• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo dục di sản: Biến giờ học thành giờ chơi hấp dẫn

Văn hoá 17/05/2017 06:57

(Tổ Quốc) - Làm thế nào để ý nghĩa, giá trị của di sản đến được với học sinh, để giáo dục di sản không là những bài lý thuyết cũ mòn sáo rỗng? Một lần nữa, câu chuyện giáo dục di sản với giới trẻ được các chuyên gia và các giáo viên lên tiếng.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Bảo tàng, ngày 16/5, tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Sở VHTT Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm về Giáo dục Di sản tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý di tích và đại diện các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hà Nội.

Giờ học di sản nên là giờ chơi

Theo ông Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám, kế hoạch triển khai chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong thời gian tới sẽ tập trung vào cách tiếp cận mới, tránh theo những cách làm xưa cũ, kém hiệu quả đã được áp dụng trong nhiều năm.

Việc giáo dục di sản trong thời gian tới sẽ tập trung vào cách tiếp cận mới, tránh theo những cách làm xưa cũ, kém hiệu quả 

Trong đó, mục tiêu của chương trình sẽ gắn kết các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể với di sản thông qua việc tổ chức các chuyến thăm quan trải nghiệm tại di tích, gắn với mục tiêu đào tạo của cấp học, khối lớp và phù hợp với yêu cầu của từng môn học. Chương trình có khả năng tích hợp với tất cả các môn học. Làm thế nào để thông qua di sản có thể tiếp cận kiến thức của các môn học khác sẽ làm các hoạt động sinh động và đa dạng hơn. Đặc biệt, trọng tâm của hoạt động sẽ giúp học sinh nhận thức và củng cố kiến thức, kỹ năng với nhiều bước và thời gian khác nhau.

Cụ thể, theo kế hoạch, cán bộ giáo dục tại di sản sẽ tập trung nghiên cứu và phối hợp với các thầy cô giáo xây dựng các chương trình giáo dục về di sản gắn liền với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức giáo dục cho từng cấp học, từng khối học và phù hợp với yêu cầu từng môn học. Qua đó, học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo ba bước: trước thăm quan, trong tham quan và sau tham quan.

Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị các thông tin về di tích trước chuyến tham quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Trong tham quan là hoạt động do giáo viên tại di tích sẽ do cán bộ giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề di sản. Sau tham quan là hoạt động đặc biệt được chú trọng, đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thầy cô giáo. Việc giáo viên định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian sẽ giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo hiệu quả sau một chuyến thăm quan trải nghiệm.

Giáo dục di sản tại Văn Miếu được chia thành 3 quá trình: trước tham quan, trong tham quan và sau tham quan

Ví dụ với việc học về một bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” tại cổng Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Với các em nhỏ lớp 1, trước khi đến tham quan di sản sẽ được tìm hiểu về con hổ tại lớp học. Khi đến di sản, các em được trực tiếp nghe giải thích về bức phù điêu. Sau giờ tham quan, về lớp, các em tùy theo khả năng và sở thích sẽ được thực hành vẽ, xé giấy, dán, tô màu… về con hổ.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết: “Với cách làm mới này kỳ vọng cách giáo dục di sản sẽ có những hướng đi mới linh hoạt, thay thế những cách làm xưa cũ, kém hiệu quả. Chương trình giáo dục di sản này hướng tới việc tổ chức cho học sinh đến thăm quan di tích theo lớp. Chỉ tổ chức theo nhóm nhỏ việc học tập, trải nghiệm mới đạt hiệu quả cao”.

Băn khoăn trước việc làm sao để thay đổi hình thức học di sản, bà Phạm Thị Thủy, Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho biết, việc giáo dục di sản đã được Bảo tàng lịch sử quốc gia thực hiện từ năm 2007 thông qua giờ sinh hoạt của câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”. Tuy nhiên, chương trình đang bị nhàm dần do thiếu đổi mới, thiếu hấp dẫn. Vì vậy, bà Thủy mong mỏi, sẽ có sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các đơn vị để đa dạng hình thức sinh hoạt, đặc biệt là qua các hoạt động kết nối giữa các đơn vị, bảo tàng di tích như chương trình ký kết giữa 16 đơn vị vừa qua.

Để tránh tình trạng nặng nề cho các học sinh, theo các đại biểu tại tọa đàm, việc giáo dục di sản cần đa dạng trong hình thức tổ chức dạy và học; lựa chọn giáo viên dạy minh họa, dự giờ, rút kinh nghiệm giờ học với quan điểm tập trung vào hoạt động học của học sinh; Biên soạn mới tài liệu sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông đối với các môn Ngữ văn và Mỹ thuật; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai thực hiện đại trà trên toàn quốc…

Giáo dục di sản đừng là phong trào

Có một bất cập dẫn đến việc giáo dục di sản vẫn đang tồn tại đó là căn bệnh “thành tích” trong việc đưa các em nhỏ trải nghiệm các giá trị của di sản. Nhiều trường cho các em đến các điểm di tích chỉ để đủ các hoạt động ngoại khóa thường niên, rồi để báo cáo tổng kết cuối năm học.

Sau tham quan, các em nhỏ sẽ được thể hiện khả năng và sở thích để thực hiện bài thu hoạch

Theo bà Nguyễn Hoàng Yến -  Di tích Hoàng thành Thăng Long- việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản cho các học sinh hiện nay vẫn còn mang nặng tính phong trào. Đơn cử, có thời điểm di tích Hoàng thành Thăng Long đón gần 1.000 em học sinh nhưng tính hiệu quả không cao. Thực tế các chương trình giáo dục di sản dù được tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, cơ sở giáo dục nhưng khi học sinh đến thăm quan chỉ đi vòng vòng, chưa kịp tìm hiều một điểm di tích đã “vội vã” di chuyển sang một điểm mới. Cũng theo bà Yến nguyên nhân là do nhận thức về các chương trình này với nhiều trường chưa cao.

Hay như, đại diện của Nhà tù Hỏa Lò – ông Đặng Văn Biểu lại cho rằng giáo dục di sản nhiều năm qua vẫn là một ẩn số. Khi thực hiện việc này những người làm tổ chức cần phải xác định những định hướng trọng tâm cụ thể. Đơn cử, việc giáo dục này cần phải có những nghiên cứu rõ từng lứa tuổi, đối tượng khi tham gia hoạt động. Học sinh lớp 4 khác hoàn toàn với các học sinh lớp 6 không chỉ ở việc tiếp thu kiến thức mà cần phải quan tâm đến cả vấn đề cách tiếp nhận của các học sinh. Chưa kể nhiều học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục di sản còn nặng về tính đối phó dẫn đến hiệu quả chưa cao.  

Bởi vậy, theo bà Yến, cần sự kết nối giữa khu di sản với các nhà trường thật chặt chẽ để có giáo án phù hợp cho từng lứa tuổi, đối tượng học sinh./.

 

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ