(Tổ Quốc) - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương khẳng định: Nguồn sáng tạo của VHNT Việt Nam không thể cạn và thế hệ trẻ bây giờ càng sáng tạo tốt hơn, nhờ có nhiều sự hỗ trợ thông tin từ khoa học, chuyển đổi số…
- 20.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Dấu ấn thiêng liêng trong sự nghiệp sáng tác của các văn nghệ sĩ
- 20.05.2023 Tác giả tự hào được ghi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
- 19.05.2023 Chùm ảnh: Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật
- 11.05.2023 Khắc phục những bất cập trong xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
- 11.05.2023 Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Vinh dự lớn lao của đời sáng tạo
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT) vừa qua có 16 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Bên lề lễ trao giải, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi về sự kỳ vọng vào đội ngũ trẻ sẽ được Giải thưởng cao quý này.
+ Thưa ông, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT vừa được trao cho 128 tác giả. Theo ông, Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với sự sáng tạo của văn nghệ sĩ?
- Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là giải thưởng cao quý nhất trong đời sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Giải thưởng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nền VHNT nước nhà. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với VHNT được thể hiện ngay từ trong kháng chiến chống Pháp và sau này là hòa bình lập lại, VHNT luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đối với việc thành lập các hội VHNT chuyên ngành TW cũng như cả hệ thống các hội ở địa phương. Dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội đều có đánh giá nhìn nhận và tôn vinh các sáng tạo của các văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực bằng các hình thức khác nhau. Và đánh giá cao quý nhất đó là chính là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Được tổ chức từ năm 1985 đến nay, khi Chủ tịch nước ký quyết định ban hành danh sách tôn vinh các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT, tôi cho đó là một trong những động viên khuyến khích ghi nhận các công lao đóng góp của các văn nghệ sĩ, cũng như tập thể của các tác giả đã cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Phải nói rằng, sự lao động miệt mài, âm thầm của các văn nghệ sĩ là lao động rất đặc trưng. Dù là trong các lĩnh vực khác nhau từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… nhưng có một điểm chung là sự âm thầm, hy sinh lặng lẽ thân mình. Vì vậy các tác phẩm ra đời đến với công chúng và được công chúng ghi nhận, gây tiếng vang, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, như một thành tố góp phần vào xây dựng xã hội mới, vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Nó còn là giá trị tinh thần đóng góp vào đời sống hôm nay. Vì vậy mà Đảng, Nhà nước kịp thời trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT lần này thì tôi nghĩ đây là một động viên to lớn với các văn nghệ sĩ.
+ Điều đặc biệt của Giải thưởng năm nay là có khá nhiều tác giả trẻ (dưới 50 tuổi) như NSƯT Trần Ly Ly, biên đạo múa Tuyết Minh... Điều này có phần nào khích lệ các văn nghệ sĩ trẻ sáng tạo không, thưa ông?
- Như tôi đã khẳng định, Giải thưởng đã cho thấy được sự quan tâm, luôn luôn theo sát của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực VHNT như một thành tố quan trọng góp phần xây dựng đời sống văn hoá, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho anh em nghệ sĩ yên tâm và có ý thức trong việc sáng tạo các tác phẩm chất lượng, góp phần xây dựng đất nước. Đây cũng là động lực để cho các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo ra các đề tài mới, khó trong một hoàn cảnh đất nước đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Chắc chắn việc làm sao để cho ra đời một tác phẩm mới có thể nối tiếp được dòng chảy của nền VHNT Việt Nam qua các thời kỳ, được ghi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là một nhiệm vụ rất lớn đối với tất cả giới văn nghệ sĩ chúng tôi.
Điều quan trọng hơn, không chỉ là sự ghi nhận các thành tích, các tác phẩm các văn nghệ sĩ, mà còn động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục trên con đường sáng tạo, và hướng tới đây là những tấm gương của các văn nghệ sĩ trẻ khi mà nhìn thấy các bậc tiền bối, cha anh đi trước cống hiến hết mình và được ghi nhận, vinh danh.
+ Ông đánh giá như thế nào về sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay và "nguồn" giải thưởng cho các mùa sau?
- Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là việc trường kỳ. Đảng và Nhà nước đã chủ trương xét tặng những tác phẩm xuất sắc trong VHNT thì đây là một công việc lâu dài. Vì vậy khi các tác phẩm từ cơ sở, được các hội đồng chuyên ngành tập hợp, trước tiên là sự tự nguyện đăng kí của tác giả, được các cơ sở tập hợp lại đánh giá bước đầu, cho đến hội đồng cấp trên, rồi cho đến khi trình lên Chính phủ… Tôi nghĩ rằng quá trình đó diễn ra rất nghiêm túc, bài bản.
Hiện nay, văn nghệ sĩ của chúng ta trong các Hội chuyên ngành có gần 4 vạn văn nghệ sĩ. Trong đó có rất nhiều văn nghệ sĩ đang hoạt động sung sức nên tôi tin tưởng, trong các kỳ xét Giải thưởng tiếp theo, chúng ta vẫn có những tác giả, tác phẩm xuất sắc, xứng đáng. Nguồn sáng tạo của VHNT Việt Nam không thể cạn, nguồn sáng tạo về trí tuệ vô cùng dồi dào, và thế hệ trẻ bây giờ càng sáng tạo tốt hơn, nhờ có nhiều sự hỗ trợ thông tin từ khoa học, chuyển đổi số… Tôi nghĩ nguồn về các tác giả văn nghệ sĩ ngày càng nhiều nên các tác phẩm sẽ càng phong phú, nhiều lên. Nhưng vấn đề đặt ra là có tác phẩm xứng tầm với thời đại, với dân tộc, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, có được giá trị về tư tưởng nghệ thuật hay không thì đấy là do các tác giả. Đấy không phải vấn đề quy hoạch, kế hoạch đặt ra hằng năm. Nên tôi hy vọng các kỳ xét Giải sau, thế hệ văn nghệ sĩ trẻ sẽ được nhận những Giải thưởng cao quý này.
+ Trân trọng cảm ơn ông!