(Tổ Quốc) - Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh nổi trội về tài nguyên rừng, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.
Trung bình 352 HTX/tỉnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể thăm mô hình sản xuất cây ăn quả của HTX Mường Động (tỉnh Hòa Bình). |
Báo cáo hình phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 – 2018, định hướng phát triển giai đoạn 2018-2020 của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, vùng Tây Bắc (gồm 7 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh nổi trội về tài nguyên rừng, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, vùng Tây Bắc có nhiều lợi thế để phát triển (tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 24,15% cơ cấu kinh tế của vùng), chăn nuôi tiếp tục phát triển, từng bước chuyển dịch theo hướng mô hình trang trại, gia trại và chế biến công nghiệp; tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 8,1 triệu con; nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển, diện tích và sản lượng ước đạt 37,5 ngàn ha/ 70 nghìn tấn (tăng bình quân 12%/năm); lâm nghiệp chú trọng việc quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng tăng tỷ trọng rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, diện tích khoảng 6,0 triệu ha với tỷ lệ che phủ rừng trên 50%.
Về tình hình phát triển KTHT, HTX, đến 30/6/2018, vùng Tây Bắc có 2.463 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, tăng 562 HTX so với năm 2013; trong đó: 1.420 HTX nông lâm, ngư, diêm nghiệp, 352 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 240 HTX xây dựng, 72 Quỹ tín dụng nhân dân, 225 HTX thương mại dịch vụ, 92 HTX vận tải, 13 HTX môi trường và 49 HTX trong lĩnh vực khác như y tế, chợ, trường học…, có 05 Liên hiệp HTX với tổng số 44 HTX thành viên, các liên hiệp HTX đều hoạt động có hiệu quả, tích cực triển khai, tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tại địa phương.
Theo báo cáo của Liên minh HTX các tỉnh vùng Tây Bắc, số lượng HTX tương đối đồng đều, trung bình 352 HTX/tỉnh, trong đó thấp nhất là 208 HTX (Điện Biên), cao nhất là Sơn La đạt 490 HTX; có 1.175 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm 48%).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, vùng Tây Bắc có 1.420 HTX nông nghiệp, tăng 608 HTX so với năm 2013.
HTX nông nghiệp trong vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn: nguồn lực yếu, chưa thu hút và phát huy có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của HTX, nhất là từ các thành viên; kinh phí hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí; chưa chủ động khai thác nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh do HTX cung cấp; việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa có sản phẩm chủ lực của HTX để đầu tư sản xuất, kinh doanh; HTX chưa chú trọng đến bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vùng Tây Bắc hiện có 352 HTX công nghiệp, tăng 48 HTX so với năm 2013, tập trung chủ yếu khai thác khoáng sản, cát sỏi, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng, mây tre đan, dệt thổ cẩm, khai thác vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, thủ công mỹ nghệ, chè, mỳ gạo, chế biến nông sản, thực phẩm; một số HTX đã quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận khai thác thị trường mới, một số HTX công nghiệp đã trở thành vệ tinh cho các nhà máy chế biến công nghiệp và liên kết với sản xuất ở các vùng nguyên liệu; các HTX tiêu biểu trong vùng như HTX Phúc Khoa, HTX Thành Gia, HTX Trường Sinh (Lai Châu), HTX đồ thủ công mỹ nghệ Anh Minh, HTX làng nghề mây tre đan Nà Táu, HTX sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái Điện Biên (Điện Biên), HTX Chè Phú Thịnh, HTX Mỳ gạo Hùng Lô (Phú Thọ)… Tuy nhiên hoạt động của HTX trong lĩnh vực bày còn những hạn chế: quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu là từ các hộ gia đình sản xuất; sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương; công tác quản trị, điều hành của HTX còn lúng túng.
HTX thương mại, dịch vụ hiện có 225 HTX, giảm 31 HTX so với năm 2013, HTX vẫn duy trì mô hình truyền thống như HTX kinh doanh tổng hợp, chủ yếu kinh doanh nông sản, bán hàng tạp hóa, dịch vụ du lịch, tắm nước nóng thiên nhiên… tập trung tại các thị trấn, thị tứ đông dân cư, bám sát nhu cầu đa dạng của dân cư địa phương, ít có điều kiện phát triển tại các xã vùng sâu, vùng xa do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, ít khách hàng.
Đến 30/6/2018, vùng Tây Bắc đã chuyển đổi được 91% tổng số HTX phải chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, còn lại 194 HTX chưa chuyển đổi là các HTX ngừng hoạt động, giải thể 347 HTX do ngừng hoạt động kéo dài, hoặc chuyển sang mô hình kinh doanh khác; còn 392 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể trong giai đoạn tới (Lào Cai có 58/324 HTX có khả năng tổ chức lại hoạt động, nhưng chưa thực hiện phương án cơ cấu lại, 100/324 HTX ngừng hoạt động kéo dài; Điện Biên còn 11 HTX chưa chuyển tiếp, đăng ký lại, 62 HTX ngừng hoạt động kéo dài, chờ giải thể).
Hoạt động của các HTX, LHHTX gắn với chuỗi giá trị
Xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị được các tỉnh vùng Tây Bắc quan tâm chỉ đạo. Ảnh minh họa (Báo Vĩnh Phúc) |
Xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị được các tỉnh vùng Tây Bắc quan tâm chỉ đạo; Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND các huyện, Sở, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ để xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực tại địa phương.
Đến nay, toàn vùng đang triển khai xây dựng 94 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực có khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn về quản trị, vốn, công nghệ, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tập đoàn, doanh nghiệp gắn với nhà máy chế biến, siêu thị đảm bảo hiệu quả, chất lượng; hỗ trợ xúc tiến công nghệ sau thu hoạch, đầu tư chế biến; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo nghề cho cán bộ quản trị và thành viên HTX gắn với chuỗi giá trị; qui hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, địa phương.
Tuy nhiên, các HTX trong vùng mới chỉ tham gia một khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh như: HTX Phúc Khoa cung cấp vật tư, kỹ thuật và bao tiêu Chè tho cho huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; HTX Than Xuân xây dựng thương hiệu gạo Sén Cù và thu mua sản phẩm tại xã Mường Cang huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu,; một số mô hình chuỗi giá trị thành công cũng đang tiếp tục được mở rộng như: Rau an toàn Mộc châu; Mận Mộc châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), Quế, măng, chè (Yên Bái), Cam Cao phong (Hòa Bình), Hồng không hạt (Bắc Kạn), Xoài Yên Châu (Sơn La)… Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đang khẳng định được vị thế trong tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng, dần thay thể một số mô hình sản xuất tự phát thiếu bền vững về cả sinh thái lẫn thị trường.
Chính sách tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc đã đạt được một số kết quả nhất định, đã hình thành liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm: vùng mía đường 80.000 ha; vùng cây ăn quả gần 90.000 ha; vùng chè 76.000 ha; cà phê 15.000 ha; cây cao su 63.000 ha; vùng rau, hoa, cây dược liệu ôn đới chất lượng cao; vùng rừng nguyên liệu giấy...
Xây dựng mô hình HTX gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu, nhiều HTX nông nghiệp được thành lập mới đã có định hướng sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; một số HTX phi nông nghiệp đã hỗ trợ vật chất và kinh phí cho địa phương để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, số HTX tham gia trong vùng tham gia trực tiếp vào xây dựng hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, chợ... trên địa bàn còn hạn chế...
Mỗi tỉnh trong vùng thành lập mới từ 35- 40 HTX/năm
Theo Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2020, mỗi tỉnh trong vùng đặt mục tiêu thành lập mới từ 35- 40 HTX/năm, 80 - 90 THT/năm.
Đồng thời, sẽ xây dựng mỗi năm từ 20 – 30 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị để nhân rộng tại địa phương; Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tham gia đào tạo bồi dưỡng: tăng trên 30%; Số lượng thành viên HTX tăng từ 15% trở lên.
Đặc biệt, mục tiêu trong giai đoạn này là tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt từ 50% trở lên;Tăng tốc độ tăng trưởng KTHT, HTX, nâng tỷ trọng đóng góp vào RGDP hàng năm của tỉnh trên 5%.
Để đạt được mục tiêu, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Chính phủ Ban hành kế hoạch phát triển KTHT, HTX dành riêng cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 - 2025; ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các HTX, LHHTX biên giới phát triển bền vững, kết hợp với bảo vệ biên giới Tổ quốc, cho các HTX bảo vệ rừng bền vững vùng Tây Bắc và phát triển HTX, LHHTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển các HTX, LHHTX./.
Hà Giang