• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải đáp những câu hỏi “nóng” về Festival Huế 2018

Văn hoá 29/03/2018 21:41

(Tổ Quốc) - Buổi đối thoại trực tuyến “Festival và du lịch Huế” là hoạt động thiết thực giúp đáp ứng sự mong mỏi, quan tâm của nhiều người dân trước thềm sự kiện Festival 2018.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của Festival Huế qua các lần tổ chức, cũng như giúp ngành du lịch của Thừa Thiên – Huế phát triển lên một tầm cao mới, ngày 29/3 lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng với các đơn vị liên quan đã có buổi đối thoại trực tuyến với các cá nhân, tổ chức với chủ đề “Festival và du lịch Huế”. Đây là hoạt động thiết thực giúp đáp ứng sự mong mỏi, quan tâm của nhiều người dân ngay trước thềm sự kiện Festival Huế 2018.

Festival Huế 2018 sẽ khác với 9 lần trước

Festival Huế là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Trải qua 9 kỳ được tổ chức, Festival Huế đã khẳng định được vị thế và thương hiệu. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách, câu hỏi “Festival Huế 2018 có những gì khác biệt so với những lần trước đó?” luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra.

Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa" sẽ diễn ra trong suốt kỳ Festival Huế 2018. Ảnh: Lê Chung

Trước câu hỏi này, ông Huỳnh Tiến Đạt – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế thông tin, về mặt kết cấu, cho đến nay BTC vẫn xây dựng các chương trình IN và OFF theo công nghệ tổ chức của các Festival trên thế giới, được phía Pháp chuyển giao. Còn về mặt nội dung, hầu hết các chương trình đều được chọn lọc và dàn dựng mới, tiêu biểu như: Chương trình “Văn hiến kinh kỳ” tôn vinh những giá trị của 5 di sản văn hóa thế giới; Liên hoan “Hát văn và hát Chầu văn toàn quốc” hình thức lễ nhạc gắn liền với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại mà Thừa Thiên - Huế là đồng chủ sở hữu.

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” cũng sẽ khác với các kỳ Festival trước khi quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Phạm vi không còn giới hạn vào các nước thuộc diễn đàn FEALAC mà mở rộng ra tất cả các nước. Đồng thời, không gian biểu diễn cũng được mở rộng trên nhiều tuyến đường, vào tất cả các buổi chiều trong thời gian diễn ra Festival, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng trên khắp địa bàn thành phố.

Cùng với đó, năm nay nhiều chương trình được đầu tư, dàn dựng công phu. BTC cũng tạo điều kiện tối đa cho các chương trình xã hội hóa nhằm làm phong phú thêm các hoạt động. Có thể kể đến: Chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn” quy tụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương” với sân khấu chìm và không gian diễn xướng trải rộng trên cả khúc sông khu vực bãi bồi cầu Gia Hội..

Chương trình "Âm nhạc Trịnh Công Sơn" luôn thu hút sự quan tâm của người dân và du khách tại các kỳ Festival. Ảnh: Lê Chung

Hướng tới việc xây dựng Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực”, sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến ẩm thực đặc sắc thu hút du khách như: Liên hoan ẩm thực quốc tế Huế 2018; Không gian ẩm thực chay “Môi trường hiền thiện – Cuộc sống hạnh phúc”; Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ẩm thực Cung đình – Dân gian Huế”, hay hoạt động trưng bày và trải nghiệm 100 món ăn cung đình và dân dã…

Phục vụ tốt và nghiêm túc với du khách

Festival Huế lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 02/5/2018. Trong suốt kỳ Festival Huế năm 2018 sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, các lễ hội đầy màu sắc và hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng. Đây là hoạt động văn hóa - du lịch nổi bật của tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018 nên dự kiến lượng khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tăng hơn mọi năm. Trước thực tế này, nhiều du khách cũng bày tỏ quan điểm lo ngại sẽ xảy ra tình trạng các cơ sở kinh doanh du lịch tăng giá, “chặt chém”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định khi lượng khách đến Huế tăng cao vào mùa cao điểm du lịch, đặc biệt là Festival Huế 2018 sắp tới, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế và các doanh nghiệp du lịch phải có trách nhiệm phục vụ tốt và nghiêm túc.

Các chương trình, hoạt động hấp dẫn tại Festival Huế 2018 hứa hẹn sẽ thu hút rất đông du khách đến với Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Chung

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho du khách, ngăn ngừa tình trạng tăng giá dịch vụ, ngay từ đầu tháng 4, Sở Du lịch đã có văn bản quán triệt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn không tùy tiện tăng giá, ép khách, găm phòng gây sốt giá trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018 làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành du lịch tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện báo cáo tình hình khách đặt phòng, đăng ký kê khai giá lưu trú dịp Festival và niêm yết giá kê khai gửi về Sở.

Bên cạnh đó, trước và trong thời gian diễn ra Festival Huế 2018, lực lượng chức năng của ngành du lịch và các ngành chức năng liên quan sẽ tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra rà soát giá cả các dịch vụ du lịch; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ; phòng chống tệ nạn xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng phục vụ; yêu cầu các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch phải niêm yết công khai, rõ ràng giá thuê phòng và giá dịch vụ ăn uống ở thời điểm ngày thường cũng như ngày diễn ra sự kiện Festival tại quầy lễ tân của đơn vị.

Ngoài ra, đường dây nóng của Sở Du lịch hoạt động 24/24 và Phòng Thông tin và hỗ trợ khách du lịch của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch sẽ tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh về hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh từ người dân và khách du lịch; Thanh tra ngành Du lịch hoạt động thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm bảo vệ quyền lợi cho du khách.

Nỗ lực để Festival Huế hấp dẫn, ấn tượng hơn

Cũng trong buổi đối thoại trực tuyến sáng cùng ngày, nhiều câu hỏi, ý kiến tâm huyết khác đã được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đưa ra. Những ý kiến này đã được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế lắng nghe và ghi nhận.

Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay việc tổ chức Festival Huế qua 9 kỳ vừa qua vẫn còn nhiều công việc cần nỗ lực hơn nữa để đạt hiệu quả và chất lượng cao hơn. Đây là trách nhiệm hết sức lớn lao đang đặt ra cho các cấp, các ngành của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực để Festival Huế ngày càng hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách. Ảnh: Lê Chung

Sau buổi đối thoại, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ tập trung chỉ đạo các ngành rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu ra; đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc phát triển du lịch và việc tổ chức Festival Huế theo hướng thiết thực, đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng và đề cao nhu cầu của du khách. Coi việc tổ chức Festival Huế và phát triển du lịch là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và phát triển xã hội.

“Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tất cả chúng ta, trong thời gian tới, hình ảnh du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ hấp dẫn, thân thiện, an toàn và Festival Huế sẽ hấp dẫn hơn, có ấn tượng tốt hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế; thương hiệu du lịch Thừa Thiên - Huế có vị trí đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và thế giới”, ông Dung nói.

Lê Chung

 

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ