Sự đổi mới rõ nét của điện ảnh nước nhà những năm gần đây với sự nhập cuộc, mở rộng hợp tác làm phim sôi động, với nhiều tác phẩm mới, phong phú, đa dạng đã cuốn hút ngày càng đông công chúng. Đó là lý do những bộ phim vừa hoàn thành trong năm 2007 đang được dư luận quan tâm theo dõi trước thềm lễ trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đêm 9-3-2008.
Sự đổi mới rõ nét của điện ảnh nước nhà những năm gần đây với sự nhập cuộc, mở rộng hợp tác làm phim sôi động, với nhiều tác phẩm mới, phong phú, đa dạng đã cuốn hút ngày càng đông công chúng. Đó là lý do những bộ phim vừa hoàn thành trong năm 2007 đang được dư luận quan tâm theo dõi trước thềm lễ trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đêm 9-3-2008.
Hướng đến khán giả
Trong danh sách phim truyện chính thức tham gia năm nay, tranh giải Cánh diều vàng có sự góp mặt của 4 hãng phim tư nhân: Hãng phim Thiên Ngân với phim “Nụ hôn thần chết”; Hãng phim Giải Phóng hợp tác với Hãng phim Celluloid Dragon Pictures có phim “Sài Gòn tình ca”; Hãng phim Phước Sang có phim “Mười” và Hãng Senafilm với “Duyên trần thoát tục”. 7 phim Nhà nước tham gia tranh giải gồm “Hoài vũ trắng” và “Chớp mắt cùng số phận” -Hãng phim truyện 1; “Giá mua một thượng đế” -Hãng phim Giải phóng; “Trái tim bé bỏng”, “Rừng đen” và “Vũ điệu tử thần” -Hãng phim Truyện Việt Nam; “Em muốn là người nổi tiếng” -Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam.
Phim hướng đến khán giả-tiêu chí của những người làm điện ảnh đưa ra trong thời buổi hiện nay, nhất là dịp phim chiếu Tết cũng đã thôi thúc lực lượng làm điện ảnh phía Bắc (thường làm phim Nhà nước đặt hàng) vào cuộc. Điểm mặt những bộ phim tham gia tranh giải Cánh diều vàng 2007 của giới điện ảnh phía Bắc đã thấy hơi thở của cuộc sống giới trẻ hiện đại, công nghệ làm phim mới (“Em muốn làm người nổi tiếng” làm hậu kỳ âm thanh ở Thái Lan)… Một trong những trăn trở lớn của BTC giải hằng năm chính là tình trạng phim nhựa đoạt giải thưởng cao chỉ có người trong nghề và giới báo chí biết với nhau, khán giả thì “ngơ ngác”. Cũng có ý kiến, phim được thẩm định qua một mùa giải sẽ có lợi khi phát hành, vì một phần đã được quảng bá qua giới truyền thông; khán giả yên tâm với chất lượng của phim… Nhưng ngược lại, việc các tác phẩm điện ảnh đã ra mắt công chúng trước khi dự giải, nếu có cơ hội đoạt giải thưởng cao thì càng thuyết phục hơn, giải thưởng được trao sẽ giảm bớt tranh luận (tránh tình trạng các mùa giải trước). Cũng có ý kiến cho rằng, giải Cánh diều vàng nên lùi thêm thời gian 2-3 tháng nữa, bởi thực tế giải thưởng được tổ chức vào tháng ba- thời điểm những tác phẩm đang lần lượt làm hậu kỳ, vừa hoàn thành, chưa kịp phát hành… Đó cũng là lý do số lượng phim dự giải ít, chất lượng để tạo ra sự cạnh tranh chưa cao, làm kém tính hấp dẫn của giải thưởng năm nay.
Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, sự góp mặt khá rầm rộ của nhiều hãng phim tư nhân trong mấy năm gần đây khiến cho người ta có quyền hy vọng vào một bộ mặt mới của điện ảnh Việt Nam, năng động và phong phú hơn. Giải Bông sen vàng diễn ra cuối năm 2007 lại càng khẳng định thêm một lần nữa: các hãng phim tư nhân đang dần mặn mà với các giải thưởng nghề nghiệp. Sự phân biệt giữa hãng phim tư nhân, Nhà nước, phim hợp tác được đẩy lùi cho những mục đích lớn lao hơn, là công tác xã hội hóa điện ảnh, đưa điện ảnh đến gần vớ i công chúng bằng những bộ phim phong phú về đề tài, phù hợp với cuộc sống hiện đại, hội nhập quốc tế…
Tài liệu, khoa học... vào điểm nóng
|
Theo đạo diễn, NSƯT Đặng Xuân Hải, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng ban giám khảo phim tài liệu và khoa học, thì năm nay thể loại này có 49 phim tham gia, nhiều nhất trong tất cả các thể loại; trong đó có một số phim dài tập lên tới 250 phút. Ban giám khảo thể loại phim này năm nay đã trẻ hơn so với năm ngoái và đều là những người đã từng làm phim tài liệu. Ông Hải cho biết: các phim tham dự tuy nhiều nhưng chất lượng chưa thật đồng đều. Những mảng đề tài quen thuộc như văn hóa truyền thống, lịch sử, kinh tế, xã hội, môi trường… đều được đề cập đến. Một số tác phẩm tham dự đã từng gây tiếng vang từ lần đầu giới thiệu trên truyền hình, có tác động xã hội mạnh mẽ như tác phẩm “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng” kể về 3 người thương binh, người mất một cánh tay, người mất một cái chân, người chỉ còn một mắt nhưng chung sức chung lòng khuân đá, vun đất gieo trồng trên cao nguyên đá Hà Giang. Cũng chính các anh đã thổi ngọn lửa đam mê học hành cho các trẻ em nghèo các dân tộc vùng cao… Các anh được bà con gọi là những ông thần của núi rừng. Bộ phim “Cha, mẹ xin lỗi con” thực sự là một tiếng nói hiện thực nhức nhối. Phim kể về câu chuyện một người đàn ông làm nghĩa trang tư nhân chuyên chôn cất những hình hài sơ sinh, trong cuộc sống ông còn nuôi hơn 50 đứa trẻ bị bỏ rơi cũng đã từng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong suốt một năm qua...
Những tác phẩm của các đài truyền hình sản xuất, có tính báo chí cao, một số tác phẩm đi vào điểm nóng, góc khuất của xã hội để phản ánh những vướng mắc của người dân. Tuy nhiên, những đề tài này không nhiều, chất lượng không cao so với những mùa giải trước. Nếu như các bộ phim truyện nhựa sẽ được chiếu trong tuần phim đề cử tại TP Hồ Chí Minh thì phim tài liệu và khoa học đã được BGK xem trước để chấm giải. Băn khoăn lớn nhất của BTC là những bộ phim này mặc dù chất lượng cao, đạt giải nhưng không “chen” được vào rạp. Ngoài hình thức phát hành duy nhất là qua các chương trình phim tài liệu, phim khoa học trên sóng truyền hình, thì ngay cả những tuần lễ phim miễn phí của Trung tâm chiếu phim quốc gia hằng năm cũng thưa vắng người xem.
Phim hoạt hình năm nay cũng độc tôn một mình Hãng phim hoạt hình Việt Nam tranh giải với 4 bộ phim.
Theo QĐND