• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giảm giờ làm việc trong tuần: Xu hướng tiến bộ hay xa xỉ?

Kinh tế 15/10/2019 08:06

(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến cho rằng nên giảm thời gian lao động thường xuyên từ 48 giờ xuống còn 44 giờ vì đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Một số ý kiến khác lại cho rằng như vậy là quá xa xỉ bởi "nếu nghỉ làm là nghỉ ăn".

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 21/10/2019 tới. Dự thảo gồm 17 chương, 221 điều. Tuy giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng có đến 171 điều trong tất cả các chương được sửa đổi, bổ sung.

Đến thời điểm này, có rất nhiều điểm mới vẫn đang còn gây tranh cãi, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có nội dung về quy định giờ làm việc bình thường.

NAM_9460

Ảnh minh hoạ: Nam Nguyễn

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg, ngày 17-9-1999, của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ).

Trên thực tế, nếu phân tích về điểm "được" và "mất" sẽ thấy rằng, nếu giảm thời gian làm từ 48 xuống 44 giờ/tuần, người lao động sẽ được hồi phục sức khỏe, có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái, năng suất lao động/giờ của người lao động cũng tăng. Tuy nhiên, việc giảm giờ làm cũng sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất lao động/tuần hoặc năm, tỷ lệ nghịch với chi phí và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng GDP và thu ngân sách, cũng như các mục tiêu xã hội...

Tại phiên họp 38 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 2/10, cho ý kiến về việc này, đại biểu Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị bổ sung vào báo cáo trình Quốc hội về thời gian làm việc của người lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp. Bởi theo ông Cường, hiện đang có sự bất bình đẳng giữa hai khu vực này. Cụ thể, khu vực hành chính làm việc 40 giờ/tuần, còn khu vực doanh nghiệp lại làm việc 48 giờ/tuần. Người lao động được nghỉ chiều thứ 7 và Chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe…

"Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Chúng ta là nước CNXH, không có lý gì lại không thực hiện tiến bộ ấy. Cần tính toán giảm khoảng cách bất bình đẳng", ông Bùi Văn Cường nói.

Ngược lại với quan điểm trên, đại biểu Trương Anh Tuấn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Định cho hay, quy định thời gian làm việc 48 giờ hay giảm xuống còn 40 giờ mỗi tuần nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, nên quy định phổ quát 44 giờ để cho khoảng cách gần nhau hơn nhưng nhiều người trực tiếp lao động lại có ý kiến khác hẳn.

Dẫn câu tục ngữ "tay làm hàm nhai, tay quai miễng trễ", nghỉ làm là nghỉ ăn, đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng, phải giải quyết được mối quan hệ, đừng để quá lạm dụng làm thêm nhưng bớt giờ làm đi trong thời điểm này thì  chưa phù hợp lắm. Vì vậy, giờ làm thêm 48 giờ/tuần là phù hợp.

Về vấn đề này, tại hội nghị "Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, giảm thời gian lao động thường xuyên từ 48 giờ xuống còn 44 giờ là không phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, thậm chí là quá xa xỉ bởi trên thực tế, người lao động đang cần việc làm, cần thu nhập và nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi.

NAM_9412

Ảnh: Nam Nguyễn

Chủ tịch VCCI phân tích thêm, hiện nay, nền kinh tế đã chuyển sang đổi mới sáng tạo và dường như không có doanh nghiệp nào làm 5 ngày trong tuần. Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang làm việc rất say mê làm việc, không quản ngày đêm.

"Tôi hy vọng Quốc hội sẽ không đưa ra phương án làm việc 44 giờ, bởi vì nó không phù hợp với nền kinh tế hiện nay. Tất cả những nền kinh tế phát triển tương tự như chúng ta trong quá khứ và hiện nay hầu như rất ít nước giảm xuống 44 giờ", Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cân nhắc kỹ về điều này.

Theo quan điểm của ông Doãn Mậu Diệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - Phó Trưởng ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động 2012, đối với người lao động, giờ làm việc là thời gian tối đa họ có thể làm việc và cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, gia đình. Trong khi đó, với doanh nghiệp đây là cơ sở để kế hoạch hoá việc tuyển dụng và sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh. Giờ làm việc còn là một trong những căn cứ để hai bên thỏa thuận tiền lương, phúc lợi. Nhìn xa hơn, nhà nước cũng căn cứ vào đó để phát triển nhân lực, phát triển các mục tiêu kinh tế xã hội.

Vì thế, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, cần lắng nghe ý kiến nhiều bên, các chuyên gia để tìm ra  lời giải hợp lý nhất theo hướng hài hoà các mối quan hệ trên.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ