(Tổ Quốc) - Các cấp chính quyền và đoàn thể tỉnh Kon Tum đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng. Nhờ đó, đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn Kon Tum đã giảm đáng kể.
Ngày 29/9, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025", tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và đạt được nhiều kết quả khả quan,
Theo đó, đến tháng 9/2023 có 91 trường hợp tảo hôn (chiếm tỉ lệ 4,41% so với tổng cặp kết hôn) và 01 trường hợp hôn nhân cận huyết thống hôn (chiếm tỉ lệ 0,05% so với tổng cặp kết hôn).
Cơ quan chức năng đã tổ chức 08 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông; xây dựng 03 Phóng sự ngắn; Tổ chức 01 đoàn học tập kinh nghiệm với 34 người tham gia; Bảo dưỡng thay bạt và làm mới 09 panô tuyên truyền tại các địa phương.
Đồng thời xây dựng 190 khẩu hiệu tuyên truyền, 14.0000 tờ rơi, 300 cuốn sổ tay về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để cấp phát cho các thôn, xã trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 04 hội thi tìm kiên thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và triển khai 02 đợt kiểm tra tình hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh…
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, các cấp chính quyền và đoàn thể tỉnh đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng. Các tổ tư vấn ở các thôn và già làng, người có uy tín tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức để người dân hiểu biết về những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nhờ đó, đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn Kon Tum đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có 13,27% cặp tảo hôn trong tổng số cặp kết hôn, thì đến năm 2022 tỷ lệ này còn 6%, riêng 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 73 cặp tảo hôn. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể.
Thời gian tới, các cấp chính quyền cần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", gắn với thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU. Đồng thời, đưa tỷ lệ giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vào trong nội dung chương trình, kế hoạch hàng năm, để từ đó huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị.