(Tổ Quốc) - Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2021 vinh danh 128 tác giả, đồng tác giả và sẽ được Bộ VHTTDL tổ chức trao nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, hai nhà văn tại hai địa phương là Nguyễn Hữu Nhàn (Phú Thọ) và Từ Nguyên Tĩnh (Thanh Hóa) được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã có những chia sẻ với báo Tổ Quốc.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: Giải thưởng là vinh dự trong cuộc đời của tôi
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn sinh năm 1938, được nhiều người biết đến là nhà văn của nông thôn, nông dân, của văn hóa làng. Nhắc đến ông độc giả nhớ ngay đến gia tài văn chương đồ sộ với gần 20 cuốn sách được bắt đầu in từ năm 1975 với các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, ghi chép, khảo cứu, cùng hàng chục tập kịch bản, tác phẩm văn học được chuyển thể thành kịch bản phim và nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa.
Tác phẩm được xét trao Giải thưởng Nhà nước VHNT năm 2021 là tuyển tập của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Trong đó bao gồm một cuốn tiểu thuyết về cơ cấu làng Việt. Nhà văn cho rằng, văn hóa bắt nguồn từ làng rồi mới đến văn hóa chung đất nước. Vì thế văn hóa làng rất quan trọng. Phần hai của tuyển tập là những truyện ngắn được đánh giá cao cũng với chủ đề về nông thôn miền Bắc, về làng phố... Trong đó là những trăn trở, day dứt về thời kỳ văn hóa nông thôn bị pha tạp.
"Được nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt này là vinh dự cả cuộc đời tôi. Đó không chỉ là sự ghi nhận về giá trị những tác phẩm tôi viết, một sự khẳng định về tình yêu quê hương, đất nước của tôi, một sự chứng minh con người tôi "trong sạch" – nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chia sẻ.
Hỏi ông vì sao lại có cái vế sau cùng kia thì nhà văn phân trần: "Tôi nói thật, tôi là người khá thẳng thắn, lại có giai đoạn viết về tác phẩm liên quan đến Bí thư Kim Ngọc nên cũng có người nghi ngờ con người tôi. Ngay cả khi Kim Ngọc được "minh oan", tôi cũng được "giải oan", nhưng dường như sự nghi ngờ đó vẫn chưa hết hẳn với tôi. Vì thế tôi rất cảm ơn giải thưởng cũng như văn chương đã đến trong cuộc đời tôi. Có thể nói không ngoa rằng, tôi có được nhiều thứ trong cuộc đời là nhờ văn chương.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn bộc bạch: "Tôi lấy vợ khá sớm nên có những bất đồng với gia đình. Nhưng ngược lại tôi rất yêu quê hương, yêu làng của mình. Dù có đi bất kỳ nơi đâu thì tôi cũng nhớ làng, chỉ muốn nhanh nhanh được trở về làng. Tôi cũng học không cao lắm, nhưng có lẽ nhờ tự học, tự tìm hiểu vốn văn hóa, rồi đọc sách, dần dần kiến thức tích lũy được mà tôi đã trở thành nhà văn."
Năm nay nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã 85 tuổi, ông cho hay, mình không viết văn nữa, nhưng vẫn sắp xếp dành thời gian viết về nghiên cứu văn hóa, về nông thôn. Còn lại phần lớn thời gian ông vẫn làm công việc biên tập mảng văn xuôi cho tạp chí Đất Tổ. Ông tự hào đây là một trong ba tạp chí văn học được in 2 kỳ 1 tháng nên có nhiều bài vở chất lượng gửi về. Ông đọc, góp ý, biên tập... cho các cây bút đương đại cũng là cách học hỏi và truyền lại tình yêu văn chương, kiến thức được tích lũy bao năm của mình đến với thế hệ sau.
Đánh giá thêm về nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Đất Tổ Nguyễn Hưng Hải từng cho rằng: "Cũng như cuộc đời, văn ông không chỉ thấp thoáng một tiếng cười mang phong vị cổ truyền mà còn rướm máu một tình yêu thương con người, một nỗi đau trước sự băng hoại của văn hóa làng, của những truyền thống tốt đẹp bị giải thiêng, và những trăn trở khôn nguôi trước những va đập của thời thế và nhân thế đã và đang làm đảo lộn không ít những giá trị về đạo đức và lối sống, trong đó người nông dân bao giờ và lúc nào, dường như cũng bị hứng chịu nhiều nhất".
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh: Giải thưởng ghi nhận công lao phấn đấu của mỗi người cầm bút
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tập truyện ngắn "Mối tình chàng Lung mù". Đây cũng là tập truyện ông được giải thưởng trước đó. Ông không chỉ là người viết truyện ngắn mà còn thành công ở tiểu thuyết, thơ, nghiên cứu.
Ông cho biết, con đường đến với văn chương của mình là bắt đầu bằng thơ. Nhưng rồi sau đó ông nhận ra văn xuôi nói được nhiều hơn, truyền tải được nhiều hơn nên đã chuyển sang thể loại "dày dặn" cho phù hợp với bản thân. Với mười năm làm lính đã cho nhà văn nếm trải sự khốc liệt, đau đớn, mất mát của chiến tranh nên dễ hiểu Từ Nguyên Tĩnh là nhà văn dành nhiều trang viết về chiến tranh. Ở đó số phận của con người có những ngã rẽ để bạn đọc đồng cảm, thương xót, thấu hiểu, khóc cười... cùng nhân vật và thời thế.
Chia sẻ về Giải thưởng Nhà nước về VHNT sắp được nhận, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cho biết: Giải thưởng ghi nhận công lao phấn đấu của mỗi người cầm bút, nhất là những nhà văn ở địa phương. Các nhà văn ở địa phương thường tác phẩm ít rộng rãi bạn đọc cả nước, số lượng sách in cũng không nhiều nên có một số hạn chế so với các thành phố lớn. Vậy nên bất cứ giải thưởng văn chương nào dành cho nhà văn ở địa phương cũng rất quý. Với giải thưởng lớn như Giải thưởng Nhà nước về VHNT càng cao quý và trân trọng.
Tuy nhiên nhà văn Từ Nguyên Tĩnh vẫn còn chút "áy náy" khi một số nhà văn, nhà thơ mà ông coi là "bậc đàn anh", thậm chí giúp đỡ để tác phẩm của ông hoàn thiện hơn, hay hơn nhưng cũng chưa được nhận giải thưởng cao quý này.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cho rằng vẫn còn một số người viết tâm huyết, gần như cả đời, nhưng chưa được Giải thưởng Nhà nước về VHNT chưa hẳn vì chất lượng, có thể vì một số bất cập sẽ được điều chỉnh dần trong công tác xét giải. Nhà văn cũng hi vọng giải thưởng sẽ không bỏ sót những trường hợp xứng đáng.
Nhận xét về con người và tác phẩm của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: Sáng tác của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cơ bản thuộc về thời hậu chiến và Đổi mới, đồng hành với công cuộc Đổi mới đất nước. Thế cho nên dù có ngoái lại quá khứ, có tìm về truyền thống chăng nữa thì về cơ bản ông vẫn gắn bó với thực tại, trăn trở với những vấn đề đang đặt ra trong thực tại. Ông vượt nhanh qua tâm thế của dòng văn học vết thương, tinh thần phản tư để nhập cuộc đời sống mới, thách thức mới, vận hội mới. Ông cập nhật những "vấn đề thời đại", "nhân vật thời đại" (người lính thời hậu chiến, hài cốt lính Mỹ, ô sin, bà đồng cốt, tệ nạn ma túy, gái làm tiền, du học, chuyện Việt kiều, hiện tượng gái Việt chồng Tây...).
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã có được gia tài tác phẩm thực sự phong phú, đáng nể trọng. Nói đến Từ Nguyên Tĩnh, người đọc ghi nhận những trang viết sắc nét về số phận biết bao người nông dân đã đi qua một thời chiến tranh, những vui buồn thế sự, những hoài niệm quá khứ, những khắc khoải trong hôm nay và trước ngày mai. Các trang văn của ông đều ấm áp hơi thở sự sống, tình người và có phần thành công nhiều hơn ở thể loại truyện ngắn. Có thể nói, thật may mắn vì ông nhà văn "Le Nha Que" (cách nhà văn Từ Nguyên Tĩnh tự trào mình là nhà văn nhà quê) Từ Nguyên Tĩnh đã có được một miền quê trong sáng tác, giúp cho ông kết nối truyền thống với hiện đại, cái riêng biệt vùng miền với tầm vóc quốc gia, dân tộc – nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh.