• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang: Gìn giữ âm nhạc truyền thống cho đời sau

30/10/2009 08:55

Một giáo sư, nhạc sĩ từng là công nhân, nguyên Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia đã làm một công việc khá “tài tử” nhưng rất ý nghĩa: thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bằng… tiền túi. Đó là giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang.

Một giáo sư, nhạc sĩ từng là công nhân, nguyên Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia đã làm một công việc khá “tài tử” nhưng rất ý nghĩa: thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bằng… tiền túi. Đó là giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang.

Giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang.Giáo sư, nhạc sĩ Phạm Minh Khang.

* Thưa giáo sư, có người nói rằng trước khi làm thầy, ông đã từng làm thợ. Và để trở thành một giáo sư hàng đầu về âm nhạc, ông đã cố gắng không biết mệt mỏi?

- Tôi sinh ra ở Hải Dương, lớn lên với những làn điệu dân ca, những lời ru thắm thiết treo đầu ngọn lúa, những đêm chèo giữa sân đình… Năm 14 tuổi, tôi ra thành phố cảng Hải Phòng tìm con đường để thực hiện khát vọng âm nhạc của mình. Tôi làm công nhân thợ nguội cho Nhà máy cơ khí Duyên Hải. Vừa làm một công nhân cần mẫn, chăm chỉ, tôi vừa học Trường PTTH Ngô Quyền. Thời gian đó, tôi không chỉ sống với động cơ, sắt thép, đe búa. Đêm đến, sau một ngày làm việc chăm chỉ, tôi lại ôm cây đàn ghi ta, gảy lên những nốt nhạc trầm bổng và nuôi ước vọng đến với âm nhạc. Và ước vọng đã trở thành hiện thực. Năm 1963, tôi đỗ vào Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam. Năm 1967, tốt nghiệp ra trường, tôi được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô. Tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, tôi đạt điểm xuất sắc cả hai chuyên ngành Sáng tác và Lý luận âm nhạc. Năm 1985, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học. Năm 1989, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

* Ông có ý định thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam từ bao giờ?

- Ý định đó có từ khi tu nghiệp bên Nga, nhưng phải đến năm 2005, tôi mới thực hiện được. Trước đó tôi đã bàn với một số nhạc sĩ về ý tưởng của mình, người ủng hộ lớn nhất là nhạc sĩ Thao Giang, cũng là giảng viên của Học viện Âm nhạc, sau này là người đồng hành với tôi trong việc xây dựng, phát triển Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Tôi biết, không phải chỉ quá trình đô thị hóa khiến cho âm nhạc dân gian mất đi không gian sống của nó, mà việc con người ngày hôm nay không nhận thức được hoặc nhận thức không đúng giá trị của âm nhạc dân gian mới là điều đáng bàn. Tôi cũng biết quyết định của mình rất mạo hiểm, không phải ai muốn cũng đều làm được cả. Nhưng tôi đã làm được rồi. Nghệ thuật hát xẩm, hát trống quân là của những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, thì hãy “trả” nó về cho họ. Tôi cũng tin ở tương lai tốt đẹp của trung tâm, rằng dù khó khăn thế nào thì trung tâm vẫn phát triển. 

* Khi thành lập trung tâm, ông đã gặp những khó khăn gì?

- Thời gian đầu, chúng tôi lo hồ sơ xin giấy phép cũng rất khó khăn. Tôi phải thuyết trình về tính khả thi của trung tâm. Kinh tế chúng tôi phải tự túc, tôi và nhạc sĩ Thao Giang có đồng nào phải vét ra hết để làm. Rồi khó khăn về địa điểm hoạt động. Tôi phải chuyển trung tâm đến năm lần. Nay chỗ này mai chỗ khác, ở chưa ấm chỗ thì chủ đã đòi tăng tiền thuê nhà, khách kham không nổi, lại đi. Trong một lần chuyển đồ đi tìm chỗ ở mới, tiện đường, tôi ghé vào đình Hào Nam. Chỉ là vào hỏi han để xem có gửi nhờ đồ đạc được hay không mà thôi, ai ngờ các cụ trông đình biết là anh em có khả năng hát văn dâng Thánh, liền mời ở lại luôn. Và thế là chúng tôi mới có một không gian yên tĩnh và đẹp như thế này. 

* Trung tâm hoạt động ra sao, thưa ông?

- Trung tâm không có một đồng tài trợ của nhà nước hay của một vị “Mạnh Thường Quân” nào mà chỉ nhờ vào những hợp đồng biểu diễn. Chức năng chính của trung tâm là truyền bá, bảo tồn, phát huy âm nhạc cổ truyền của dân tộc, đào tạo con người, thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa, âm nhạc cổ truyền… Dạy miễn phí cho dân, đó chính là cách bảo tồn tốt nhất trong nhân dân, do chính nhân dân gìn giữ. Ai muốn học hát xẩm, hát trống quân, hát văn, hát quan họ... cứ đến đình Hào Nam đăng ký.

* Trong quá trình làm việc, hẳn là  ông có những người đồng nghiệp tận tình giúp  đỡ?

- Vâng, tôi được nhiều nghệ sĩ uy tín góp sức trong việc giảng dạy âm nhạc ở trung tâm, đó là NSƯT Nguyễn Văn Ty, Thanh Ngoan, NSND Xuân Hoạch… Họ đến với trung tâm vì niềm đam mê. Đặc biệt là nhạc sĩ Thao Giang, phó giám đốc. Có những người như Thao Giang, tôi tự hào và tin mình được tiếp thêm sinh khí để làm việc.  

* Xin cảm ơn giáo sư!

 

Theo PY

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ