• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá vàng tăng và những hệ luỵ

Kinh tế 18/07/2011 15:22

(Toquoc)-Nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại đến những hệ luỵ từ sự tăng tốc của giá vàng.

(Toquoc)-Tuy liên tục “trồi, sụt” nhưng giá vàng thời gian qua vẫn nằm ở mức cao khiến nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại đến những hệ luỵ mà nó gây ra.

Tâm lý đầu cơ, tích trữ luôn cố hữu

Tính đến thời điểm 9h15’ sáng nay (18/7), giá vàng thế giới đã tăng lên mức 1.594 USD/ounce khiến giá vàng trong nước cũng tăng gần 20.000 đồng /lượng so với phiên giao dịch cuối tuần .

Cụ thể, tại doanh nghiệp vàng Bảo Tín Minh Châu giá vàng được niêm yết hai chiều mua vào bán ra ở mức 3.910-3.920, trong khi đó ngay đối diện doanh nghiệp vàng bạc Phú Quý niêm yết “nhỉnh” hơn ở mức 3.912-3.922 (mua vào-bán ra).

Tuy số lượng khách hàng đến giao dịch chưa đến mức che lấn, xô đẩy như mấy ngày trước nhưng các nhân viên bán hàng của Bảo Tín Minh Châu cho biết thường phải đến cuối giờ trưa, hoặc chiều, gần thời điểm chốt phiên giao dịch, mới là lúc khách hàng nhộn nhịp bán ra hoặc mua vào tuỳ thuộc sự tăng, giảm giá trong ngày .

“Bởi theo tâm lý họ vẫn đợi xem giá vàng có tăng giá thêm nữa hay không mới bán ra để ăn chênh lệch lớn. Nhưng cũng khá nhiều khách hàng, lẫn nhà đầu tư “thứ cấp” đã tỏ ra tiếc nuối vì đã bị “bán rẻ” ở phiến cuối tuần qua khi hôm nay giá vàng tiếp tục tăng.”, một nữ nhân viên cho biết.

Anh Mai Văn Lân (Đông Tác, Đống Đa) tiếc nuối cho biết: "Sáng nay định ra xem giá có xuống không để mua vào nhưng không ngờ lại tăng, tính ra nếu để hơn 20 lượng vàng hôm nay bán cũng lãi thêm vài chục triệu đồng”.

Người dân lại tiếp tục chạy đôn chạy đáo theo giá vàng (Ảnh: T.Xuân)

Lý giải điều này, ông Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc người dân đổ xô bán tháo vàng là do biểu hiện tâm lý, cứ nghe công bố giá vàng cao là họ tưởng giá đã kịch trần, chớp thời cơ bán tháo để ăn chênh lệch, nhưng đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì thời điểm nay họ không bao giờ chạy đôn chạy đáo vì sự tăng lên hay giảm xuống của vàng đang chỉ ở kiểu tạo sóng”.

Theo PGS.TS Phan Duy Minh (Học viện Tài chính), rõ ràng là sự tăng giá của vàng trên thế giới cũng như trong nước về cơ bản không phải do sự tăng lên từ cầu tiêu dùng thực của vàng để phục vụ cho một số ngành công nghiệp chế tạo hay làm đồ trang sức, trang trí mà vàng chủ yếu được mua để cất trữ và đầu cơ hưởng chênh lệch giá.

“Với tư duy vàng là “ông hoàng của mọi loại tiền” đã tạo ra một lượng cầu vô cùng tận về vàng trong khi nguồn cung lại không tăng tương ứng thậm chí còn giảm thì sự tăng giá nhanh và liên tục của vàng là điều dễ hiểu”, ông Minh  phân tích.

Hơn thế là chỉ số CPI và lạm phát

Theo số liệu đã thống kê, vốn huy động tiết kiệm bằng vàng của các ngân hàng thương mại trong nước hiện đạt mức trên dưới 95.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 115 tấn vàng).

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu giá vàng tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ không dám vay vàng vì lo ngại “thiệt hại kép”. Ngân hàng huy động vàng mà không cho vay được thì kênh tín dụng vàng sẽ bị tắc nghẽn, gây lãng phí cho nguồn vốn vàng to lớn.

Tuy thời điểm này vàng không được tính trong tổng số 527 nhóm hàng và dịch vụ để tính CPI, nhưng theo ông Minh, vàng tăng giá cũng sẽ tác động gián tiếp đến chỉ số CPI.

“Khi giá vàng tăng các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất chế tác các dòng sản phẩm liên quan cũng sẽ tăng dẫn đến giá bán tăng, khi đó sẽ tác động gián tiếp đến rổ 572 nhóm hàng dịch vụ nói trên, đó là chưa kể khi giá vàng tăng giá các mặt hàng khác cũng tăng theo vì bị “quy” ra vàng”, ông Minh đưa ra ví dụ.

Trong một báo cáo gần đây của mình, ông Minh cũng đã chỉ ra một chuỗi tác động liên hoàn mà giá vàng đem lại trong đó nêu ra việc những dấu hiệu về lạm phát sẽ xuất hiện khi chỉ số CPI gián tiếp bị ảnh hưởng. Nếu tỷ lệ lạm phát không dao động trong vùng kiếm soát theo kỳ vọng chung của nền kinh tế Ngân hàng nhà nước sẽ xem xét thực thi một số biện pháp như điều chỉnh lãi suất cơ bản, điều chỉnh  tỷ lệ dữ trữ bắt buộc và điều tiết tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.

Và trên thực tế Nghị quyết 11 của Chính phủ đã và đang thực hiện những biện pháp nhằm “ghìm cương” lạm phát.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và bất động sản cũng là hai thị trường cũng chịu nhiều tác động từ tâm lý chung của các nhà đầu tư khi họ hướng đầu tư vào những nơi sinh lời nhất.

Ông Minh lo ngại: “Vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, nếu các nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng thì thị trường sẽ thiếu thanh khoản, ảnh hưởng đến sự phục hồi và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Cũng như vậy, thay vì định giá bất động sản bằng tiền họ sẽ chuyển sang định giá bằng đơn vị vàng. Điều này sẽ làm cho thị trường bất động sản kém sôi động “./.

Thành Tâm

NỔI BẬT TRANG CHỦ