• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Giải mã mặt nạ Tuồng”: Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ

Văn hoá 13/12/2022 14:32

Chiều ngày 12/12, workshop “Giải mã mặt nạ Tuồng” đã được tổ chức tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Workshop có sự góp mặt của Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn; Nhà nghiên cứu văn hoá, dịch giả Chu Thu Phương; MC/BTV Trịnh Lê Anh; 2 nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam - nghệ sĩ Tuấn Hiệp và nghệ sĩ Đình Thuận.

“Giải mã mặt nạ Tuồng”: Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ  - Ảnh 1.

Các khách mời tham dự chương trình.

Tuồng còn được gọi là hát bộ hoặc hát bội. "Bộ" trong hát bộ bắt nguồn từ việc hát có điệu bộ, có trò trống, được hình thành từ cách gọi của dân gian. Về từ "bội" có ý kiến cho rằng từ này xuất phát trong từ "bội độc", nghĩa là "ôn bài mà không cần sách". Miền trung, nam phổ biến gọi là "bội" hoặc "bộ", miền bắc gọi là "tuồng".

Nghệ thuật tuồng từng có thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác: chèo, hát xẩm, cải lương…, tuồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

"Giải mã mặt nạ Tuồng" là sự kiện nghệ thuật đương đại nhằm khai thác các yếu tố văn hóa Việt Nam do nhóm sinh viên đến từ khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Hoạt động nhằm cổ vũ cho tinh thần nghệ thuật cũng như lan tỏa tình yêu đối với tuồng cổ Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến giới trẻ. Workshop gồm hai hoạt động chính: Mini talkshow mang tên "Hỷ - Nộ - Ái - Ố" và trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng Việt Nam.

Mở đầu chương trình là màn trình diễn trích đoạn "Kim Lân qua đèo" dưới sự thể hiện của 2 nghệ sĩ trẻ từ Nhà hát Tuồng Việt Nam - nghệ sĩ Tuấn Hiệp và nghệ sĩ Đình Thuận.

“Giải mã mặt nạ Tuồng”: Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ  - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp trong vai Kim Lân trong trích đoạn “Kim Lân qua đèo”.

Tại talkshow "Hỷ - Nộ - Ái - Ố", khán giả đã được hiểu thêm về mặt nạ tuồng, sự giống và khác giữa mặt nạ tuồng Việt Nam và mặt nạ biến diện của Trung Quốc - cùng sử dụng màu đỏ, đen, trắng là chủ đạo nhưng mặt nạ biến diện của Trung Quốc chủ yếu dùng nhiều màu trắng, còn mặt nạ tuồng Việt Nam lại có thiên hướng sử dụng nhiều sắc đỏ. Tại đây, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn khẳng định: "Vẽ mặt nạ tuồng là một trong những công việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vẽ mặt nạ tuồng phải liên quan đến câu chuyện, đặc trưng cơ bản của nghệ thuật tuồng truyền thống của Việt Nam."

Bên lề những câu chuyện chuyên môn, khán giả còn được nghe các khách mời trải lòng về chuyện nghề, về mong muốn được đưa nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng trẻ tuổi. "Chỉ vì tình yêu với nghề, vì những vốn quý báu của cha ông để lại khiến mình có động lực theo đuổi. Với lòng yêu nghề, với tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam, mình tin rằng nếu có đủ hiểu biết về tuồng, chắc chắn mình sẽ yêu nó", nghệ sĩ Tuấn Hiệp chia sẻ khi được hỏi về động lực khiến anh theo đuổi loại hình nghệ thuật kén người nghe này. "Chúng tôi mong muốn phát triển nghệ thuật tuồng, lan tỏa đến giới trẻ để giới trẻ hiểu được tuồng và đi xem tuồng nhiều lần", dịch giả Chu Thu Phương cũng bày tỏ.

Ở phần cuối chương trình, khán giả được trải nghiệm tự tay vẽ mặt nạ tuồng dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - ông Phạm Ngọc Tuấn. Đồng thời, BTC cũng đã lựa chọn ra 3 bạn có tác phẩm xuất sắc nhất để nhận phần quà từ chương trình.

“Giải mã mặt nạ Tuồng”: Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần giới trẻ  - Ảnh 3.

Người tham gia workshop có cơ hội được trải nghiệm tự tay vẽ mặt nạ tuồng.

Với mục đích kết nối nghệ thuật truyền thống tới gần giới trẻ, BTC Workshop "Giải mã mặt nạ Tuồng" hy vọng các bạn trẻ sẽ có góc nhìn tích cực và đón nhận hơn về những nét văn hóa đẹp của Việt Nam trong thời đại công nghệ mới.

Hồng Ánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ