(Tổ Quốc) - Nhận được yêu cầu thu hồi đất trong thời gian quá nhanh khiến giám đốc của một doanh nghiệp bật khóc, lo cho hàng trăm công nhân mất việc làm…
Ngày 27/9, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H cùng đại diện nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Đà Nẵng cho biết vừa ký đơn xin cứu xét về việc thu hồi đất kính gửi lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo nội dung các doanh nghiệp trình bày, trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, được sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, của Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung đã tiến hành đầu tư, hợp tác kinh doanh trên đất Quốc phòng do Quân đội quản lý (phía Tây vành đai sân bay Đà Nẵng).
Hiện tại các doanh nghiệp đang ổn định, tạo nguồn thu cho chính họ, cho xã hội và việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần thu nhập ổn định cho đời sống người lao động.
Nhưng nay Bộ Quốc phòng có công văn đề nghị dừng ngay các hợp đồng liên doanh, liên kết trên đất Quốc phòng, cụ thể đất do Sư đoàn 372 quản lý. Đây là những khu đất trống bỏ hoang, mục đích sử dụng cho Quốc phòng khi cần thiết.
Các doanh nghiệp gửi Đơn xin cứu xét về việc thu hồi đất lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí...Ảnh: Đức Hoàng |
“Vì vậy, chúng tôi làm đơn này kính gửi lên Thủ tướng xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của chúng tôi được tiếp tục sử dụng đất trống (đất Quốc phòng) mà chúng tôi đang hợp tác để sản xuất kinh doanh bởi việc thu hồi đất quá đột xuất sẽ làm ảnh hưởng, gây xáo trộn, khó khăn cho doanh nghiệp vì phần lớn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị là vốn vay”, nội dung đơn xin cứu xét nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Trọng Khải, nếu việc thu hồi đất được thực thi thì các doanh nghiệp sẽ gặp quá nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng nợ đọng, lâm vào tình trạng phá sản, đẩy hàng nghìn người lao động vào tình trạng thất nghiệp, không có việc làm.
Đặc biệt, khi mùa mưa bão lại đến, những ngày gần đây người dân và các doanh nghiệp tại Đà Nẵng lao đao sau khi có kết luận của Ủy Ban kiểm tra Trung ương cùng với những sự kiện Quốc tế sắp đến gần.
“Công ty tôi sau khi thuê đất đã đầu tư nhiều tỷ đồng kinh doanh máy móc thiết bị cơ khí. Theo hợp đồng thuê đất thì đến tháng 6/2018 mới hết hạn, đùng một cái họ nói thu hồi và bắt bàn giao đất trong thời gian rất ngắn khoảng 1 tuần. Nhìn cả cơ ngơi, máy móc thiết bị khổng lồ như thế làm sao chúng tôi vận chuyển đi nơi khác nhanh được.
Quan trọng hơn, hàng trăm công nhân ở công ty tôi và hàng ngàn công nhân của các doanh nghiệp khác cũng đang lâm vào tình cảnh bị thu hồi đất trước thời hạn như công ty tôi họ sẽ đi về đâu. Họ mất công ăn việc làm, đời sống hàng nghìn công nhân lao động sẽ ra sao…”, ông Khải nói và rơi nước mắt khi nghĩ về sắp tới hàng trăm công nhân của công ty mất việc làm cuộc sống sẽ khốn khó.
Ông Nguyễn Trọng Khải lo lắng, bật khóc khi nói về sự việc và nghĩ về việc hàng trăm công nhân lao động của công ty và hàng ngàn lao động của các công ty khác mất việc làm trước kế hoạch thu hồi đất quá nhanh. Ảnh: Đức Hoàng |
Trong lúc đó, ông Lương Đình Hùng, giám đốc Công ty TMTH Đình Hùng cho biết có khoảng 14 doanh nghiệp rơi vào tình cảnh đi chẳng được, ở cũng không xong. Ông Hùng cho biết, công ty của ông sau khi được thuê đất đã đầu tư cơ sở vật chất hơn 40 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 500 lao động. Hợp đồng thuê đất được ký giữa hai bên mới nhất là từ năm 2016 đến năm 2019. Tuy nhiên, công ty ông Hùng cùng với các công ty khác “bỗng dưng” nhận được kế hoạch thu hồi đất của Sư đoàn 372.
“Sáng nay (27/9), Sư đoàn 372 mời tất cả các doanh nghiệp dự cuộc họp giải quyết việc thu hồi đất. Tại cuộc họp này, Sư đoàn 372 thông báo kế hoạch thực hiện công tác chấm dứt hợp đồng hợp tác với các đối tác của Sư đoàn 372 trên sân bay Đà Nẵng.
Theo kế hoạch này thì các doanh nghiệp phải thực hiện việc di dời các trang thiết bị, phương tiện, hàng hóa…ra khỏi khu đất và bàn giao nguyên trạng đất quốc phòng cho Sư đoàn 372 từ ngày 29/9 đến ngày 6/10/2017.
Doang nghiệp chúng tôi không chống đối chủ trương thu hồi đất và chấp hành theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Nhưng việc thu hồi phải có lộ trình cho doanh nghiệp, chứ đùng một cái thu hồi thì chúng tôi làm sao vận chuyển máy móc thiết bị đi nhanh được.
Chúng tôi mong muốn để cho doanh nghiệp có thời gian tìm kiếm địa điểm mới để di dời máy móc, trang thiết bị, vật tư…Nếu quyết định di dời trong thời gian ngắn và nhanh quá thì doanh nghiệp không kịp trở tay để di dời”, ông Hùng nói và cho biết nguyện vọng của 14 doanh nghiệp đều như vậy.
Nhiều công ty sau khi được thuê đất theo đúng thủ tục, quy định thì đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị nhiều tỷ đồng để sản xuất kinh doanh. Hiện theo kế hoạch thu hồi đất của Sư đoàn 372 trong thời gian quá nhanh khiến họ "không kịp trở tay". Ảnh: Đức Hoàng |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Trọng Khải cho biết, những vùng đất mà các doanh nghiệp thuê của Sư đoàn 372 trước đây là đất hoang hóa, bỏ trống. Vì cứ nghĩ chắc chắn sẽ rất lâu nữa mới sử dụng vùng đất này cho mục đích quốc phòng nên các doanh nghiệp mới mạnh dạn thuê và đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để sản xuất kinh doanh.
Hiện mỗi doanh nghiệp đều có cơ sở vật chất đồ sộ, máy móc thiết bị nhiều, không dễ gì di chuyển trong ngày một ngày hai. Chưa kể, họ còn tìm địa điểm mới phù hợp để di dời trụ sở công ty về.
“Chúng tôi hiện đang hợp tác kinh doanh trên đất Quốc phòng do Sư đoàn 372 quản lý, kính mong Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân, Sư Đoàn 372 xem xét để cứu giúp các doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống cho người lao động”, ông Nguyễn Trọng Khải mong muốn.
Đức Hoàng