• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giám sát Quốc hội: Đừng như “lưỡi dao chặt xuống nước”

Thời sự 21/07/2021 13:24

(Tổ Quốc) - ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng, các địa phương, các đối tượng được giám sát sau đó phải có những chuyển biến gì, đã thực hiện ra làm sao chứ không phải như “lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ”.

Giám sát Quốc hội: Đừng như “lưỡi dao chặt xuống nước” - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (trái) và Trần Hoàng Ngân (phải).

Cần giám sát gói hỗ trợ 62.000 tỷ và 26.000 tỷ đồng

Sáng nay (21/7), Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát, chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát. Theo đó, danh sách đoàn giám sát phải mở để khi có dịch thì phân công cho đồng chí ở địa phương đó đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đối với khâu tiền giám sát, cần phải có số lượng báo cáo đầy đủ cho các thành viên của đoàn giám sát để từ đó có sự tư vấn từ các chuyên gia về lĩnh vực được giám sát, giúp cho đoàn có cơ sở khoa học để tiến hành giám sát.

Về hậu giám sát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng vừa qua báo cáo việc này rất ít, có nhiều đoàn giám sát không biết địa phương, đơn vị đã thực hiện những vấn đề được chỉ ra trong quá trình giám sát như thế nào. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ điều này tại một số cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết.

Ngoài ra, vị ĐB đoàn TPHCM cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng quy trình cho ĐBQH, tổ ĐBQH thực hiện việc tự giám sát. "Cần xây dựng quy trình để một hay hai ĐBQH cũng có thể tự giám sát khi phát hiện được vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri" - ĐB này nói.

Cũng theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vắc xin thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỷ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Đừng như "lưỡi dao chặt xuống nước"

Theo ĐB Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định), trong nhiều nội dung giám sát cần phải "liệu cơm, gắp mắm". Theo đó, cần lựa chọn danh sách chuyên đề cụ thể để giám sát.

ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, khi đưa chương trình cụ thể từng chuyên đề, chúng ta cần phải có kế hoạch chặt chẽ, có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và khi thực hiện báo cáo giám sát phải nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, tồn tại kể cả những vấn đề kiến nghị.

Tuy nhiên, ĐB này cho rằng, vấn đề tồn tại mà chúng ta chưa quan tâm thỏa đáng trong chủ trương thực hiện giám sát từ trước tới nay đó là vấn đề hậu giám sát. Do vậy, từ lần này, khi lập chương trình thì cần đặt ra việc hậu giám sát để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.


Quốc hội cần thực Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng lại ít kiểm tra, ít giám sát.

ĐBQH Lê Thanh Vân - Đoàn Cà Mau

"Các địa phương, các đối tượng được giám sát sau đó phải có những chuyển biến gì, đã thực hiện ra làm sao chứ không phải như "lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ" - ĐB Vũ Trọng Kim đặt vấn đề.

Từ đó, vị ĐB này cho rằng, các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả đã thực hiện hay trả lời những kiến nghị đó cụ thể. Nếu hậu giám sát làm được tốt thì mới mang lại hiệu quả thực sự.

Theo quan điểm của ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp), hậu giám sát còn quá chậm, thậm chí có nơi không hậu giám sát. ĐB này cho rằng, sắp tới cần có chương trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị ngành đó đã tổ chức thực hiện đến đâu, kết quả như thế nào.

Chuyên đề giám sát cần phản ánh thêm diễn biến của đại dịch Covid-19

ĐBQH Lê Hoài Trung (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, những vấn đề đưa ra để giám sát chuyên đề năm 2022 và những năm tới cần phản ánh thêm những diễn biến rất lớn của đại dịch Covid-19.

Theo vị ĐB này, năm 2021 là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhưng lại chịu tác động lớn của đại dịch. Vì thế, chương trình giám sát phải làm sao thấy được 2 vấn đề: thứ nhất là việc xử lý đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc khắc phục được hậu quả, tác động tiêu cực về kinh tế -xã hội và nâng cao khả năng chống chịu, phòng những sự kiện như vậy trong thời gian tới ra sao.

Thứ hai là chúng ta cần phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, về hội nhập quốc tế để đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2025 chúng ta trở thành đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại và thu nhập vượt qua mức trung bình thấp.

Vì vậy, ĐB Trung cho rằng, vấn đề nhìn thấy được tác động của đại dịch và các biện pháp khắc phục, phòng chống dịch để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi bền vững sau đại dịch, đồng thời thực hiện mục tiêu đại hội lần thứ XIII của Đảng rất quan trọng./.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ