• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải bài toán "già hóa" nguồn nhân lực sân khấu truyền thống

Văn hoá 24/05/2023 07:39

(Tổ Quốc) - Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 vừa khép lại tuần qua bày tỏ những trăn trở về bài toán thiếu hụt lực lượng kế cận, bởi ngay từ "đầu vào" đã không có người dự tuyển. Đó là lý do mà các cuộc thi tài năng đã rơi vào tình trạng "già hóa".

Thiếu hụt lực lượng kế cận

Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 khép lại đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên tham dự và công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Đây là cuộc thi hết sức quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới. Thông qua Cuộc thi, cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong Nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, nhiều nhà hát bày tỏ những trăn trở về bài toán thiếu hụt lực lượng kế cận.

Giải bài toàn "già hóa" nguồn nhân lực sân khấu truyền thống - Ảnh 1.

Nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lực lượng kế cận

NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Hiện cái khó của Nhà hát cũng như các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống tình trạng thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, chưa nói đến diễn viên tài năng. Cơ hội làm việc ở các ngành nghề khác rất rộng mở, như Thanh Hóa có nhiều khu công nghiệp dệt may, lao động đơn thuần cũng có thể nhận mức lương 6 triệu, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu, cũng dễ hiểu vì sao nghệ thuật truyền thống không có sức hút với người trẻ!". Hiện nay, lãnh đạo Nhà hát NTTT Thanh Hóa cũng đang rất đau đầu để "giải bài toán" thiếu nhân lực, khi biên chế giới hạn chỉ có 86 người (cả 3 đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương gồm nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, nhân viên ánh sáng, âm thanh, hành chính, lái xe...). Tính trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công, số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

NSƯT Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết: "Thay vì tổ chức Cuộc thi tài năng trẻ cho từng loại hình sân khấu truyền thống như trước, năm nay Cuộc thi tài năng sân khấu Chèo, Tuồng, Dân ca kịch đã bỏ đi từ "trẻ" và không khống chế độ tuổi dự thi. Nhà hát Chèo Bắc Giang có 2 NSƯT và 4 diễn viên trẻ tham gia. Chúng tôi đang còn 7 chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có người để tuyển".

Cùng cảnh với hai nhà hát trên, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Đào Tấn và nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu tới Cuộc thi này cũng chia sẻ những trăn trở về bài toán thiếu hụt lực lượng kế cận.

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Bất cập dễ nhận thấy là nhiều diễn viên đã hết tuổi làm nghề nhưng chưa đến tuổi về hưu. Cho nên, xét về chỉ tiêu, các đơn vị cơ bản vẫn đủ người, song thực tế thì khan hiếm đến mức báo động nguồn nhân lực sung sức.

Giải bài toàn "già hóa" nguồn nhân lực sân khấu truyền thống - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ nhận giải Nhất Cuộc thi. Ảnh: BTC.

Cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên

Trên thực tế, vẫn có nhiều đoàn nghệ thuật vẫn "sống khỏe" với nghề như các Đoàn nghệ thuật các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội hay Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội... Nhờ có sự quan tâm sát sao, thấu hiểu cái khó của người làm nghệ thuật truyền thống, những đơn vị trên đã được địa phương tạo cơ chế mở về tuyển dụng cũng như đào tạo, vì vậy mà nguồn nhân lực được đảm bảo.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn nhận định: "Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề cốt yếu nhất đang nằm ở chỗ: Thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những nhà cầm quân sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị".

Ông Trần Ngọc Tuấn chỉ ra một thực tế: "Đáng buồn là hiện nay một số địa phương đã không thật sự quan tâm tới việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, nên không có chính sách hay cơ chế đặc thù để đãi ngộ, thu hút lực lượng diễn viên trẻ. Rất nhiều đơn vị chỉ trông ngóng vào những cuộc thi hay liên hoan để "xin" kinh phí, không đi thi đồng nghĩa sẽ không có tiền để dàn dựng chương trình mới. Không được dựng vở mới, không thường xuyên đỏ đèn, tất cả chỉ trông chờ vào ngân sách eo hẹp, thế mà nhiều vị lãnh đạo thụ động chấp nhận lực lượng nghệ sĩ của mình ngày một teo tóp, già nua… Họ không có đủ bản lĩnh, dũng cảm để lo được kinh phí nhận người trẻ về làm theo hình thức xã hội hóa".

Giải bài toàn "già hóa" nguồn nhân lực sân khấu truyền thống - Ảnh 3.

Bởi vậy, tại Cuộc thi này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi lần này cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà. "Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế cuộc thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi được tổ chức ngày một tốt hơn, tìm ra được nhiều hơn nữa những tài năng cho nghệ thuật truyền thống nước nhà"- Thứ trưởng yêu cầu./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ