110.000 đồng lên120.000 đồng/kg, thăn bò có giá khoảng 300.000 đồng/kg (tăng 40.000 đồng/kg so với bình thường), cá chép loại 1kg trở lên có giá 100.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg so với trước Tết), tôm đồng có giá 220.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với trước Tết)…

Chị Phương, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ Gốc Đề cho biết, sở dĩ giá thịt lợn, bò tăng là vì nguồn cung chưa ổn định, nhiều chủ lò mổ vẫn còn chưa mở hàng vì đang đi lễ đầu năm.

“Giá tăng như vậy là vì các lò mổ chưa hoạt động trở lại ổn định như bình thường. Một số chủ lò mổ vẫn còn đang đi lễ chùa ở tận các tỉnh xa. Hiện tại giá thịt bò, lợn, gia cầm đã xuống một chút rồi chứ cách đây 5 ngày thịt thăn bò còn có giá 400.000 đồng/kg đấy!”, chị Phương lý giải.



Giá thịt tăng là vì các lò mổ chưa hoạt động trở lại ổn định như bình thường (ảnh: Q.Anh)

Tương tự, giá của một số loại rau xanh cũng tăng nhẹ. Tại chợ 8/3, bí xanh có giá 25.000 đồng/kg, tăng 6.000-8.000 đồng/kg so với trước Tết, rau muống tăng từ 8.000 lên10.000 đồng/bó, xu hào tăng từ 4.000 lên 5.000 đồng/củ…

Giải thích cho việc tăng giá, bà chủ một cửa hàng rau cạnh cổng chợ 8/3 cho biết: “Mấy ngày trước tôi còn không lấy được bí xanh vì không có nguồn hàng. Vì trước Tết lượng tiêu thụ quá nhiều rồi nên ra Tết rau xanh cũng không còn nhiều”, chị này cho hay.

Trao đổi với phóng viên, chị Thanh ( Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra bức xúc: “Trong Tết gia đình ăn uống thịt thà suốt ngày rồi nên giờ chỉ thèm rau xanh và cá, tuy nhiên, một số loại rau xanh, cá tôm lại tăng giá. Đi chợ mua một số thứ loáng cái đã hết vài trăm nghìn, trong khi lương thì vẫn thế khiến tôi cũng hơi bức xúc một chút!”.

Qua khảo sát nhanh tại một số siêu thị tại Hà Nội, phóng viên cũng ghi nhận tình trạng khan hiếm thực phẩm…là có thật.

Tại siêu thị Hapro (Vân Hồ, Hà Nội), mặt hàng tươi sống hằng ngày vốn khá nhiều song nay cũng khá “lèo tèo”. Tương tự, siêu thị Vinmart, lượng hàng thực phẩm cũng giảm hơn so với trước Tết…

Lý giải điều này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Lý do khách quan là do nguồn cung hạn chế. Tại các nơi cung cấp thực phẩm vẫn còn tâm lý nghỉ Tết nên chưa trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Người tiêu dùng thì cũng đã mua dự trữ ăn Tết khá nhiều nên ngoài Tết sử dụng vẫn chưa hết. Ngoài ra, lượng người đi lễ chùa dài ngày cũng nhiều nên có thể thấy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cũng chưa thể trở lại bình thường như trước Tết. Chính vì lý do này, việc dự trữ các mặt hàng tươi sống tại các siêu thị còn ít”.

Dù vậy, theo khảo sát của phóng viên, giá thực phẩm tại các siêu thị có phần ổn định hơn so với giá tại các chợ dân sinh Hà Nội.

Trao đổi với điện tử Tổ Quốc, ông Hồ Quốc Nguyên – Giám đốc Quan hệ Công chúng của Siêu thị BigC cho hay: “Tuy chương trình khoá giá của Siêu thị đã kết thúc vào ngày 20/2 nhưng Siêu thị BigC vẫn đang thực hiện chương trình cam kết giá tốt nhất, có chiến lược lâu dài, trong đó bao gồm cả cam kết giá tốt nhất cho các mặt hàng thực phẩm…nhằm hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận các mức giá hợp lý”./.

Quỳnh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ