(Tổ Quốc) - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho hay, "Sở dĩ, người dân mình thường hay chọn mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài vì muốn gửi gắm ước mong và niềm tin vào tiền tài sẽ sinh sôi nảy nở với sự phấn đấu làm ăn kinh tế trong năm mới".
Ngày nay, Thổ Địa và Thần Tài được thờ tự khá phổ biến trong nhiều gia đình. Các vị gia thần này thân thiết và gần gũi với tín chủ đến nỗi gần như không có một quy thức nào cần phải tuân thủ khi thờ cúng.
Lệ cúng Thổ Thần - Thổ Địa vào ngày 10 âm lịch năm tháng đầu năm có nhiều nơi tuân theo, nhất là ngày 10/3 âm lịch. Theo Đại Nam quấc âm tự vị thì "Mồng chín vía trời, mồng mười vía đất" tức mồng chín sinh ra trời nên cử hành lễ vía Ngọc Hoàng, và mồng mười là ngày cúng Đất, gọi là vía Đất. Ngày mồng chín, mồng mười tháng Giêng, thói tục hay cúng Trời cúng Đất, hiểu là ngày Trời, Đất sinh.
Còn lệ cúng đất vào ngày mồng 10 cả 5 tháng đầu năm như vậy bắt nguồn từ quan niệm cho rằng mồng 10 tháng Giêng là ngày vía sinh, tức cúng mừng "sinh nhật" của Đất và đến tháng 5, có ngày Địa lạp tức ngày ky lạp (giỗ kỵ) của Đất, tức nghĩa là ngày "địa chết". Có lẽ bắt nguồn từ một chu kỳ canh tác cổ xưa hay một tín lý nào đó mà ngày nay đã biến đổi khiến khó có thể truy cứu được. Việc cúng vào ngày mồng 2 và 16 hàng tháng âm lịch vốn là các ngày cúng cô hồn cốt để chúng không quấy phá việc làm ăn buôn bán cũng hàm chức năng cầu công việc làm ăn hanh thông, buôn may bán đắt nên được thế nhân coi đó là lệ cúng... Thần Tài.
Nói chung, tập tục thờ cúng Thần Tài ra đời và phổ biến rộng cùng với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Bởi vậy, trong những thập niên vừa qua tập tục thờ Thần Tài, cầu tài lộc nói chung cũng gia tăng và theo đó. Lệ cúng trở nên đa tạp như vậy là do sự tích hợp nhiều tín lý của một tập thành tín ngưỡng đa dạng do tiến trình phát triển của lịch sử, đặc biệt là sự hội nhập các thần tài lộc từ nhiều nguồn khác nhau vào hệ thống gia thần xứ ta.
Ngày nay, việc thờ Thần Tài bên cạnh Ông Địa đã trở nên rất phổ biến, không chỉ ở các đền, miếu, đình, chùa và gia đình, tiệm, quán mà còn ở các trụ sở công ty, xí nghiệp, văn phòng... Đi kèm với sự sùng tín vị thần này là sự đa tạp về các tín lý cũng như các loại tranh tượng thờ liên quan.
Thần Tài xứ ta là một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có, tức không có thần tích, thần phả gì cả. Còn xét về hình tướng, chúng ta dễ nhận ra ông Thần Tài xứ ta về cơ bản giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Đây là hình tướng Thần Tài phổ biến nhất. Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay cầm xâu tiền điếu; hoặc tay cầm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Phúc - Lộc - Thọ) với cái đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn...
Để hiểu rõ hơn về các khái niệm Thần đất, ông Địa và Thần Tài, Thần Tài xuất hiện vào thời điểm nào, thường xuất hiện ở nước nào... độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.
Lý giải về ngày vía Thần Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ thêm: "Sở dĩ, người dân mình thường hay chọn mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài vì muốn gửi gắm ước mong và niềm tin vào tiền tài sẽ sinh sôi nảy nở với sự phấn đấu làm ăn kinh tế trong năm mới. Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn. Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng".