(Cinet) - Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, đến nay Chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã trở thành hoạt động văn hóa định kỳ đầy ý nghĩa nhằm tăng cường sự hiểu biết và gắn kết tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại đêm khai mạc giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Ảnh: cand.com.vn |
Lễ hội năm nay diễn ra với hơn 20 hoạt động văn hóa, thể thao lớn nhỏ như: triển lãm ảnh "Gió Hội An", triển lãm ảnh “Sự đa dạng của văn hóa Việt Nam”, giao lưu nghệ thuật Hội An - Nhật Bản, trình diễn hóa trang nhân vật hoạt hình, đua ghe ngang và thi lắc thúng chai, thi đẩy gậy, bóng đá bowling, trình diễn nghệ thuật đường phố, biểu diễn võ Judo, xúc tiến du lịch Hội An - Quảng Nam - Nhật Bản, tổ chức tour "Dấu xưa Nhật Bản"...
Bên cạnh đó, là hoạt động thường xuyên: Trưng bày hình ảnh “14 năm giao lưu, hợp tác Hội An - Nhật Bản, một chặng đường”, “Những đóa hoa anh đào ở Hội An”, “Hàng Thủ công mỹ Nghệ Hội An - Nhật Bản”, “Hình ảnh, sản vật về Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm”… Ngoài ra còn một số hoạt động: Ngày hội yến sào Hội An, Xúc tiến du lịch Hội An - Quảng Nam - Nhật Bản; thử mặc trang phục Yukata - Nhật Bản; Trải nghiệm văn hóa truyền thống Nhật Bản; cùng các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam - Nhật Bản.
Triển lãm ảnh “Gió Hội An” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng với nhiều bức ảnh đẹp về phố cổ Hội An. Ảnh: anninhthudo.vn |
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần này tiếp tục minh chứng cho tinh thần vượt mọi khó khăn, thử thách để vun đắp, tô bồi cho tình hữu nghị sắt son, bền chặt giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản nói chung và TP.Hội An với các thành phố của Nhật Bản nói riêng. “Đây là dịp để những người bạn Nhật Bản và du khách gần xa có cơ hội tuyệt vời để thưởng thức, trải nghiệm và tham gia những hoạt động văn hóa - nghệ thuật đầy thú vị. Cùng với đó là những giá trị tinh thần quý giá của văn hóa, lịch sử truyền thống Hội An - Nhật Bản được hình thành từ hàng trăm năm trước và vẫn lan tỏa mãi đến hôm nay trên mảnh đất Hội An “Nhân tình thuần hậu - lá bông đủ màu” - ông Trần Ánh nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, Lễ hội là dịp tăng cường sự hiểu biết và tình bạn giữa Nhật Bản - Việt Nam ngày càng trở nên sâu sắc. “Những âm sắc từ nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản và Việt Nam đã âm vang khắp bầu trời đêm Hội An qua tiết mục biểu diễn mở màn với sự kết hợp của ban nhạc cổ điển AUN J - Nhật Bản và các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi có một cảm giác xúc động sâu sắc khi nghĩ rằng rất có thể những nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản cũng đã được diễn xướng tại Hội An 400 năm về trước” - Đại sứ Umeda Kunio chia sẻ.
Cũng theo Đại sứ Umeda Kunio, 2017 là năm mà mối quan hệ Nhật - Việt ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất, thể hiện qua chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Không chỉ hoạt động giao lưu ở cấp lãnh đạo, hoạt động giao lưu của nhân dân hai nước cũng đã và đang được tăng cường.
Hàng thủ công mỹ nghệ Hội An thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch, người dân ghé xem. Ảnh: cand.com.vn |
Đặc biệt, tháng 11 năm nay, hội nghị quan chức và hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Bên cạnh sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhiều quan chức, đại diện giới kinh tế và phóng viên báo chí của Nhật Bản cũng sẽ tới Việt Nam. “Tỉnh Quảng Nam là nơi có Di sản thế giới Hội An và cũng là quê hương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuận Phúc. Nhân dịp APEC lần này, tôi muốn hợp sức cùng các quý vị, quảng bá những nét hấp dẫn của TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam tới những vị khách đến từ Nhật Bản” - Đại sứ Umeda Kunio phát biểu.
Đây là lần thứ 15 tổ chức, Chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã trở thành lễ hội thường niên ở Hội An. Chương trình giao lưu năm nay diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 18/8 – 20/8, với các hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ thuật, thể thao, các trò chơi dân gian, trình diễn nghệ thuật đường phố…
Tái hiện “Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Bản Araki Sotaro”. Ảnh: baoquangnam.vn |
Điểm nhấn trong Chương trình phải kể đến việc tái hiện “đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Bản Araki Sotaro” ngay trên tuyến đường vòng cung Chùa Cầu. Hàng nghìn du khách lẫn người dân đi theo đoàn lễ, hào hứng xen lẫn xúc động. Dẫn đầu đoàn rước dâu là đội múa rồng của tỉnh Nagasaki, tiếp theo là hai hàng nam thanh nữ tú, nam mặc y phục truyền thống Nhật Bản, nữ mặc y phục truyền thống người Việt. Hai diễn viên trong vai Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro ngồi trên mô hình phục dựng tàu buôn Nhật Bản thế kỷ thứ 17. Hình ảnh chiếc thuyền rước dâu được quay 3 vòng tròn thể hiện sự ngưỡng vọng của Công nữ Ngọc Hoa đối với quê cha đất tổ trước khi ra đi. Nghi lễ này cũng thường được người Nhật tái hiện ở lễ hội Okunchi tổ chức hằng năm ở Nagasaki Lễ đưa dâu đặc biệt của hơn 400 năm trước được tái hiện đã thu hút sự tham dự của nhiều du khách.
Công Nữ Ngọc Hoa là con của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619 bà được gả cho Araki Sotaro - thương gia Nhật thường buôn bán tại Cảng thị Hội An vào những năm đầu của thế kỷ 17. Năm 1620, bà theo chồng về sinh sống ở đất nước Mặt Trời mọc. Theo truyền tụng, khi về sinh sống tại Nhật Bản, bà đã dạy các điệu múa nước mình cho người Nhật, có công chẩn tế, xây chùa, dạy nấu nướng… Nhờ những đức tính cũng như phẩm giá đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, Công Nữ Ngọc Hoa được người Nhật yêu quý, kính trọng, gọi bằng tên thân mật là Anio. Vì thế việc giao thương giữa Hội An và Nhật Bản cũng trở nên tốt đẹp hơn, mối quan hệ giữa hai nước cũng được gắn kết.
Ngoài việc tái hiện “Đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Bản Araki Sotaro”, hàng loạt hoạt động văn hóa truyền thống của Nhật Bản trong kỳ hội này đã minh chứng sâu sắc cho mối tình hữu nghị bền chặt, sâu sắc giữa hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung, giữa Hội An và một số thành phố của Nhật nói riêng. Đây là dịp để những người bạn Nhật Bản và du khách gần xa có cơ hội thưởng thức, trải nghiệm và tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đầy thú vị cùng những giá trị tinh thần quý giá của văn hóa, lịch sử truyền thống Hội An - Nhật Bản được hình thành từ hàng trăm năm trước và vẫn lan tỏa đến hôm nay trên mảnh đất nhân tình thuần hậu.
Lễ hội là dịp tăng cường sự hiểu biết và tình bạn giữa Nhật Bản - Việt Nam ngày càng trở nên sâu sắc. Ảnh: baoquangnam.vn |
Dường như người Hội An như đã quen với sự xuất hiện của những người bạn Nhật từ rất lâu. Với họ, những nụ cười thân thiện là điều kết nối đầu tiên và sâu bền. Từ lịch sử lâu đời, mở cửa và đón nhận nhiều nền văn hóa, biết giữ chân những gì tinh tế, là điều mà Hội An đã và vẫn hướng đến. “Bản thân nền tảng văn hóa Hội An vốn dĩ từ sự giao lưu và tiếp biến. Văn hóa Hội An không phải của riêng người bản địa mà là nền văn hóa dựa trên sự giao lưu tiếp biến với bên ngoài. Hội An đã kết nghĩa với 7 thành phố trên thế giới, trong đó có nhiều lễ hội gắn với hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế. Những ngày văn hóa Hàn Quốc của Hội An hay Chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản… cùng với các lễ hội truyền thống khác ở Hội An tạo nên diện mạo phong phú cho vùng đất này” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói. Chính sự niềm nở này đã tạo nên nhiều hứng thú cho du khách và những người trực tiếp tham gia các hoạt động của chuỗi sự kiện.
Một kỳ hội về tình bang giao nối dài vạn dặm đã khép lại, nhưng lại mở thêm nhiều cơ hội để các vùng đất cùng hợp sức trong những câu chuyện phát triển. Những người bạn Việt Nam – Nhật Bản lại hẹn gặp nhau ở một mùa hội năm sau…
MH (t/h)