(Tổ Quốc) - “Giấy vệ sinh không phải là một cách hiệu quả để ngăn chặn virus corona, nhưng vẫn cháy hàng.”
Các cửa hàng đã giới hạn số lượng giấy vệ sinh trên đầu người, nhưng vẫn hết hàng. Điều đó chứng tỏ, việc tích trữ hoàn toàn không đáng trách.
Khắp thế giới, nơi có bùng phát virus corona, các cửa hàng đều không còn giấy vệ sinh. Tình trạng thiếu hụt này diễn ra ở Hồng Kông, Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Và tất cả chúng ta đều biết người đáng trách là: những người tích trữ và những người hoảng loạn mua hàng.
Sẽ có một câu chuyện đằng sau câu chuyện giải thích rằng chuyện thiếu hụt giấy vệ sinh là do việc tích trữ của người mua hàng. Không giống như nước rửa tay, khẩu trang N95 hoặc máy thở bệnh viện, người ta nhấn mạnh, giấy vệ sinh không có chức năng đặc biệt trong việc chống lại đại dịch. Các nhà sản xuất giấy vệ sinh đang tìm ra nguồn cung giống như mọi khi. Và không phải mọi người đang sử dụng phòng tắm thường xuyên hơn, đúng không?
Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đã tóm tắt nghịch lý này trong một bài nói chuyện trên New York Times ngày 13 tháng 3: "Giấy vệ sinh không phải là một cách hiệu quả để ngăn chặn virus corona, nhưng vẫn cháy hàng." Chủ tịch của một nhà sản xuất giấy vệ sinh cũng đồng ý: "Chẳng phải nhu cầu dùng giấy vệ sinh của bạn tăng lên mà bạn chỉ đang muốn lấp đầy cái tủ quần áo của mình thôi."
Đối mặt với hiện tượng bí ẩn này, các phóng viên đã nhờ đến những nhà tâm lý học để giải thích lý do tại sao mọi người lại thích tích trữ một món đồ chẳng có lợi gì cho việc chống đại dịch. Bạn sẽ bắt gặp những khái niệm khá thú vị như "những thói quen không có hại" hoặc "những lo xa". BBC đã lớn tiếng là gọi đây là "tâm lý bầy đàn". The Atlantic đã xuất bản một bộ phim tài liệu ngắn nói về nỗi sợ mang tên giấy vệ sinh vì lý do thông tin sai lệch.
Hầu hết các cửa hàng đều đồng ý rằng nhu cầu tăng đột biến sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và sẽ giảm dần ngay khi những người tích trữ đã tích đủ.
Đúng là sẽ có một số người mua hàng với số lượng lớn, rõ ràng được chứng minh bởi những bức ảnh các kệ hàng trống trơn và một số người tích trữ thực sự. Nhưng bạn đừng đánh đồng hết những người tiêu dùng đều tham lam hoặc mua hàng quá lố mà chẳng hiểu gì về virus corona. Và bạn cũng có thể ngưng tự hỏi thế giới người ta tích trữ những gì.
Có một lời giải thích khác, hoàn toàn hợp lý cho lý do tại sao các cửa hàng đã hết giấy vệ sinh, một lời giải thích mà hầu hết các trang báo đều bỏ qua. Nó không liên quan gì đến tâm lý người mua; mà mọi thứ đều liên quan đến chuỗi cung ứng. Nó giúp chúng ta giải thích lý do tại sao các cửa hàng vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung, mặc dù họ đã giới hạn số lượng hàng trên đầu người hàng nhiều tuần trước.
Ngành công nghiệp giấy vệ sinh được chia thành hai thị trường riêng biệt: thương mại và tiêu dùng. Đại dịch đã chuyển phần lớn ngành công nghiệp giấy vệ sinh vào thị trường thứ 2 (tức là thị trường tiêu dùng). Mọi người thực sự cần phải mua nhiều giấy vệ sinh hơn trong đại dịch - không phải vì họ sử dụng phòng tắm nhiều hơn, mà là vì họ ở nhà nhiều hơn. Với khoảng 75% dân số Hoa Kỳ bị cấm ra khỏi nhà, người Mỹ không còn sử dụng nhà vệ sinh tại nơi làm việc, trong trường học, tại nhà hàng, tại khách sạn hoặc tại sân bay.
Georgia-Pacific, một nhà sản xuất giấy vệ sinh hàng đầu có trụ sở tại Atlanta, ước tính rằng một hộ gia đình trung bình sẽ sử dụng giấy vệ sinh nhiều hơn 40% so với thông thường nếu tất cả các thành viên của họ ở nhà suốt cả ngày lẫn đêm. Đó là một bước nhảy vọt lớn về nhu cầu, trong khi nhu cầu hầu như là không thay đổi. Và ngay cả khi người ta không tích trữ thì nhu cầu về cơ bản vẫn không đáp ứng được.
Hộp giấy vệ sinh Angel Soft dành cho thị trường tiêu dùng được tung ra tại nhà máy giấy Georgia-Pacific, Palatka, Florida.
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy hầu hết chuỗi cung ứng giấy vệ sinh sẽ cung cấp cho thị trường thương mại chứ không phải cho người tiêu dùng như: những tòa nhà văn phòng, khuôn viên trường đại học, Starbucks và các sân bay (hiện những nơi này đều trống trơn hoặc đóng cửa). Và đó là khối lượng giấy vệ sinh đột nhiên không sử dụng đến.
Vậy tại sao chúng ta không thể gửi giấy vệ sinh không dùng đến đó? Ở đó có rất nhiều giấy vệ sinh dư cơ mà, hầu hết các chuỗi cung ứng và kênh phân phối đều cung cấp giấy vệ sinh cho thị trường thương mại.
Nếu nói chuyện với ai trong ngành giấy vệ sinh, bạn sẽ hiểu giấy vệ sinh được sản xuất cho thị trường thương mại là một sản phẩm khác biệt cơ bản với giấy vệ sinh bạn mua trong cửa hàng. Giấy vệ sinh của thị trường thương mại thường được đóng thành cuộn lớn và nó không phù hợp với kích thước của phòng vệ sinh gia đình. Bản thân giấy cũng mỏng hơn và tiện dụng hơn. Nó được bọc riêng lẻ và được vận chuyển trên các pallet lớn, thay vì trong những lốc gồm 6-12 cuộn.
Jim Luke, giáo sư kinh tế tại Lansing Community College, người từng làm trưởng phòng kế hoạch cho một nhà phân phối giấy, nói: "Không chỉ 2 dòng thị thường khác nhau, mà thường, các sản phẩm phân phối cho từng thị trường cũng đến từ các nhà máy khác nhau. Ví dụ, Procter & Gamble là một nhà máy rất lớn trong thị trường tiêu dùng bán lẻ. Nhưng nó không góp phần trong thị trường thương mại."
Georgia-Pacific, cung cấp cho cả hai thị trường, nói với tôi rằng các sản phẩm thương mại của họ cũng sử dụng nhiều sợi tái chế hơn, trong khi các lốc bán lẻ cho các nhãn hiệu tiêu dùng như Angel Soft và Quilted Northern thường là sợi nguyên chất 100%. Eric Abercrombie, phát ngôn viên của công ty, cho biết nhu cầu bán lẻ tăng lên, trong khi nhu cầu của thị trường thương mại lại đang giảm xuống.
Về lý thuyết, một số nhà máy sản xuất giấy vệ sinh thương mại có thể chuyển hướng một số nguồn cung đó cho thị trường tiêu dùng. Khi nguồn cung quá cạn kiệt thì người tiêu dùng cũng sẽ mua các sản phẩm của họ. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Chuyển sang các kênh bán lẻ sẽ đòi hỏi các mối quan hệ và hợp đồng mới giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối và cửa hàng; các cách đóng gói và vận chuyển khác; cũng như các tuyến đường vận tải mới - tất cả cho một sản phẩm cồng kềnh mà biên lợi nhuận không mấy khả quan.
Bởi vì giấy vệ sinh có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, ngành công nghiệp phải hoạt động rất hiệu quả, các nhà máy được xây dựng để hoạt động hết công suất suốt ngày đêm ngay cả trong thời gian bình thường. Và mọi thứ trơn tru chỉ khi nào nhu cầu thường ổn định. Nếu các nhà sản xuất giấy vệ sinh bây giờ phải chi rất nhiều tiền để tập trung vào kênh bán lẻ, thì khi mọi thứ trở lại guồng quay bình thường, họ lại phải đối mặt với phát sinh mới.
Willy Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết: "Hệ thống phân phối bình thường giống như một cuốn tập ballet được ghi chép sạch sẽ có hệ thống. Nếu bạn giao hàng đến trung tâm phân phối Walmart, thì họ sẽ cho bạn 30 phút, và xe tải (chở hàng) của bạn phải xuất hiện trong đúng khoảng thời gian đó." Theo ông, những thay đổi do coronavirus "đã khiến mọi thứ trở nên mất cân bằng và phải điều chỉnh lại hết."
Mặc dù giấy vệ sinh là một trường hợp cực đoan, nhưng các động lực tương tự cũng có khả năng phá vỡ tạm thời nguồn cung của các hàng hóa khác - ngay cả khi không có ai tích trữ. CEO của một nhà cung cấp rau quả nói với NPR’s Weekend Edition rằng các trường học và nhà hàng đang hủy đơn đặt hàng chuối của họ, trong khi các cửa hàng tạp hóa đã bán hết và muốn nhiều hơn nữa. Vấn đề là những quả chuối anh bán cho các trường học và nhà hàng là loại "nhỏ" và được bán trong các hộp gồm 150 quả, trong khi chuối ở cửa hàng tạp hóa lớn hơn và được bán thành từng nải. Các công ty bia phải đối mặt với một thách thức tương tự khi chuyển đổi cung cách đóng gói thương mại (dạng can) thành lon và chai bán lẻ.
Tất nhiên, tất cả đều xảy ra trong bối cảnh đại dịch, các nhà sản xuất này khó có thể duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường, chứ đừng nói đến thay đổi triệt để hoạt động để theo kịp nhu cầu.
Và tin tốt là, mọi người có thể ngưng đổ lỗi cho người tiêu dùng, rằng chính những người ngu ngốc như họ đã khiến cho thị trường bị thiếu hụt. Luke nói: "Tôi biết là chắc chắn chuyện này cũng bị ảnh hưởng một phần bởi một số người tham lam tích trữ." Nhưng ngay cả khi không ai tích trữ, thì đơn đặt hàng từ hàng triệu người cũng đủ để làm cạn kiệt các kệ hàng. Từ đó, những tác động nhỏ, cùng với sự gia tăng nhu cầu đủ để giải thích các vấn đề đang diễn ra đối với nguồn cung.
Trong khi đó, một số chủ nhà hàng dám nghĩ dám làm đã bắt đầu bán những vật tư thừa như giấy vệ sinh, rượu và những thứ cơ bản khác. Tuần trước tôi đã mua một số hàng mang đi tại nhà hàng địa phương: Một lốc giấy vệ sinh và chuối. Giấy vệ sinh khá là mỏng và được bọc riêng lẻ. Còn những quả chuối thì nhỏ xinh. Tôi thấy dùng vẫn ổn.