• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo dục, lan tỏa sự hiếu thuận trong mỗi gia đình hiện nay

Văn hoá 19/08/2024 14:30

(Tổ Quốc) - Sự hiếu thuận là một giá trị nhân văn cao quý, góp phần xây dựng gia đình và xã hội bền vững. Việc duy trì và phát huy lòng hiếu thảo, sự hiếu thuận không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Theo Từ điển tiếng Việt, "Hiếu là có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ". Ngay từ xa xưa, chữ hiếu đã được đề cao, được xem là quan trọng hàng đầu, đến mức coi là đạo hiếu. Hiếu ở đây là hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần đối với những bậc sinh thành cả khi đã sống và sau khi qua đời. Điều này thể hiện ở nhiều phương diện: tình cảm, văn hóa và tâm linh.

Ngay từ nhiều thế kỷ trước, trong văn học dân gian đã ngợi ca, tôn vinh chữ hiếu. Chẳng hạn những câu ca dao quen thuộc: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con", hay trong truyện thơ "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu cũng đã nói: "Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh là câu trau mình" tiếp tục khẳng định chữ hiếu là một trong những giá trị tinh thần tốt đẹp và cao quý nhất, luôn được nhắc nhở và khuyến khích để học tập và lan tỏa.

Giáo dục, lan tỏa sự hiếu thuận trong mỗi gia đình hiện nay - Ảnh 1.

Các bạn trẻ tri ân cha mẹ trong mùa Đại lễ Vu lan báo hiếu.

Đối với gia đình truyền thống Việt Nam, đạo hiếu hay sự hiếu thuận được xem là giá trị đạo đức cốt lõi, thể hiện sâu sắc nhất mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Để xây dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc không thể nhắc đến vai trò quan trọng của sự hiếu thuận. Một gia đình giáo dục tốt, duy trì, lan tỏa được sự hiếu thuận sẽ có mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên, từ đó tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ. Bên cạnh đó, lòng hiếu thảo, sự hiếu thuận còn giúp con cái phát triển nhân cách, trở thành những người sống có trách nhiệm và biết ơn.

Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập và mở cửa hiện nay, nhiều giá trị đạo đức đang đứng trước những biến động, đổi thay, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xói mòn, trong đó có chữ hiếu, đạo hiếu. Chính vì vậy, gia đình vẫn phải đóng một vai trò then chốt, hết sức quan trọng trong việc định hướng, nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi người. Gia đình không chỉ là nơi sinh sống mà còn là nơi để các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống như sự hiếu thuận, lòng hiếu thảo được giáo dục, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và dù ở trong giai đoạn nào thì mỗi thế hệ đều có vai trò nhất định để góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Nói về việc giáo dục, lan tỏa sự hiếu thuận, lòng hiếu thảo trong mỗi gia đình hiện nay, chị Trần Thị Minh Yến (phường Hương Sơ, TP Huế) cho hay, khi đời sống xã hội ngày càng thay đổi thì nhiều yếu tố đạo đức cũng thay đổi theo trong đó có cả chữ hiếu. Do đó, việc duy trì và phát triển sự hiếu thuận trong gia đình là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Theo chị Minh Yến, cha mẹ nên dạy con cái về tầm quan trọng của sự hiếu thuận và các giá trị gia đình từ khi còn nhỏ. Điều này giúp trẻ hiểu và trân trọng những giá trị này khi trưởng thành. Việc truyền đạt những giá trị này không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động hàng ngày.

"Một gia đình hạnh phúc và yêu thương sẽ là nền tảng vững chắc để các thành viên cảm thấy gắn bó và tôn trọng lẫn nhau. Môi trường gia đình ấm cúng giúp mọi người cảm thấy an toàn, từ đó dễ dàng chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần giáo dục con luôn biết ơn và tôn trọng những đóng góp của các thành viên trong gia đình. Điều này không chỉ giúp duy trì sự hòa thuận mà còn lan tỏa tinh thần hiếu thuận", chị Minh Yến chia sẻ.

Thường xuyên răn dạy con cháu của mình về đạo hiếu, ông Phạm Văn Định (phường An Đông, TP Huế) cho rằng, giáo dục về sự hiếu thuận, lòng hiếu thảo trong mỗi gia đình không phải là một thời điểm mà là cả một quá trình và cần được duy trì thường xuyên. Từ đó, theo thời gian, giá trị đạo đức tốt đẹp này mới được bồi đắp, hun đúc, lan tỏa qua từng thế hệ.

"Để giáo dục, lan tỏa sự hiếu thuận, mỗi thành viên trong gia đình phải là một tấm gương cho những người khác noi theo. Trước hết là ông bà, cha mẹ phải làm gương cho con cháu. Thế hệ đi trước có hiếu thảo với ông bà, tổ tiên thì thế hệ đi sau mới nhìn vào đó để học tập, để biết cách hiếu thảo với thế hệ đi trước.

Hiện nay, môi trường xã hội có nhiều thay đổi, một số tác động xấu từ bên ngoài phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của các con. Trong mỗi gia đình, người lớn cần dành nhiều thời gian quan tâm, lưu ý để chấn chỉnh kịp thời nếu các con có những hành động, phát ngôn chưa thật đúng đắn. Bên cạnh đó, cũng cần động viên, tuyên dương đúng lúc với những gì mà các con làm được, làm tốt", ông Định cho hay.

Có thể thấy rằng, theo thời gian nhiều giá trị đạo đức có thể biến đổi nhưng giá trị về sự hiếu thuận vẫn là giá trị cốt lõi, không thể thay thế trong gia đình truyền thống Việt Nam. Một gia đình hạnh phúc thì không thể thiếu sự hiếu thuận của các thành viên trong gia đình. Việc duy trì, lan tỏa lòng hiếu thảo, sự hiếu thuận trong mỗi gia đình hiện nay không chỉ phát huy một giá trị đạo đức đáng quý mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Thế Trung

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ