• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gian lận thi cử: Sau Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến...?

Thời sự 05/08/2018 07:55

(Tổ Quốc) - Liên tiếp những gian lận thi cử được phát hiện tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình khiến không ít người tỏ ra nghi ngờ rằng còn có thêm sự giả dối nào nữa và liệu những năm trước gian lận có xảy ra  không?. 

Sau vụ gian lận thi cử tại Hà Giang được phanh phui, liên tiếp sau đó tại Sơn La, Hòa Bình cùng một số thông tin được phản ánh tỉnh này tỉnh kia không ít bài thi được chấm lại khác điểm số ban đầu công bố dường như khiến “điểm số” trở thành câu chuyện mang trong mình nhiều sự thật đau lòng với những hệ lụy khó lường.

Gian lận thi cử tại Hà Giang vừa qua trở thành cơn “địa chấn” của ngành giáo dục, bởi sự sai phạm không chỉ xảy ra đơn lẻ, cá biệt mà có tình dây chuyền, hàng loạt. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó khi có những “nghi vấn” tiếp tục xảy ra ở một số địa phương. Giá như những nghi vấn này dừng lại và không có kết luận đó là sai phạm thì niềm tin của chúng ta khó lòng bị đổ theo “hiệu ứng domino”. Những địa phương kế tiếp sai phạm hết Sơn La lại Hòa Bình đã khiến không ít người thêm bàng hoàng, quặt thắt và như một cú bồi trong cơn địa chấn chưa kịp đi qua.  Niềm tin của không ít chúng ta đã bị đổ vỡ và họ không khỏi tự hỏi còn có thêm sự giả dối nào nữa không?, hay liệu những năm trước việc gian lận có xảy ra  không?. Hẳn là một nỗi nghi ngờ đầy cay đắng, nhói buốt và dễ làm tổn thương cả những giá trị thật.

Ảnh minh họa, nguồn Dân trí

 Câu chuyện đau lòng của ngành giáo dục hôm nay phải chăng là hệ quả của những sai lầm kế tiếp, tích tụ bao lâu nay?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thật khách quan nhìn thẳng vào những gì đã và đang diễn ra trong cuộc chạy đua điểm số của ngành giáo dục thời gian vừa qua. Bởi cuộc chạy đua này đã kéo quá nhiều người bị cuốn theo, từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh…  nên buộc lòng các em không thể không thực hiện. Cuộc chạy đua điểm số đã trở thành căn bệnh trầm kha- bệnh thành tích. Một căn bệnh mà lâu nay đã được nói đến nhiều, đã quen thuộc, đã trở nên “mạn tính” nhưng lại chưa có thuốc chữa triệt để và chưa biết bao giờ những người trong cuộc mới dũng cảm “tự chữa”.

Tôi đã từng rất lúng túng để tìm cách trả lời khi một học sinh mới chỉ học lớp 2 hỏi, tại sao bạn X thi được 4 điểm nhưng sau đó cô chữa bài và bạn làm bài lại và được 8 điểm. Điểm 8 này được lấy làm kết quả học tập cuối cùng. Còn bạn B được 7 điểm nhưng không được làm bài lại và điểm số được lấy làm kết quả năm học vẫn chỉ là 7. Và học sinh này ngây thơ hỏi , thế thì lần sau có nên làm bài không tốt, bị điểm kém hẳn để được làm lại không?

Vâng, một thắc mắc của con trẻ có thể với ai đó cho là “tầm phào”, không quá ngạc nhiên nhưng đằng sau đó lại ẩn chứa câu chuyện về cuộc đua điểm số và mầm mống của căn bệnh thành tích. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ mà ngay ở cấp tiểu học các em đã phải chứng kiến.

Ngành nghề nào cũng thường đặt ra mục tiêu, phương hướng phấn đấu để người trong cuộc ít nhiều định hình được “cái đích” mình phải đạt được, nhằm huy động sự cố gắng, nỗ lực. Nói thế để thấy những mục tiêu phía trước không xấu và không phải lỗi để ‘đẻ” bệnh thành tích. Nhưng nếu không cẩn trọng nhìn vào thực lực của bản thân để đưa ra mục tiêu hợp lý thì lại vô hình trở thành áp lực và mầm mống của bệnh thành tích, bệnh hình thức. Bằng mọi giá, mọi cách phải đạt được cái đích mình đặt ra, bất chấp năng lực bản thân có hạn thì khó lòng tránh khỏi những toan tính, tiêu cực, giả dối.

Mỗi chúng ta sinh ra đều có điểm mạnh, điểm yếu, và số người “giỏi toàn diện” luôn chiếm số ít. Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng, con người có đến 8 loại trí thông minh khác nhau. Trên thực tế, xã hội cũng phân ra làm nhiều ngành nghề lao động ứng với mỗi khả năng của con người. Và với ngành nghề nào đều được trân trọng và mang đến đóng góp cho sự phát triển xã hội.  Vì vậy nếu cứ ép mọi đứa trẻ phải giỏi toàn diện, phải chứng minh sự giỏi giang của mình bằng điểm số là sai lầm.

Sự kỳ vọng thái quá của mỗi gia đình, tư duy bằng cấp quá nặng nề, sự đánh giá năng lực, phẩm chất một con người chỉ thông qua điểm số, tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” của người lớn dường như đã ăn sâu, bám rễ trong không ít người. Lời khen đã không còn chỉ là sự công nhận, khích lệ đơn thuần mà nó êm ái như thứ ngôn từ được điểm trang lộng lẫy và tỏa ra hào quang khó cưỡng. Lời khen cám dỗ, khiến người ta mải miết đi mà không biết điểm dừng, không biết hệ quả của sự quá đà, giả dối. Và điều này trở thành môi trường lý tưởng để bệnh thành tích, bệnh hình thức sinh sôi nảy nở.

Một vài năm gần đây, để trị căn bệnh tai hại này, ngành giáo dục cũng đã có những  cải tiến, như không đánh giá học sinh bằng điểm số, khuyến khích khen thưởng học sinh ở môn học nổi trội… nhưng xem ra đây mới chỉ là trị phần ngọn của căn bệnh. Muốn trị được phần gốc, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, căn bản... của ngành giáo dục và cả phụ huynh. Nhưng có lẽ trước tiên cần phải nhìn thẳng vào sự thật hiện tại để chữa dứt điểm sự “giả dối” đã và đang tồn tại để đẩy lùi, xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức đầy nhức nhối trong giáo dục hiện nay.

 

 

 

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ