(Tổ Quốc) - Ngày Tết ở nước ta từ bao đời nay, người dân vẫn luôn hướng đến mong ước “cơm no, áo ấm” để mọi nhà bước vào một năm mới may mắn, đủ đầy hơn năm cũ. Ước nguyện đó đã thấm vào từng chính sách của Đảng, Nhà nước để làm nên điều “kỳ lạ” ở Việt Nam.
Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, tổ chức phi chính phủ Oxfam (Uỷ ban cứu trợ nạn đói Oxford - một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) công bố một báo cáo về tình trạng chênh lệch giàu nghèo cho biết tài sản của các tỷ phú trên thế giới tăng 2,5 tỷ USD/ngày trong năm 2018, tăng 12% trong năm 2018. Trong khi đó, tài sản của những người nghèo nhất thế giới giảm 11%.
Những số liệu này là tương đối nhưng chắc chắn rằng, toàn cầu hoá và kinh tế thị trường là xu hướng tất yếu của thế giới và cũng là tác nhân chính khiến chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Ở mọi quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển, giảm chênh lệch giàu- nghèo là nhiệm vụ quan trọng của các Chính phủ nhằm bảo đảm sự phát triển của giống nòi và ổn định xã hội. Không chỉ Chính phủ mà ngay cả nhiều tỷ phú khi đã đạt đến quy mô toàn cầu về năng lực sản xuất và tài sản cũng dành nhiều thời gian và tiền bạc để hỗ trợ những mảnh đời còn nhiều bất hạnh, còn thiếu thốn miếng cơm manh áo.
Cách hỗ trợ là khác nhau, đa dạng và phong phú nhưng tựu chung chúng ta đều nhận thấy là những hỗ trợ về sức khoẻ cho con người hoặc là “khai mở” những tình cảm tốt đẹp của xã hội, tạo môi trường cho mỗi người tự vươn lên đóng góp nhiều hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Vị tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook, từng có phát ngôn rất ấn tượng về nghĩa cử trên khi nói với con gái của mình: “Bố mẹ muốn con lớn lên trong một thế giới tốt đẹp hơn so với thế hệ của bố mẹ. Bố mẹ muốn góp phần biến điều này thành hiện thực, không chỉ bởi bố mẹ yêu con, mà còn bởi có trách nhiệm với những đứa trẻ thế hệ sau". Vợ chồng ông chủ Facebook đã thành lập quỹ từ thiện Chan-Zuckerberg Initiative (CZI) nhằm thúc đẩy "tiềm năng của con người và tạo cơ hội bình đẳng".
Còn ở đất nước của chúng ta, với điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội khác biệt so với các nước lân cận trong khu vực và trên thế giới, cách giảm nghèo cũng khó có thể giống các quốc gia khác.
Là nước nông nghiệp lạc hậu, trước đây chịu chiến tranh, bất ổn kéo dài, mô hình phát triển kinh tế không hợp lý, cộng thêm trình độ quản lý nhà nước hạn chế đã khiến cho Việt Nam trở thành một trong những nước lạc hậu nhất thế giới với hơn một nửa dân số nghèo vào cuối những năm 1980.
Nhưng chỉ sau hơn 20 năm, tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh xuống chỉ còn trên 10% với các tiêu chuẩn cao hơn và là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc vào năm 2015, trong đó có thành quả về giảm nghèo. Tới nay, tỉ lệ hộ nghèo đã xuống dưới 5% với các tiêu chí đa chiều, đánh giá khắt khe hơn các giai đoạn trước.
Có được kết quả này là do Đảng, Nhà nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về xóa đói giảm nghèo. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác xóa đói giảm nghèo đã được ban hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này.
Công cuộc giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam vào cuộc thực sự không phải là lời hô hào mà đã trở thành phương châm và mục tiêu hành động của các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội trong từng kế hoạch, chương trình, chính sách.
Chính phủ cũng thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 1993 để tạo ra công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Thông qua hệ thống chi nhánh rộng khắp và các cộng tác viên là thành viên của Hội Phụ nữ, Đoàn Thành niên,... Ngân hàng Chính sách xã hội ở cấp cơ sở đã “sống cùng, làm cùng” với người nghèo, giúp hàng chục triệu lượt hộ thoát nghèo trong gần 17 năm qua.
Chính sách ban hành đúng lòng dân thì sẽ nhận được sự hưởng ứng từ nhân dân. Trong năm 2019 vừa qua, thật phấn khởi khi chúng ta chứng kiến nhiều tấm gương thoát nghèo ở khắp mọi nơi trên cả nước “nở rộ”.
Chúng ta cảm phục cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá tự đạp xe lên xã nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Cũng hành động tương tự là hơn 100 hộ dân ở huyện miền núi Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và mới đây là hàng chục hộ dân ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo có nghĩa là các cá nhân, hộ gia đình này không được hưởng các chế độ ưu đãi dành cho người nghèo bấy lâu này nhưng tất cả đều chung một lý do đơn giản: “Muốn nhường hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, như lời cụ Mơ nói với báo chí.
Nghĩa cử này thật cảm động và cũng đầy bất ngờ khi mà trước đây, chúng ta vẫn nghe thấy đâu đó có những trường hợp mạo danh hộ nghèo, đối tượng chính sách để nhận ưu đãi và trợ cấp từ Nhà nước.
Thành quả giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới đến học hỏi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc đã từng bày tỏ sự thán phục về thành quả giảm nghèo của Việt Nam và ấn tượng với cách thức tổ chức phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” khi tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thủ đô Seoul hồi tháng 6/2019.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” cách đây 3 năm thực chất là phương châm hành động, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước để cho mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh mới, đất nước có nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhưng nhìn tổng thể cơ hội để phát triển vẫn là chủ đạo, đòi hỏi những người chèo lái con thuyền đất nước phải vững tin và khéo léo trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và tận dụng thời cơ, đưa đất nước phát triển bền vững hơn nữa. Hiệu quả của công cuộc giảm nghèo không nằm ngoài sự vận động này và phụ thuộc rất lớn ở sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Mặt khác ở trong nước, chúng ta cần tiếp tục đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, hoàn thiện năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xã hội; thay đổi tư duy về chính sách xoá đói, giảm nghèo bằng đẩy mạnh khai thông dân trí, diệt “giặc dốt” như lời dạy của Bác Hồ năm xưa; tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trong nhà nước và trong nhân dân....
Theo Chinhphu.vn