(Tổ Quốc) - Chiều 13/1, Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường; công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân.
Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia "hiến kế" cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước". Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội cũng luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài. Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao việc Ủy ban Đối ngoại triển khai chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài" và tổ chức Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với sự tham dự của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan. Từ đó, những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ghi nhận.
Tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng mong muốn các đại biểu sẽ thảo luận thật sôi nổi, có nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, mang lại nhiều kết quả thiết thực, là cơ sở quan trọng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu trong phiên tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu, một lần nữa khẳng định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc.
Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hóa thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như: quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động..., nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng NVNONN đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Trên cơ sở những thành công của chương trình giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài" cùng hai cuộc tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm đầu tiên của năm mới 2023 về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiểu được người Việt Nam tại nước ngoài đang quan tâm tới nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề mang tính thời sự như: chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân…, tọa đàm có thể là cơ hội để bà con đưa ra ý kiến và đề xuất. Các cơ quan chức năng sẽ ghi nhận, xem xét, tiếp thu và trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Luật sửa đổi trình Chính phủ và Quốc hội, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo một số định hướng về nội dung xin ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Bộ phụ trách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ về những vướng mắc của đồng bào ta định cư ở nước ngoài về luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, vấn đề cấp quốc tịch Việt Nam, giữ song tịch hay cấp căn cước công dân cho người Việt Nam ở nước ngoài, quyền bầu cử, trách nhiệm tham gia bảo vệ đất nước và tạo thuận lợi cho sự kết nối văn hóa của người Việt Nam khi đi ra thế giới.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến ghi nhận ý kiến rất sát thực tiễn và gắn chặt với quyền lợi của bà con, khẳng định đại diện các cơ quan chức năng có liên quan có mặt tại cuộc tọa đàm sẽ tiếp thu ý kiến của bà con, có trách nhiệm giải đáp và góp phần tháo gỡ những vướng mắc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cũng khẳng định sẽ phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị khác để tổ chức thêm các cuộc tọa đàm, trao đổi, cả trực tuyến và trực tiếp, để tiếp tục kết nối với bà con và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con.