Nếu như LHP Việt Nam lần thứ 15 chứng kiến sự so tài giữa một loạt tác phẩm đầu tay, thì tại kỳ LHP năm nay, những cái tên được chú ý nhất đều là những người đã có kinh nghiệm “chinh chiến” trong và ngoài nước.
Nếu như LHP Việt Nam lần thứ 15 chứng kiến sự so tài giữa một loạt tác phẩm đầu tay, thì tại kỳ LHP năm nay, những cái tên được chú ý nhất đều là những người đã có kinh nghiệm “chinh chiến” trong và ngoài nước.
Tại Nam Định 2 năm trước, hầu hết cử viên sáng giá cho giải Bông Sen Vàng phim truyện nhựa đều là phim đầu tay, như Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải), Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn)…
Ngược lại, tại kỳ LHP lần này, những bộ phim triển vọng nhất đều là tác phẩm của những tên tuổi đã được khẳng định. Còn những tác phẩm đầu tay của các gương mặt mới chưa thể đứng ngang hàng với lớp đàn anh, hoặc còn là ẩn số khi chưa ra mắt, như "Được sống" của Trần Trung Dũng hay "Không cân sức" của Trần Ngọc Phong.
Lớp tân binh lép vế
Có mặt tại giải Cánh diều Vàng 2009, “Chuyện tình xa xứ” của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ đã tạo cảm tình với lối làm phim giải trí tương đối sạch nước cản và dàn diễn viên trẻ đẹp ấn tượng. Tuy nhiên, sẽ khập khiễng nếu so bộ phim có phần đơn giản này với những tác phẩm mang nhiều tinh thần thử nghiệm, tìm tòi và nặng dấu ấn cá nhân, như “Chơi vơi” (Bùi Thạc Chuyên), “Trăng nơi đáy giếng” (Nguyễn Vinh Sơn), “
Cảnh trong phim Em muốn làm người nổi tiếng. |
Áo lụa Hà Đông” (Lưu Huỳnh) hay chắc tay nghề như “Đừng đốt” (Đặng Nhật Minh), “Trái tim bé bỏng” (Nguyên Thanh Vân)…
Cũng ra đời dịp sau Tết, cũng là sản phẩm của các nhà làm phim Việt kiều, nhưng “14 ngày phép” của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa kém may mắn hơn so với đồng nghiệp. Không có gì mới mẻ trong phong cách làm phim, lại thêm nội dung có phần thiếu thực tế, bộ phim đã nhận được nhiều lời chê sau khi trình chiếu.
“14 ngày phép” sẽ không đơn độc vì còn bạn đồng hành “Em muốn làm người nổi tiếng” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt. Là quay phim có tên tuổi (Đời cát, Vua bãi rác) nhưng anh chưa tạo được dấu ấn gì riêng biệt với tác phẩm đầu tay trên tư cách đạo diễn.
Là cái tên chưa quen thuộc trong làng điện ảnh nhưng Trần Ngọc Phong đã là tác giả của 4 bộ phim nhựa, gồm “Trận đấu cuối cùng” ,“3 người đàn ông”, “Biển đợi” và bộ phim tham dự LHP lần này là “Không cân sức”. Phim chưa ra mắt nên khó thể kết luận gì nhưng nhìn vào gia tài tác phẩm mạnh về số lượng mà chưa từng gây xôn xao về chất lượng cũng ít tạo niềm tin về một điều gì hứa hẹn.
Là diễn viên thâm niêm và cũng từng đạo diễn rất nhiều phim truyền hình gây tiếng vang như “Người đẹp Tây Đô”, “Dòng đời”, “Những chiếc lá thời gian” nhưng đạo diễn Lê Cung Bắc chưa tạo được nhiều quan tâm về mặt nghề nghiệp với bộ phim đề tài Phật giáo “Duyên trần thoát tục”.
Có mặt trong LHP năm nay còn là một cái tên hoàn toàn ngoại quốc, đạo diễn Hàn Quốc Kim Tae-Kyung, tác giả của bộ phim kinh dị duy nhất “Mười”. Bộ phim có thể có chiếm ưu thế ở những hạng mục nhỏ như hoá trang, kỹ xảo chứ khó tạo được bất ngờ ở giải dành cho phim hay nhất.
Cán cân nghiêng về cựu binh
Tạo được sự chú ý nhất là “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Nếu như 2 năm trước tại Nam Định, đạo diễn của “Sống trong sợ hãi” góp mặt trong một lớp thế hệ nhà làm phim mới triển vọng thì tới LHP lần này, anh đã đi thêm một chặng đường so với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Tự tin xác định đường dài với dòng phim nghệ thuật và nhạy bén trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư nước ngoài là những điểm mạnh ở đạo diễn này.
Những thử nghiệm mạnh dạn với cách kể chuyện mới của “Chơi vơi” đã được khích lệ bằng việc liên tục được tuyển chọn tham gia các LHP quốc tế lớn như Venice, Pusan, Vancouver, Bangkok… và một giải thưởng cao dành cho “Chơi vơi” có lẽ sẽ là hợp lý với slogan “đổi mới và hội nhập” của LHP lần này.
Hành trình tương đồng với “Chơi vơi” từ con đường xin tài trợ nước ngoài – đi liên hoan phim - phát hành, “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ cho dòng phim tác giả ở LHP lần này.
20 năm kể từ bộ phim truyện nhựa đầu tay “Tuổi thơ dữ dội” gây dấu ấn với giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 9 (năm 1990), sự nghiêm túc nghề nghiệp, niềm đam mê điện ảnh và sự chung thuỷ với con đường làm phim nghệ thuật dường như không thay đổi ở vị đạo diễn này. 4 giải thưởng tại Cánh diều Vàng 2009, cùng một số giải thưởng quốc tế cho cá nhân đạo diễn tại LHP quốc tế Madrid và diễn viên tại LHP quốc tế Dubai…
Được dư luận quan tâm không kém là “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Là nhà làm phim giầu thành tích của điện ảnh Việt
Dành được giải thưởng quan trọng của LHP Fukuoka đồng thời tạo được dư luận “gây xúc động” ở nhiều khu vực chiếu ít nhiều chứng tỏ sự lay động khán giả của bộ phim. Việc được Cục Điện ảnh chọn làm phim đại diện tranh giải Oscar, vượt qua đối thủ "Huyền thoại bất tử" cũng cho thấy lợi thế của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Lớp đạo diễn định hình phong cách
Từng đạt được nhiều thành công trên cả góc độ nghệ thuật lẫn thương mại với “Áo lụa Hà Đông”, Lưu Huỳnh vẫn đi song song trên 2 dây tác giả - khán giả một cách thăng bằng. 5 giải thưởng quan trọng tại Cánh diều Vàng 2009 cùng sự đồng đều của ekip làm phim từ quay - dựng - diễn xuất là những lợi thế không nhỏ của “Huyền thoại bất tử” tại LHP lần này.
Chỉ mới ngoài 30 tuổi, là cái tên của dòng phim thương mại nhưng Nguyễn Quang Dũng cũng tạo được ít nhiều thú vị và nét riêng biệt với những tác phẩm của mình. Vừa đạt được những thành công lớn về mặt khán giả, đồng thời trong bộ phim hài “Giải cứu thần chết”, đạo diễn trẻ này cũng cho thấy tâm thế “thử nghiệm” với việc ứng dụng kỹ xảo và nhiều ngón nghề sở trường khá hấp dẫn.
Cảnh trong phim Trái tim bé bỏng |
Gần 10 năm kể từ khi khẳng định tên tuổi với “Đời cát”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vẫn ưu tiên hướng ống kính tới những số phận nhỏ bé trong những đổi thay thời cuộc. Vẫn bối cảnh miền Trung nghèo khó, cùng sự trưởng thành hơn của 2 nữ diễn viên Hồng Ánh và Lan Hà, nhưng “Trái tím bé bỏng” kể một bi kịch khác ở thời hiện đại với lối kể bằng những hình ảnh tương phản đầy ngụ ý.
Một đạo diễn khác cũng tiếp tục khai thác sở trường quen thuộc là Vương Đức. Bối cảnh rừng núi với đề tài xung quanh sự mưu sinh và tương tác giữa con người với thiên nhiên, với đồng loại đã từng xuất hiện trong “Những người thợ xẻ” lại được anh trở về trong “Rừng đen”. Câu chuyện melo, diễn viên ổn, tuy nhiên, cách dựng phim manh mún và không nhuyễn lại là điểm trừ của tác phẩm.
Cuối cùng là bộ phim “Hoài vũ trắng” của đạo diễn trẻ Đào Duy Phúc, người đang tạo quan tâm với bộ phim truyền hình lịch sử cả về đề tài lẫn quy mô đầu tư, “Trần Thủ Độ”. Lấy bối cảnh của Huế những năm chiến tranh chống Mỹ và Hà Nội những năm bao cấp, bộ phim là một bản tình ca nhẹ nhàng, dễ xem và được thực hiện cẩn trọng nhưng cũng không có quá nhiều đặc biệt.
Không khó để dự đoán những giải thưởng cao nhất ở thể loại phim truyện nhựa tại LHP lần này, nhưng dù sao, cái gu của BGK cũng là một ẩn số.
Theo VnM