• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải pháp để xây dựng lối sống người Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn

Thời sự 13/12/2017 08:08

(Tổ Quốc) - Hội thảo dự báo xu hướng biến đổi lối sống Đà Nẵng trên cơ sở đề ra các giải pháp để xây dựng lối sống người Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn.

Ngày 12/12, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng, các chuyên gia và các nhà khoa học đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các học viện, trường đại học…

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phản biện 02 nội dung lớn gồm: Đánh giá thực trạng lối sống Đà Nẵng từ năm 1997 đến nay theo 3 khu vực dân cư nông thôn, ven biển và nội thị; làm rõ các giá trị đạo đức, văn hóa đặc trưng. Dự báo xu hướng biến đổi lối sống Đà Nẵng trên cơ sở đề ra các giải pháp để xây dựng lối sống người Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn.

Quang cảnh hội thảo.

Được biết, những năm gần đây, Đà Nẵng rất coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố; luôn khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển.

Thành phố đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; tiến hành nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội văn hóa dân gian địa phương; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình văn hoá thể thao lớn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây, đã để lại những dấu ấn đa chiều lên quá trình hình thành, biến đổi sâu sắc lối sống đô thị Đà Nẵng. Tuy vẫn chưa hết tính chất quá độ từ nông thôn sang đô thị, nhưng lối sống đô thị ở Đà Nẵng ngày càng đa dạng, biến đổi nhanh hơn, phức tạp hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập với thế giới, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng không ít những xu hướng tiêu cực.

Việc di dời, giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng thay đổi diện mạo đô thị cùng với việc phát triển kinh tế đã góp phần loại bỏ dần các các nếp sống lạc hậu của cư dân nông nghiệp nông thôn; hình thành tác phong công nghiệp, hiện đại, có văn hóa, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm cao.

 Hội thảo dự báo xu hướng biến đổi lối sống Đà Nẵng trên cơ sở đề ra các giải pháp để xây dựng lối sống người Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, kinh tế thị trường, giao lưu thương mại khu vực và quốc tế, cùng với sự gia tăng về người nhập cư, di dân và lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng đã thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến văn hoá, các mô hình kinh tế, các cách thức tổ chức, quản lý xã hội…

Tất cả những người đang sống, học tập và lao động trong môi trường kinh tế - chính trị - văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng có cơ hội và điều kiện để tiếp xúc, làm quen với những phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa mới từ bên ngoài, đan xen, cọ xát với những yếu tố nội sinh, sản sinh ra những nhân tố mới nhằm làm giàu lối sống của mình. Bước đầu tạo nên sắc thái mới, đa dạng hơn, phong phú hơn trong tư duy và lối suy nghĩ, thái độ lao động, khiến người Đà Nẵng trở nên tích cực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Công tác chỉnh trang và mở rộng đô thị diễn ra rất nhanh cũng làm xáo trộn và ảnh hưởng đến lối sống của người dân thành phố. Trong số đó, đa phần là cư dân nông nghiệp, một số ít là lao động công nghiệp trình độ thấp, nên việc chuyển đổi việc làm, ngành nghề, phục hồi việc làm và thích ứng với cuộc sống đô thị là một quá trình khó khăn.

Các luồng nhập cư, mặc dù mang những hơi thở mới trong văn hóa nhưng cũng dễ làm nảy sinh những tiêu cực về tình hình trật tự an toàn xã hội. Lượng người di cư đến Đà Nẵng ngày càng đông, kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất đô thị không đáp ứng kịp đã gây nên tình trạng quá tải, nhiều hệ quả phát sinh như ô nhiễm tiếng ồn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… khiến môi trường sống trở nên ngột ngạt hơn, tác động không nhỏ đến lối sống người dân.

Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Một trong những điều quan ngại nhất trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự phát triển của internet, là sự xuất hiện ngày một rõ hơn chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống tiêu dùng, thực dụng, thích hưởng thụ, lấy phương tiện sống làm thước đo sự phát triển con người và xã hội. Có biểu hiện tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống trong bối cảnh hệ thống pháp luật đang hoàn thiện và hệ giá trị tiến bộ mới hình thành, chưa bắt rễ sâu trong xã hội.

Bên cạnh đó là xu hướng sùng bái văn hóa ngoại lai đang có nguy cơ hình thành, thậm chí vứt bỏ quan niệm đạo đức và lối sống truyền thống, cho đây là biểu hiện của văn minh, giàu có.

“Lối sống văn minh, tiến bộ không phải lúc nào cũng hình thành song song, đồng thời với quá trình đô thị hóa. Không phải đơn thuần chỉ tăng trưởng cơ học về kinh tế, gia tăng về dân số đô thị, đẩy nhanh chỉnh trang đô thị, thiết lập hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, tiện nghi... là có ngay văn hóa và lối sống đô thị văn minh, tiến bộ, hiện đại. Rõ ràng lối sống tại thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình không ngừng tiếp biến, loại trừ, bổ sung, tiếp nhận và tự tìm kiếm sự phát triển của mình”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ