• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải pháp nào để tháo gỡ “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam?

Du lịch 09/08/2017 06:17

(Tổ Quốc)- Khối doanh nghiệp tư nhân đã chỉ rõ ba “điểm nghẽn” của Du lịch Việt Nam. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ các “điểm nghẽn” đó để Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) diễn ra ngày 31/7 vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận nhiều kiến nghị của khối Doanh nghiệp du lịch tư nhân nhằm giãi mà ba “điểm nghẽn” của Du lịch Việt Nam.

Đề xuất miễn thị thực thêm cho 6 quốc gia

Tại Diễn đàn, nhóm công tác Du lịch của VPSF nhận định, trước khi đặt mục tiêu phát triển đột phá, cần tháo gỡ bađiểm nghẽn của du lịch Việt Nam là: Quảng bá xúc tiến du lịch; Chính sách thị thực; Cải thiện môi trường du lịch: Sạch - Thân thiện - An toàn.

Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch đã thẳng thắn cho rằng, hiện Việt Nam miễn thị thực cho 23 nước triển khai áp dụng thị thực điện tử cho 40 nước. Mặc dù đây là kỳ tích đối với Việt Nam, nhưng vẫn là con số rất ít so với các nước trong khu vực. Phần lớn trong số này chỉ được miễn 15 ngày là chưa phù hợp cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” hiện nay là không phù hợp và cản trở khách. Ngoài ra, chương trình miễn thị thực áp dụng từng năm một và thông báo trước chỉ 1-2 tháng là gây khó khăn cho DN và du khách…

(Ảnh minh họa: Minh Khánh)

Do vậy, đề xuất đầu tiên của khối doanh nghiệp du lịch tư nhân để tháo gỡ “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam là điều chỉnh chính sách miễn thị thực hiện nay. Cụ thể, cần bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” vì điều nay đang làm hạn chế lượng khách muốn quay trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình miễn thị thực cần có chiến lược dài hơi, ít nhất kéo dài thành 5 năm và có thông báo trước ít nhất 6 tháng để du khách và DN có sự chuẩn bị từ trước.

Về việc thực hiện visa điện tử, VPSF kiến nghị nâng cấp trang web và cải  thiện tốc độ truy cập, đổi tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành tên miền “evisa.gov.vn” và công bố rộng rãi để khách dễ tìm kiếm. Đồng thời, xem xét áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại.

Quan trọng hơn, các DN tư nhân đề xuất bổ sung thêm 6 nước được miễn thị thực và 9 nước/vùng lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử. 6 nước được đề xuất miễn thị thực là những thị trường khách lưu trú lâu (lớn hơn 15 ngày), chi tiêu cao (chi tiêu bình quân lượt khách lớn hơn 1,200 USD), đồng thời ít nguy cơ đối với an ninh bay hay lưu trú bất hợp pháp, được trên 170 quốc gia miễn thị thực. Đó là các quốc gia: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ.

9 quốc gia và vùng lãnh thổ được đề xuất bổ sung vào danh sách được thực hiện visa điện tử, bên cạnh 40 quốc gia đang được áp dụng, bao gồm 6 quốc gia trên và Đài Loan, Ấn Độ, Hồng Kông.

Nếu những đề xuất này tháo gỡ “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam nói trên thành hiện thực, các DN du lịch tư nhân cam kết sẽ góp phần đưa mức tăng trưởng chung của du lịch cao hơn 15%, riêng đối với các nước được áp dụng miễn thị thực thì sẽ có mức tăng trưởng thêm từ 5% - 7%; Góp phần đưa giá trị xuất khẩu trên đầu khách từ 830 USD/ khách hiện nay lên trên 950 USD/ khách….

Cần giám sát thường xuyên, liên tục về môi trường du lịch

Để cải thiện môi trường du lịch, theo kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Kỳ -Tổng giám đốc Vietravel- đại diện khối tư nhân, Chính phủ cần đưa ra các quy định chặt chẽ, có chương trình giám sát thường xuyên, liên tục về môi trường du lịch. Mọi vi phạm về môi trường thì chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, khuyến khích sản phẩm du lịch xanh và đưa ra tiêu chí xếp hạng “Điểm du lịch xanh – sạch – đẹp”…

Đồng thời, đề xuất tạo lập môi trường du lịch thân thiện và an toàn, trong đó, Chương trình “Nụ cười thân thiện của người làm du lịch”; Chế tài xử phạt nạn bán hàng rong chèo kéo, ép khách mua hàng; đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm du lịch …

Cam kết của khối doanh nghiệp tư nhân là sẽ hỗ trợ để giúp cải thiện xếp hạng về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam lên 6-10 bậc; Giảm chỉ số ấn tượng không tốt của khách du lịch quốc tế về du lịch Việt Nam từ 5% - 10%; Tăng chỉ số của khách du lịch quốc tế quay lại du lịch Việt Nam từ 2% - 4%.

Về công tác quảng bá xúc tiến du lịch, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh cho biết, hiện tại ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam quá thấp so với khu vực (2 triệu USD/1 năm) thấp nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm…Vì vậy, giải pháp đưa ra là xây dựng và vận hành Quỹ quảng bá, xúc tiến, thành lập hội đồng quảng bá xúc tiến trên nền tảng hợp tác công tư. Đồng thời, việc quảng bá phải có trọng tâm, tập trung vào các thị trường có mức chi trả cao, lưu trú lâu dài và có tính ổn định. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần quảng bá xúc tiến tập trung vào e-marketing.

Tham gia đối thoại, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao đề xuất của khối doanh nghiệp tư nhân, đồng thời thừa nhận những vấn đề mà VPSF nêu cũng chính là những nút thắt mà ngành Du lịch đang phải đối mặt.

Ông Tuấn khẳng định, ngành Du lịch tuy đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng chưa từng có, song dư địa của ngành còn rất lớn và có thể phát triển mạnh hơn nữa nếu những khó khăn nêu trên được tháo gỡ. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DN tư nhân, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần chủ động, nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy du lịch phát triển./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ