• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc

Giáo dục 24/01/2020 08:27

(Tổ Quốc) - Năm Kỷ Hợi khép lại với nhiều mảng tối trong bức tranh toàn cảnh giáo dục Việt Nam, mặc dù đây là năm giáo dục đạt được nhiều thành tích đáng kể, với những việc chưa từng có trong lịch sử của ngành. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng ngành giáo dục sẽ thành công hơn nữa và những hy vọng ấy sẽ là đích đến trong năm Canh Tý.

Xây dựng đạo đức người thầy vẫn là trọng tâm của ngành Giáo dục

Trong những điểm nóng của giáo dục, đạo đức người thầy giáo luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành, của mọi người dân trong xã hội. Nhiều vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục liên quan đến đạo đức người thầy giáo cho thấy, những vấn đề này không chừa một người nào, từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên trong ngành. Chưa bao giờ những vấn đề về đạo đức lại đáng buồn như hiện nay.

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc - Ảnh 1.

Sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (ảnh: Nam Nguyễn)

Vụ Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, Phú Thọ, Đinh Bằng My dâm ô hàng loạt nam sinh xảy ra từ cuối năm 2018 khép lại với án tù 8 năm dành cho người này. Thế nhưng, án phạt có vẻ chưa đủ mạnh để khiến những thầy giáo khác e sợ bởi ngay trong tháng 10/2019, hình ảnh thầy giáo "ăn nằm" với học sinh nữ, cùng đó là thông tin nữ sinh mang thai với thầy giáo khiến dư luận dậy sóng. Thầy giáo được xác định là Nguyễn Văn Chính, 55 tuổi, đã có gia đình ở Kiên Giang, làm học sinh lớp 10 mang thai. Người thầy này đã đưa trò đi phá thai, nhưng sau đó vẫn tiếp tục quan hệ. Sự việc bị phanh phui khi gia đình nữ sinh gửi đơn tố cáo lên Sở GDĐT Kiên Giang.

Những hình ảnh, thông tin đáng buồn về đạo đức, tư cách người thầy vẫn liên tục xuất hiện trên các mặt báo lớn lẫn các trang mạng xã hội. Một năm qua là những ngày không bình yên về mặt đạo đức người thầy.

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc - Ảnh 2.

Cựu Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn, Phú Thọ, Đinh Bằng My nhận án tù 8 năm (ảnh: zing)

Kỷ Hợi cũng là năm các vụ án gian lận thi cử tiếp tục là chủ đề nóng trên các diễn đàn và báo chí. Tới thời điểm này, hệ lụy từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn chưa thể khép lại, câu hỏi bao giờ kết thúc 3 vụ án gian lận thi cử lớn chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời.

Tại 3 điểm nóng gian lận thi cử 2018, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đã có những lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục, tới những người dân liên quan đến các sai phải phải trả giá bằng những án phạt thích đáng. Dù trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả ngành giáo dục chung tay làm nghiêm để tổ chức kỳ thi này nhưng những gì xảy ra trước đó vẫn chưa thể khiến mọi người tin tưởng vào kết quả đạt được của kỳ thi năm đó.

Năm qua cũng là một năm những giọt nước mắt của các giáo viên hợp đồng lâu năm tiếp tục rơi. Mỗi đợt thi tuyển viên chức giáo dục lại là một lần các vấn đề về biên chế giáo dục, những tiếng khóc của các giáo viên hợp đồng lâu năm lại khiến nhiều người đau xót cho nghề. Chưa bao giờ những nỗi buồn của các giáo viên có thể với đi mà chỉ tạm lắng để có dịp là nỗi niềm tuôn trào.

Ngay tại Hà Nội- Thủ đô của đất nước, mà hàng trăm giáo viên giờ đây buông xuôi sự nghiệp, chấp nhận phải từ bỏ sự lựa chọn từ hàng chục năm trước sau kỳ thi tuyển viên chức giáo dục hồi cuối năm 2019.

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc - Ảnh 3.

Các giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội trước kỳ thi tuyển viên chức giáo dục 2019 (ảnh: Vietnamnet)

Từng có những bài báo lên tiếng bảo vệ quyền lợi của các giáo viên này, thế nhưng sau những lần Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, Sở Nội vụ có ý kiến thì các giáo viên vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận thực tế là không được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục Thủ đô như họ mong đợi. Điều khó hiểu là trong khi những tỉnh thành khác đã có những thông báo tuyển dụng đặc cách với hàng nghìn giáo viên diện hợp đồng lâu năm ở địa phương thì nỗi lòng của các giáo viên Hà Nội giờ không biết tỏ cùng ai.

Cánh cửa viên chức giáo dục khép lại, đồng nghĩa với việc hàng trăm niềm tin vào sự công bằng sụp đổ. Phải chăng đằng sau việc xét tuyển đó có gì đó khiến những người có trách nhiệm ở cấp cao phải cân nhắc. Chỉ thấy những nỗi buồn về phẩm cách của người thầy sao bị xem nhẹ vậy trong thời buổi này?.

Giáo dục kỳ vọng vào năm mới Canh Tý

Nhìn vào những gì giáo dục Việt Nam đạt được trong năm qua cũng thấy có những điểm sáng, là tiền đề để ngành giáo dục bứt phá, tạo ra những điểm nhấn trong ngành trong năm mới 2020- năm bản lề của thập kỷ mới.

Sau khi Luật Giáo dục 2019 chính thức được thông qua với nhiều điểm mới, được xem như là một bước tiến trong giáo dục phổ thông thì mọi người cũng kỳ vọng năm mới Canh Tý sẽ là năm giáo dục bắt đầu những bước đi đầu tiên trong chặng đường mới thay đổi căn bản, toàn diện.

Trong năm mới, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được thực hiện với lớp 1. Tới thời điểm hiện tại, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ mới này. Hàng chục nghìn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán, Hiệu trưởng… đã được hướng dẫn, bồi dưỡng, là lực lượng nòng cốt triển khai chương trình mới. Mặc dù còn những ý kiến nghi ngại về việc thực hiện chương trình qua các buổi tập huấn, hay vấn đề lựa chọn SGK… tuy nhiên, nhìn chung đội ngũ cán bộ quản lý lẫn các giáo viên đã trong tâm thế sẵn sàng triển khai chương trình mới theo kế hoạch.

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc - Ảnh 4.

Bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021

Cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên… triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, 32 cuốn SGK (5 bộ SGK) lớp 1 các môn học cho chương trình GDPT mới và 6 cuốn SGK tiếng Anh lớp 1 đã sẵn sàng, hoàn thiện các bước về trình tự theo quy định, được giới thiệu để cung cấp cho học sinh lớp 1 trong năm học 2020-2021. Những bộ sách được biên soạn bởi các cán bộ, nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong giáo dục; thiết kế đẹp với minh họa sinh động, hy vọng sẽ được học sinh tích cực đón nhận.

Nhìn chung, địa phương đã sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, nhà giáo… để triển khai chương trình. Sau khi Bộ GDĐT ban hành danh mục 54 modul bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý trong giai đoạn 2019-2021 để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, dự kiến quý I-2020 sẽ hoàn thành bốn modul tập huấn giáo viên quan trọng nhất cho mỗi cấp học, gồm: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực và xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhà trường.

Canh Tý cũng sẽ là năm các giáo viên được nhận lương mới khi lương cơ sở tăng lên từ ngày 01/7/2020, đây cũng là thời điểm chế độ viên chức suốt đời sẽ không còn được áp dụng đối với viên chức giáo dục và Luật Giáo dục mới có hiệu lực. Sau những lo lắng về lương trả cho giáo viên có thể giảm từ thời điểm này, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) lên tiếng, cho rằng với chính sách tiền tiền lương mới áp dụng từ ngày 01/01/2021, nhà giáo sẽ được hưởng thu nhập theo vị trí công việc, chức danh, tính chất, mức độ phức tạp và đặc thù công việc mà họ đảm nhận. Theo phân tích, thu nhập của những người làm nghề giáo sẽ tăng cùng lộ trình tăng lương cơ sở và được thực hiện theo các quy định của Chính phủ. Như vậy, các giáo viên sẽ có cơ hội để cống hiến, nhận được những gì tương xứng với vị trí công việc của mình.

Sau khi các địa phương xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lâu năm, năm mới cũng là những giáo viên này trên khắp cả nước yên tâm cống hiến. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy dần ổn định, là tiền đề để triển khai những kế hoạch lớn cho ngành giáo dục bởi chỉ khi những lao động trong ngành yên tâm công tác thì mới có thể phát triển được.

Nhiều hy vọng vào giáo dục đại học

Cùng với những kỳ vọng vào giáo dục phổ thông, giáo dục đại học bước đầu có những kết quả đáng khích lệ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH năm 2018) có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Ngay sau thời điểm đó, nhiều trường đại học đã có những kế hoạch để tìm được hướng phát triển riêng. Danh tính các trường đại học của Việt Nam tiếp tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng giáo dục uy tín thế giới như THE World University Rankings, QS-World University Ranking… là minh chứng cho sự cố gắng của các trường.

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH năm 2018, nhiều vấn đề nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, các trường đại học, nhiều ý kiến được đưa ra xem xét và cũng nhận được sự đồng thuận cao. Nhấn mạnh Luật GDĐH năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Giáo dục Việt Nam, mong một năm mới khởi sắc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH năm 2018 (ảnh: Neu)

Sau khi Luật có hiệu lực, ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH 2018, trong đó, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản về 4 nhóm vấn đề: hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm: tên của cơ sở GDĐH; chuyển đổi cơ sở GDĐH tư thục sang tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GDĐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; hội đồng trường và hiệu trưởng các cơ sở GDĐH; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, hệ thống văn bằng, chứng chỉ GDĐH và một số vấn đề khác… được Luật quy định hướng dẫn.

Hiện, Bộ GDĐT đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm, lấy ý kiến dư luận. Trong đó, sinh viên sư phạm ngoài hỗ trợ học phí sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt. Việc này sẽ giúp các sinh viên sư phạm yên tâm học tập.

Sau một năm ngừng xem xét chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, năm 2019, danh sách 422 nhà giáo được công nhận với những đánh giá tích cực, chất lượng hơn trong việc xét tiêu chuẩn các chức danh này. Những GS, PGS được công nhận tiếp tục là cơ sở đảm bảo điều kiện về đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường.

Năm cũ qua đi, năm mới đang đến, dù khởi đầu luôn có những khó khăn nhưng những cố gắng và với sự chuẩn bị kỹ càng, sự đồng thuận cao của tất cả các cơ quan, đơn vị, tới từng cá nhân công tác trong ngành giáo dục, học sinh sinh viên sẽ được học trong những ngôi trường khang trang với điều kiện học tập tốt hơn, hy vọng giáo dục Việt Nam trong năm mới Canh Tý sẽ có nhiều khởi sắc.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ