(Toquoc)-Vải thiều Việt Nam đã bắt đầu tới tay người tiêu dùng Mỹ. Tuy vậy, việc xuất khẩu quả vải vẫn còn bộn bề khó khăn.
(Toquoc)- Vài tấn vải thiều của Việt Nam đã bắt đầu tới tay người tiêu dùng các nước. Tuy vậy, việc xuất khẩu quả vải vẫn còn bộn bề khó khăn.
>>Vải thiều Lục Ngạn chính thức đi Mỹ
>>Nông dân hớn hở bán vải sớm
Vẫn khó ở khâu vận chuyển, bảo quản vải
Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Phan Văn Hùng cho hay, cơ hội xuất khẩu lớn, tuy nhiên để xâm nhập vào thị trường còn nhiều khó khăn nhất là xử lý công nghệ. Loại quả này rất đặc thù, công nghệ bảo quản rất khó, thời gian giữ tươi chỉ một tuần đến 10 ngày.
"Qua Bộ Khoa học, Công nghệ chuyển giao, chúng tôi chọn được hai công nghệ giữ được lâu hơn là đông lạnh và xông. Tuy nhiên, hai công nghệ đòi hỏi vấn đề đầu tư dây chuyền thiết bị thì các doanh nghiệp ở phía Bắc và Bắc Giang chưa đủ sức để đầu tư, đang trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước" - ông Hùng cho biết.
Được biết, năm 2014 Bắc Giang mới chỉ thử nghiệm được vài chục tấn vải.
Bảo quản vải đang là khâu gặp nhiều khó khăn
Một khó khăn nữa là chiếu xạ và bảo quản tươi để làm sao sang đến thị trường vải tiếp tục tươi vài ngày nữa.
"Hiện hai dây chuyền chiếu xạ thì đều đặt ở Bình Dương, muốn xuất khẩu phải trung chuyển từ phía Bắc vào tới Bình Dương. Sau khi chiếu xạ đóng gói và dây chuyền cũng phải được cấp mã, làm đội giá thành của quả vải lên rất nhiều và chất lượng quả vải cũng bị ảnh hưởng nhiều lần" - ông Hùng cho hay.
Một số doanh nghiệp cũng cho biết, việc khó khăn nhất là bảo quản vải từ khâu thu hoạch tới tay người tiêu dùng.
Hiện nay, người dân đang đóng gói bằng cách, nhúng vải sau khi đã kiểm tra kỹ vào những thùng nước đá lớn. Sau đó chuyển sang hộp xốp, mỗi hộp xốp lại đựng một túi đá con để làm mát cho quả vải và đóng kín. Mỗi thùng trữ được khoảng 20kg vải.
Một khó khăn nữa, theo các doanh nghiệp là phải chọn lọc vải rất kỹ càng, quả đồng đều và lo nhất là vải bị sâu cuống. Nếu một quả bị sâu cuống thì cả lô hàng sẽ bị trả về vì sâu cuống dễ lây lan sang hoa quả các nước nhập khẩu nên các nước rất thận trọng.
Để tiếp tục đưa quả vải vào thị trường Úc, Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp và chỉ đạo các địa phương, đề nghị người trồng vải thực hiện đúng theo quy định của các nước.
Đồng thời có kế hoạch giao cho các Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu trực tiếp làm việc với các địa phương để mở rộng vùng được cấp mã số vùng trồng, làm tiền đề cho vụ vải trong những năm tới.
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ nhãn hiệu tại năm nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản
Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Để có những quả vải tới người tiêu dùng các nước, ngay từ đầu năm, huyện Lục Ngạn đã khuyến cáo người trồng vải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không sử dụng năm loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng đối với nông sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn nhân dân trong khu vực đã được cấp mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực này.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Trần Quang Tấn cho hay, vải thiều của huyện bước đầu đáp ứng được các thị trường khó tính.
"Chúng tôi nhận được sự đóng góp chân thành của các chuyên gia nước ngoài. Khi các chuyên gia tới đây, họ đều có ý kiến chung là quy trình canh tác ở vùng vải này rất tốt. Cùng đó, chúng tôi cùng với người dân phối hợp với các đơn vị chức năng, trồng vải theo đúng quy trình trong canh tác cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến cáo các loại thuốc mà phía Mỹ cấm" - ông Tấn cho biết.
Ông Tấn cho biết thêm, vải thiều đến siêu thị ở Mỹ vẫn giữ chất lượng tốt và thông tin ban đầu của doanh nghiệp là, các nhà hàng ở bên Mỹ đến nhận vải ở sân bay đã đánh giá rất cao về chất lượng của vải thiều của Lục Ngạn đẹp hơn của Trung Quốc và Mexico đang bán ở thị trường này.
Được biết, tới thời điểm này, Bắc Giang đã trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại năm nước là Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản cho UBND huyện Lục Ngạn. Đồng thời, tiếp tục tiến hành đăng ký bảo hộ tại các thị trường khác như Mỹ, Nga, Australia, Singapore, Anh, Pháp...
Hiện UBND huyện Lục Ngạn đang cùng Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều sau thu hoạch; quy hoạch vùng vải thiều phục vụ xuất khẩu, khảo sát đánh giá, cấp mã vùng trồng, quản lý dịch, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới bảo đảm yêu cầu của thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Châu Âu (EU), Nhật, Hàn Quốc. Từ đó hình thành nguồn hàng chuẩn sẵn sàng phục vụ xuất khẩu các thị trường khó tính.
Để góp phần đưa quả vải đi xa hơn, ông Phan Văn Hùng đề nghị, cần có chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất bao bì và công nghệ.
"Một cái khó là mùa thu hoạch vải diễn ra trong một tháng hoặc hơn một chút, vùng nguyên liệu không rộng lớn như phía Nam. Nếu doanh nghiệp đầu tư dây chuyền rồi dùng một tháng thì ảnh hưởng tới giá thành. Nhà nước nên tạo cơ chế vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp hoặc hỗ trợ chuyển giao công nghệ"- ông Hùng nói./.
Thái Tùng
Ảnh: Ngọc Thành