• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo sư nổi tiếng: 3 việc cha mẹ nên làm để trẻ “cai” điện thoại mà không cần đánh mắng

(Tổ Quốc) - Giáo sư Lý Mai Cẩn đưa lời khuyên đắt giá cho cha mẹ có con nghiện điện thoại, đồng thời chỉ ra 3 việc cần làm để giúp con thoát khỏi tình trạng này.

“Các người hủy hoại con trai tôi” là lời của một bà mẹ (Trung Quốc) có con “nghiện điện thoại” nói khi đòi tố cáo nhà phát hành game vì khiến con trai bà say mê trò chơi trên điện thoại mà bỏ quên việc học. Được biết, kết quả học tập của cậu bé này vô cùng thấp, tất cả các môn đều dưới trung bình khiến mẹ cậu bé vô cùng tức giận.

Sự việc này sau khi được đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu - Global Times (Trung Quốc) đã thu hút được hơn 10 triệu người quan tâm và khiến các bậc phụ huynh nước này nổ ra nhiều cuộc tranh luận về việc dạy con sử dụng điện thoại như thế nào cho hợp lý.

Theo đó, giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết, việc trẻ em hiện nay “nghiện điện thoại” vì “say mê” những trò chơi online, những bộ phim cùng những video giải trí không còn là hình ảnh xa lạ với tất cả chúng ta. Đi cùng với đó là phản ứng giận dữ, đòi tịch thu điện thoại thậm chí là đánh mắng của các bậc phụ huynh khi phát hiện ra con sử dụng điện thoại quá nhiều cũng không còn lạ lẫm với nhiều gia đình.

Theo thống kê tại Trung Quốc, có khá ít phụ huynh giữ được bình tĩnh khi phát hiện con “nghiện điện thoại”, đa phần đều chọn cách quát mắng và tịch thu điện thoại của con ngay lập tức. Tuy nhiên giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, việc cha mẹ phản ứng tiêu cực bằng hành động quát mắng, tịch thu hay đánh con đều là những hành động không nên. Vì cách hành xử như vậy của cha mẹ dễ dẫn tới việc trẻ cảm thấy không phục và có thái độ chống đối, phản nghịch. Để tránh tình trạng kể trên, giáo sư Lý Mai Cẩn đưa cho các bậc phụ huynh 3 lời khuyên đắt giá về vấn đề này.

Giáo sư nổi tiếng: 3 việc cha mẹ nên làm để trẻ “cai” điện thoại mà không cần đánh mắng - Ảnh 1.

Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn người đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc.

3 việc cha mẹ nên làm để trẻ “cai” điện thoại mà không cần đánh mắng

Điều 1: Cha mẹ cần chủ động tìm hiểu lý do vì sao trẻ nghiện điện thoại?

Theo đó, giáo sư cho biết, muốn con “cai được điện thoại” đầu tiên cha mẹ cần phải hiểu được nguyên nhân chính dẫn tới việc con nghiện điện thoại như vậy. Sau khi hiểu rõ lý do mới tìm được cách xử lý sao cho thật khéo léo và hợp lý nhất có thể. Giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, có 4 nguyên nhân chính dẫn tới việc con trẻ nghiện điện thoại.

    1. Con cảm thấy cuộc sống hiện tại không đủ thú vị và hấp dẫn bằng những trò chơi, chương trình giải trí trên điện thoại

Cuộc sống ngày càng hiện đại, không gian vui chơi của trẻ dần bị thu hẹp. Bên cạnh đó việc cha mẹ bận rộn với công việc cũng ảnh hưởng tới thời gian cha mẹ vui chơi cùng con.

Trong khi đó, các “thế giới ảo” trên điện thoại lại rất hấp dẫn với trẻ em, đặc biệt là những trò chơi điện tử và những chương trình giải trí luôn ngập tràn màu sắc và biết cách làm hài lòng con trẻ. Chính vì vậy, việc các em yêu thích thậm chí say mê những thứ này và dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại là điều khó tránh khỏi.

    2. Cha mẹ gián tiếp hình thành nên thói quen sử dụng điện thoại ở con

Có thể rất nhiều người không để ý, nhưng chính người lớn cũng có thể vô tình rơi vào tình trạng “nghiện điện thoại” mà không hề hay biết. Theo sự phát triển của thời đại, chính chúng ta những người làm cha làm mẹ cũng đang bị cuốn theo lúc nào không hay. Quãng thời gian nghỉ ngơi của chúng ta thay dần những buổi đi cắm trại, du lịch thành những ngày nằm ở nhà lướt mạng xã hội, xem các video giải trí... Chính việc cha mẹ cả ngày cũng liên tục sử dụng điện thoại khiến các con cũng “học theo”.

Giáo sư nổi tiếng: 3 việc cha mẹ nên làm để trẻ “cai” điện thoại mà không cần đánh mắng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc cha mẹ sử dụng điện thoại làm phần thưởng như “con nín mẹ cho xem điện thoại” hay “học xong thì được nghịch điện thoại” là tình trạng dễ gặp hiện nay. Tuy nhiên như giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết đây là hành động sai lầm, nó là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nghiện điện thoại và cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

    3. Cha mẹ và con trẻ có khoảng cách, thiếu thời gian dành cho nhau

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở trung tâm thanh thiếu niên tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng: “Những gia đình mà cha mẹ và con trẻ có mối quan hệ không tốt thường có tỉ lệ nghiện điện thoại và game online nhiều hơn”.

“Giờ mẹ hơi mệt con tự chơi điện thoại nhé” hay “giờ bố bận quá, con cầm điện thoại ra kia chơi nhé” là những hình ảnh không khó bắt gặp trong cuộc sống hiện nay. Với guồng quay công việc ngày càng hối hả, cha mẹ dần bị bó hẹp thời gian dành cho con, nhưng để con ra bên ngoài vui chơi lại cảm thấy không an toàn. Chính vì vậy, có không ít cha mẹ lựa chọn “điện thoại” trở thành người bạn đồng hành cùng con thay cho chính mình.

Điều này khiến cha mẹ và con trẻ dần hình thành khoảng cách, con cũng chỉ có chiếc điện thoại làm bạn nên dễ dẫn tới tình trạng sử dụng quá nhiều.

    4. Con không có kỹ năng làm chủ bản thân

Các con không có kỹ năng làm chủ bản thân và quản lý thời gian cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày càng say mê điện thoại. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có những thứ này, tất cả đều cần sự rèn luyện và dẫn dắt từ cha mẹ.

Từ những nguyên nhân chính này, giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, trẻ con không tự nhiên nghiện điện thoại, tất cả đều có nguyên do chủ quan lẫn khách quan mà thành. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân, không nên quy chụp trách nhiệm cho con hay bất cứ ai. Việc chúng ta cần làm tiếp theo đó là dành thời gian cho con và thay đổi cả chính mình và con.

Điều 2: Thay vì đánh mắng hãy học cách trở thành bạn và giúp con phát triển sở thích

Nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng người Bắc Mỹ Rudolf Dreikurs đã giải thích rằng: “Việc cha mẹ dùng biện pháp mạnh như đánh mắng để cấm trẻ làm một điều gì đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến quyền lực, tranh chấp giữa “được làm hay không được làm”.

Đồng thời cũng tạo thành “hiệu ứng tâm lý trái cấm”, thứ gì đó càng bị cấm, càng không thể dễ dàng tiếp cận sẽ hấp dẫn hơn những thứ dễ dàng có được".

Do đó, thay vì ngăn cấm con sử dụng điện thoại, cha mẹ hãy dành thời gian vui chơi cùng con, tìm hiểu sở thích và thực hiện hóa sở thích của con thành một việc làm hoặc hành động nào đó cụ thể. Ví dụ con thích ca hát, nhảy múa hãy cho con tham gia khóa học nhảy, làm MC nhí, hay con thích vẽ hãy cho con đi học vẽ…

Cha mẹ cần đồng hành cùng con nhiều hơn và thật tuyệt vời nhất khi cha mẹ trở thành một người bạn đồng hành với con. Để có thể làm được điều này, trước tiên cha mẹ cần học cách lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu những suy nghĩ của con, đây là bước tiền đề quan trọng để có thể xây dựng tình bạn với con.

Sau khi thành bạn với con, việc cha mẹ tâm sự về tác hại của điện thoại cũng sẽ thu được kết quả tốt hơn rất nhiều so với việc đối đầu và ra sức ngăn cấm, hay đánh mắng.

Điều 3: Hình thành và thiết lập các quy tắc sử dụng điện thoại cho cả cha mẹ và các con

Không riêng gì các con, các bậc phụ huynh cũng cần nghiêm túc xây dựng và thực hiện các quy tắc này khi ở nhà. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại bản thân xem mình có "nghiện điện thoại" hay không, nếu có hãy bỏ điện thoại xuống và học cách thay đổi thói quen này.

Giáo sư nổi tiếng: 3 việc cha mẹ nên làm để trẻ “cai” điện thoại mà không cần đánh mắng - Ảnh 6.

Ảnh minh họa.

Tiếp đó, cha mẹ cần thương lượng trên nguyên tắc tôn trọng với con, trong đó vạch ra rõ ràng thời lượng sử dụng điện thoại cũng như những nội dung trên điện thoại mà con được xem và được chơi. Ví dụ như:

- Con được sử dụng điện thoại 1 - 2 tiếng một ngày để giải trí sau khi học xong, nhưng tuyệt đối không được mang điện thoại đến trường và vào phòng ngủ buổi tối.

- Con không được xem những nội dung hoặc chơi những tựa game không phù hợp với độ tuổi.

- Cả cha mẹ lẫn con không sử dụng điện thoại hoặc hạn chế tối đa sử dụng trong bữa ăn, hay lúc cả nhà cùng nhau ra ngoài vui chơi.

- Cả gia đình cần có giờ giấc sinh hoạt vui chơi, học tập và nghỉ ngơi khoa học.

Trên đây là một số quy tắc các bậc phụ huynh có thể tham khảo, ngoài ra tùy thuộc vào từng trường hợp mà bổ sung thêm những quy tắc thích hợp với gia đình của bạn.

Phần kết - Một góc nhìn khác

Cha mẹ thay vì chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của điện thoại hãy nhìn cả những mặt tích cực mà nó đem lại cho các con.

Các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng cuộc sống hiện nay ngày càng phát triển và bước vào giai đoạn 4.0. Việc trẻ sử dụng điện thoại giúp con có thể tiếp cận được với rất nhiều nguồn thông tin cùng những tài liệu phong phú trên mạng internet. Qua đó giúp trẻ cũng học được rất nhiều thứ với thời gian nhanh chóng chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối mạng.

Bất cứ thứ gì cũng đều có mặt tốt và mặt xấu, do đó, chúng ta cần hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng điện thoại một cách hợp lý và khéo léo.

Mong rằng qua bài viết này có thể giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức trong việc hướng dẫn con sử dụng điện thoại cho thật phù hợp.


Tiểu Lam

NỔI BẬT TRANG CHỦ