• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giảm thiểu rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp

Thời sự 01/03/2023 12:51

(Tổ Quốc) - Ngày 28/2, tại Hà Nôi, Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) đã tổ chức "Đối thoại về nhựa và rác thải nhựa - Khoảng trống chính sách cần thu hẹp". Đây là hoạt động thứ 9 trong khuôn khổ dự án Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa.

Chương trình có sự tham gia của gần 50 đại diện đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan báo chí/ truyền thông, doanh nghiệp, mạng lưới hoạt động vì môi trường, tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng, thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Truyền thông là mắt xích không thể thiếu trong hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi đối thoại

Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt cho biết: "Theo nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020 chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ tại Việt Nam đã đạt xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm, trong đó loại rác thải loại bỏ ra môi trường nhiều nhất là hộp xốp, túi nylon, ông hút,…, và chỉ 10% trong đó số được tái chế và sử dụng.

Trước thực trạng đó, chương trình được tổ chức với mong muốn chia sẻ thông tin về thực trạng về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa tại Việt Nam và ảnh hưởng của rác thải nhựa tới sức khỏe con người; Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan trong việc giảm ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa; Khuyến nghị các chính sách và truyền thông vận động chính sách để giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam."

Truyền thông là mắt xích không thể thiếu trong hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia phiên đối thoại

Tại buổi đối thoại, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) đã trình bày tổng quan về ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa và ảnh hưởng của rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo đó, ông Nga kiến nghị, để giảm thiểu tác hại từ ô nhiễm nhựa cần sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi ni lông, đồ nhựa; Vận động người dân "nói không với túi nilon" và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thuế và cấp phép, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa; Nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về tái sử dụng.

Báo cáo rà soát chính sách hiện hành về quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, bà Kim Thúy Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các quy định pháp luật của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện. Cụ thể, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ cho tái chế chất thải nhưng còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, bà Kim Thúy Ngọc kiến nghị, các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, để bổ sung dẫn chứng thực tế về những vướng mắc trong thu gom, tái chế rác thải nhựa, các phóng viên nữ thuộc Mạng lưới "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" đã chia sẻ về hành trình tác nghiệp tại làng nghề tái chế rác thải nhựa ở Hưng Yên, hay nhà máy xử lý rác trăm tỷ phải dừng vận hành do không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ hiện đại.

Điểm chính trong chương trình là phiên đối thoại chính sách với chủ đề "Các định hướng chính sách và truyền thông vận động chính sách để giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa". Tại phiên đối thoại, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những khó khăn trong quá trình thực thi luật, những khoảng trống trong các chính sách về nhựa và tái chế nhựa từ góc nhìn đa chiều của các bên liên quan.

Truyền thông là mắt xích không thể thiếu trong hoạt động bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Triển lãm ảnh tại buổi đối thoại

Qua buổi đối thoại, các đại biểu cũng đã đưa ra các đề xuất chính sách, cũng như chiến lược truyền thông vận động chính sách về nhựa và rác thải nhựa, góp phần đạt được mục tiêu chung là giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, những vấn đề liên quan đến phân loại, thu gom, xử lý rác đã được nêu ra từ cách đây 10 năm, hệ thống chính sách pháp luật cũng đã được sửa đổi, nhưng thực tiễn hành vi của người dân, doanh nghiệp và tác động đến môi trường vẫn chưa chuyển biến nhiều. Trong thời gian tới, báo chí cần nâng cao hơn nữa vai trò tuyên truyền chính sách pháp luật, là cầu nối chính sách với người dân và thúc đẩy chính sách đi vào cuộc sống.

Dự án "Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa" do VSF khởi xướng và là đại diện duy nhất của Việt Nam được nhận tài trợ từ Mạng lưới Báo chí Toàn cầu (Earth Journalism Network) năm 2022.

Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ (đặc biệt là các phóng viên trẻ) trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, chuyên gia, các nhà nghiên cứu/nhà hoạt động môi trường và các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa./.

Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ