(Tổ Quốc) - Độc giả hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có dịp tìm hiểu tác phẩm mới nhất của anh với tựa đề Cây chuối non đi giày xanh và gặp gỡ nhà văn tại Hội trường NXB Trẻ 161B Lý Chính Thắng Phường 7 Quận 3 TP.HCM lúc 09g sáng thứ Tư 20/12/2017.
“Cây chuối non đi giày xanh” có thể xem như là cuốn sách đáng mong đợi nhất trong dịp cuối năm của các độc giả Việt Nam, nhất là bạn đọc trẻ yêu mến sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách là câu chuyện dài kể về kỷ niệm. Có nỗi sợ trẻ con ai cũng từng qua, có rung động mơ hồ đủ khiến hồi hộp đỏ mặt. Mối ghen tuông len lỏi, nỗi buồn thắt tim, và những giấc mơ trong veo êm đềm mang đến niềm vui và hy vọng…
Truyện dài ”Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng mang hơi hướng như những cuốn sách trước của tác giả, đầy ắp con chữ mang đến niềm vui, niềm hy vọng và hạnh phúc. Để dành tặng cho các bạn trẻ, và những ai từng qua tuổi ấu thơ.
Cuốn truyện này kể về kỷ niệm bởi “kỷ niệm bao giờ cũng đẹp và đặc biệt là không biết phản bội”. Những kỷ niệm ấy có thể là nỗi sợ trẻ con ai cũng từng qua, cũng có thể là những rung động mơ hồ đủ khiến hồi hộp đỏ mặt. Và đâu đó có mối ghen tuông len lỏi, nỗi buồn thắt tim, và những giấc mơ trong veo êm đềm...
Trích “Cây chuối non đi giày xanh”
“Khác với mùa thu rón rén, bao giờ mùa hè cũng về với những bước chân rộn ràng. Cây phượng trước sân trường tôi và cây phượng trước sân chùa Giác Nguyên thi nhau nở đỏ thắm mấy hôm nay. Trên những ngọn cây cao hai bên bờ suối, tiếng ve đã bắt đầu râm ran. Và trên cánh đồng dẫn vô con suối xóm Trong, cỏ khô đi dưới cái nắng như thiêu, rủ nhau chuyển sang màu rơm rạ và phát ra tiếng kêu lạo xạo mỗi khi bánh xe của chú tiểu Khôi lăn qua. ...
Khi người ta lớn lên, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn lên theo. Trong những giấc mơ của tôi, không có châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ờ, ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi.”
“Cây chuối non đi giày xanh” do NXB Trẻ xuất bản, Nhà sách Phương Nam phát hành tháng 12/2017. Sách có 2 loại bìa, bìa cứng và bìa mềm. Với phiên bản bìa cứng, độc giả khi mua sách sẽ có cơ hội sở hữu những phần quà ý nghĩa trong dịp giáng sinh này.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và dịch giả Nhật Bản Kato Sakae (ảnh vnexpress) |
Theo dịch giả Nhật Bản Kato Sakae, thì chị dịch các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sang tiếng Nhật vì nó không đơn thuần chỉ là sách bán chạy ở Việt Nam mà nó đã dựng nên một lĩnh vực mới mẻ mà văn học thiếu nhi Việt Nam chưa từng có và đó là đóng góp to lớn cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam dưới thời đại mới (Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp- NXB Trẻ 2017).
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07/5/1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông... Năm 13 tuổi, ông đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi của ông trong lòng độc giả và kể từ đó, ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối… Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nhà văn từng đoạt nhiều giải thưởng qua các năm: 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP.HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP.HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN.
V.Vân