• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá trị của Tết Trung Thu là tinh thần yêu thương, san sẻ, đoàn viên

Văn hoá 08/09/2022 07:14

(Tổ Quốc) - Ngày 7/9, tại Hà Nội, nhân dịp Tết Trung Thu, Cung thiếu nhi Hà Nội phối hợp cùng Hội Truyền thông Tp. Hà Nội tổ chức Chương trình Tọa đàm "Tết Trung Thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa". Chương trình có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục cùng chia sẻ những ý kiến về việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền.

Tham dự chương trình có có nhiều chuyên gia uy tín như: Nhà sử học Dương Trung Quốc; Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS Vũ Thế Long - chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa; Nhà văn Lê Phương Liên; TS Phan Đăng Long - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nhà báo Vũ Tuyết Nhung; Nhà thơ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng…

Giá trị của Tết Trung Thu là tinh thần yêu thương, san sẻ, đoàn viên - Ảnh 1.

Các đại biểu chia sẻ về việc gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết Trung thu cổ truyền

Đặc biệt chương trình còn có sự tham gia của 2 nghệ nhân đồ chơi dân gian: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Bà Phạm Nguyệt Ánh (73 tuổi, ở tổ 2, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - người vẫn miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột.

Tại Tọa đàm, Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ về Tết Trung thu xưa qua những câu chuyện và những bức ảnh sưu tầm. Theo Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Trung thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình.

"Với người làm nghề lịch sử, ký ức không chỉ là trải nghiệm mà còn có cả những gì đã đọc được trong sách vở. Ấn tượng sâu sắc nhất bởi tôi vẫn là một bài "tập làm văn" của một học trò nếu còn sống thì hôm nay đã 128 tuổi và viết cách đây đã 115 năm (1907). Đó là bài "Trung thu" của trò Nguyễn Văn Xuân, học tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng ở phố Hàng Đào gắn với tên tuổi Cụ Cử Lương Văn Can"- Nhà Sử học Dương Trung Quốc nói.

Giá trị của Tết Trung Thu là tinh thần yêu thương, san sẻ, đoàn viên - Ảnh 2.

Các cửa hàng bán đồ chơi Trung Thu xưa (ảnh Xưa&Nay)

Ông đọc lại bài văn nguyên vẹn cách hành văn, từ ngữ và chính tả của người thời ấy:

"Giăng sáng quắc. Phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó: dình tùng sèng. Đầu phố một đám rước, cuối phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử, nào cá, nào thiềm thừ, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn.

Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quýt. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói, hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều phu, Lão vọng. Đèn chạy quân, đèn sẻ rãnh: Trương Phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hỏa lò, cái chạy cát; cái ghép lá nứa, cái vặn bằng tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giấy.

Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lối bột đường; trái dừa, trái bưởi, thiếu chi loài hoa quả? Giai giai, gái gái, mặt mũi hớn hở; trán cỗ nhà lại đi ghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít xôi.

Ngoài đường thì hai bên hè lốc nhốc những kẻ hồ khoan. Anh này thỏ cốc lếu, chị kia cá tí hon. Lũ lũ lượt lượt, bắt cái hồ khoan. Hết: mẹ bán than, đến: mẹ bán củi. Bắt cái hồ khoan!

Vui! cha chả! là vui! giai vui, gái vui, nhớn vui, bé vui; trẻ vui chưa lo nghĩ, già vui nhớ thiếu niên".

Giá trị của Tết Trung Thu là tinh thần yêu thương, san sẻ, đoàn viên - Ảnh 3.

Bà cho cháu cháu quà Trung Thu là ông tiến sĩ giấy mang theo niềm khao khát cháu học giỏi thành tài (ảnh Xưa & Nay)

"Đọc lại bài văn trên "Đăng Cổ Tùng Bảo" cách nay đã hơn trăm năm chứa đựng nhiều tri thức (cả ngôn từ) về đời sống liên quan đến ngày Tết Trung thu ở Hà Nội với các đồ chơi, trò vui, tích truyện hay phong tục tập quán của người xưa. Nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm giáo dục cho con cái nhà mình đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui…Ký ức tuổi thơ cũng chính là một phần của Tết Trung thu dành cho người lớn vậy..."- Nhà Sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

TS Vũ Thế Long chia sẻ về những kỷ niệm của mình về những trò chơi Trung thu xưa cũng như những suy nghĩ của ông về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của các đồ chơi Trung thu.

"Đồ chơi Trung thu ở Việt Nam có nhiều loại hình, thể loại có loại hợp với em gái, có loại hợp với em trai và có loại phù hợp với các cụ cao niên cần được trân trọng và bảo tồn. Những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm theo quy định của pháp luật. Những năm gần đây một số nơi trong nước đã tổ chức lễ hội Trung Ttrong đó có những hoạt động thi đèn Trung Thu không kém gì các nước có carnavan truyền thống mà thành phố Tuyên Quang là một ví dụ liên hoan hội đèn cộng đồng rất thành công. Nên tổ chức hội Trung Thu trong nhiều tỉnh thành vì đây là một giá trị văn hóa sẽ có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa du lịch ở nước ta".

TS Vũ Thế Long cũng cho biết, điều ông ấn tượng nhất với Tết Trung Thu xưa là hình ảnh mâm cỗ. Những sản vật đặc trưng nhất của mùa Thu được trưng bày trên mâm cỗ, và những đứa trẻ nâng niu những quả thị, miếng bánh, hít hà mãi mới dám ăn.

Giá trị của Tết Trung Thu là tinh thần yêu thương, san sẻ, đoàn viên - Ảnh 4.

Khách mời chia sẻ những quan điểm về Tết Trung Thu truyền thống

Em Nguyễn Bình Nguyên, học sinh lớp 10 D3, THPT Chu Văn An, giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU tâm sự: "Nói tới Trung thu là nói tới những rộn ràng của nhịp trống tùng rinh rinh nhưng cùng cái chữ "Trung thu" ấy, mỗi người sẽ lại gọi ra trong đầu mình những hình ảnh và xúc cảm thật khác nhau - khác đến mức có khi chẳng ai nghĩ chúng cùng nhân một dịp.

Dù có thế nào, Trung thu vẫn là điều thật tuyệt với trẻ em ở bất cứ nơi đâu. Nó tạo ra niềm vui, sự háo hức về một lễ hội dành riêng cho mình. Nó không phải chỉ là một ngày, một buổi tối mà niềm vui bọn trẻ tìm thấy ở suốt hành trình chuẩn bị và hóng đợi. Nhìn vào Trung thu, người ta sẽ thấy cả một tuổi thơ, cũng thấy cả thế giới tinh thần của con người. Trung thu với mỗi chúng ta đều giống như "mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh" kì diệu.

Bà Phạm Thanh Hà – Chủ tịch Hội truyền thông thành phố Hà Nội- đại diện ban tổ chức cho biết: "Chủ đề: Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các chuyên gia cũng như các bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục. Để gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu cổ truyền sẽ cần sự chung tay của các bên: nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa, nhà trường, gia đình, các cơ quan truyền thông, các nhà sản xuất đồ chơi, sản phẩm phục vụ Trung thu. Những cách làm, mô hình tổ chức Trung thu hay, sáng tạo sẽ cần được phát huy và lan tỏa. Trong tương lai, ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Trung thu".

Trong khuôn khổ chương trình trưng bày gần 30 bức ảnh về Trung thu Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm. Các bức ảnh là những câu chuyện về các đồ chơi Trung thu, cách đón Trung thu của người Hà Nội trước năm 1945.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ