• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo sư - Tiến sĩ - NSND Ngô Văn Thành, 50 năm những chặng đường, một giấc mơ lớn

Văn hoá 24/05/2024 14:30

Tôi biết Tiến sĩ Ngô Văn Thành đã lâu, từ khi tên của ông chưa nhiều danh vị phía trước, giản dị là một violinist, một nhà giáo. Lúc đó ông có chức vụ Chủ nhiệm khoa đàn dây của Nhạc viện Hà Nội. Rồi dần dần, ông nhận học vị Tiến sĩ, Giáo sư, NSND.

Giám đốc nhưng vẫn giản dị là một người truyền lửa cho sinh viên của Nhạc viện Hà Nội sau khi giáo sư tiến sĩ NGND Trần Thu Hà đã nghỉ quản lý.

Nhắc thế để nói tôi biết Ngô Văn Thành đã từ lâu lắm. Cũng có nghĩa là cái bài viết của tôi về ông, cái dự định nó lâu đến mức hơn hai mươi năm tôi vẫn không thực hiện xong. Mà ông, không chỉ là một nhà quản lý, một giáo sư tận tâm mà ông còn là một tài năng violon vào hàng gạo cội của Việt Nam.

Giáo sư - Tiến sĩ - NSND Ngô Văn Thành, 50 năm những chặng đường, một giấc mơ lớn - Ảnh 1.

violinist Ngô Văn Thành

Lý do, trước hết vì cả tôi và ông đều quá bận. Tựu chung lại, ông thì không giống như những người cần có thêm một bài viết để thêm nổi danh, (dù cũng không ít bài đã viết về ông) còn tôi thì quá cẩn thận và kỹ tính đến mức nếu chưa thực sự nghe tiếng đàn của ông thì tôi không viết. (Với bất kỳ ai cũng vậy nếu họ là nhà văn, là nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ điện ảnh… thì tôi luôn phải đọc, xem, nghe tác phẩm của họ thì mới viết bài…). Những thành tích khác ông có rất nhiều, nhưng nói về ông tôi rất muốn trước hết phải nói về nghệ thuật violon mà ông sở đắc.

Bây giờ, thì tôi đã được dự giờ giảng của ông, được nghe ông diễn những bản hay nhất và khó nhất của các tác giả như: J. Massenet, CH Gluck. E. Elgar, C. Debussy. J. S. Bach, F. Kreisler, R. Schubert, S, Racmaninov… thì tôi vô cùng ân hận. Tôi đã bỏ lỡ, không viết về ông sớm hơn. Ông không thiệt gì, mà tôi thiệt và công chúng cũng thiệt, một người như Ngô Văn Thành lẽ ra phải được ngưỡng mộ nhiều hơn, đúng với những gì người ấy có hơn... Đời người được hiểu biết kỹ lưỡng, được chiêm ngắm một tài năng là một may mắn. Tiếng đàn Ngô văn Thành da diết, đằm thắm, sâu sắc, tinh tế, nhuần nhuyễn mà vẫn cá tính... Nói cho dễ hiểu: nếu hát ca trù, ca nương có chất giọng vang rền nền nẩy thì tiếng đàn của Ngô Văn Thành rất nét và có lõi... Cây vĩ trong tay ông như có phép màu, gương mặt thánh thiện khi trình diễn... Tôi từng được một trường quốc tế thuê họa lại chân dung các nhạc sĩ cổ điển thế giới. Khi nghe tiếng đàn của Ngô Văn Thành bất giác tôi như thấy hình ảnh của các danh nhân ấy hiện ra trước mặt và xung quanh tôi, họ cũng tán thưởng Ngô Văn Thành như tôi…

*

50 năm. Lịch sử đất nước đi một chặng dài từ đói nghèo đến thịnh vượng, từ chiến tranh giải phóng đến hòa bình, từ đống đổ nát của phố phường làng mạc đến lộng lẫy thành phố và bát ngát thôn quê. Nhưng cũng 50 năm ấy chưa ai qua được vòng 2 của cuộc thi âm nhạc nổi tiếng như Ngô Văn Thành. Tên ông, Ngô Văn Thành đã được biết đến từ thời những người lãnh đạo đất nước như Nguyễn Văn Thương, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Lê Duẩn... với một tầm nhìn xa về văn hoá, mong muốn tương lai của một một dân tộc có nhiều tài năng thực thụ… Trong một tiệc chiêu đãi 2 sinh viên trẻ: Ngô văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh ở Moscova (lúc đó Ngô văn Thành mới hơn 20 tuổi), TBT Lê Duẩn thân mật bảo: "đất nước chúng ta có một nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc (vọng cổ, cải lương- NV), nhưng nghiêng về những cảm xúc buồn, chúng ta phải học, phải chinh phục cả những tác giả và tác phẩm kinh điển thế giới, giàu năng lượng tích cực, bác trông cậy nhiều vào những tài năng như các cháu…". Khi ấy Ngô Văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh (piano) đang học ở Nga…

Việc ông được giữ lại học ở Nga, bắt đầu từ các giáo sư người Nga. Họ thấy tiếng đàn của sinh viên Ngô Văn Thành rất có triển vọng, họ muốn đào tạo để Ngô Văn Thành sắc hơn nữa. Ở Việt Nam, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, hiệu trưởng khi cử sinh viên của mình đi tham dự cuộc thi chỉ mới hy vọng người Việt có thể cắm cờ Việt trên trường quốc tế về âm nhạc cổ điển. Đến lúc không những cờ cắm được rồi, học sinh còn được giữ lại là điều các ông chưa nghĩ đến. Buộc Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (bộ Văn hoá), Tổng thư ký Hội nhạc sĩ- Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Giáo sư Tạ Quang Bửu (bộ Đại học) và Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thương phải hội ý, bàn bạc và xin ý kiến cấp cao hơn…

Cuối cùng cả hai sinh viên được ở lại học. Không phụ lòng trông đợi của các nhà lãnh đạo, Ngô Văn Thành đã học hành chăm chỉ suốt 8 năm tại Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky.

Giáo sư - Tiến sĩ - NSND Ngô Văn Thành, 50 năm những chặng đường, một giấc mơ lớn - Ảnh 2.

Ngô Văn Thành tại cuộc thi Concour ở Nga

*

Ông sinh 1951 tại phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Không phải con nhà nòi, bố ông là một thợ nhuộm vải. Nói là thợ, nhưng thợ nhuộm vải cũng giống như một nghệ sĩ về chất liệu và màu sắc, mới làm ra những loại vải đặc biệt. Ông thợ nhuộm vải ấy mê âm nhạc. Ông đã chấp nhận: mình không là một nhạc công thì cho các con thỏa sức học hành, theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Các con ông theo học đàn tranh. Chị gái của Ngô Văn Thành là Thạc sĩ NGƯT Ngô Bích Vượng trưởng khoa nhạc cụ truyền thống Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngô Văn Thành cũng học đàn tranh nhưng rồi học thêm cả violon, nhờ duyên tình cờ, Ngô Văn Thành gặp được thầy giỏi Chu Bảo Khẩu. Người nghệ sĩ gốc Hoa ấy cũng tin vào tài năng bẩm sinh và sự sáng dạ của cậu học trò nên đã hết lòng truyền dạy.

Mê mải học đàn, một hôm ông Dzoãn Mẫn đi qua, thấy tiếng đàn của cậu bé 7 tuổi, nhạc sĩ bảo cha cậu muốn năng khiếu phát triển thì cho cháu vào trường Nhạc. Học đàn tranh ở trường Nhạc nhưng sau khi học thầy Chu Bảo Khẩu thì Ngô Văn Thành học lên hệ trung cấp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam). Càng học càng say.

Khi Ngô Văn Thành học tiếp lên đại học, Giao sư-NSUT Bích Ngọc (phu quân của nghệ sĩ nhân dân Trà Giang), một người nổi tiếng, tài năng violon và khả năng sư phạm đã phát hiện cậu học trò trẻ có triển vọng nên đã trực tiếp đào tạo. Những ngày sang Liên Xô chuẩn bị cho cuộc thi, Ngô Văn Thành còn được Giáo sư, Nghệ sĩ công huân Liên Xô Igor Bezrodny trực tiếp huấn luyện. Ở Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Tchaikovsky tổ chức tháng 6 năm 1974, Việt Nam cử hai nghệ sĩ trẻ tham dự là Ngô Văn Thành và Tôn Nữ Nguyệt Minh. Hai người đã giành Bằng khen vòng II cuộc thi này.

Ông tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky năm 1979, sau đó vào năm 1982 tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn violon tại lớp của nghệ sĩ Igor Bezrodny. Năm 1982, Ngô Văn Thành tốt nghiệp nghiên cứu sinh biểu diễn violon tại lớp Giáo sư- NSND Igor Bezrodny.

Ông cũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật âm nhạc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam với đề tài: "Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Violon ở Việt Nam". Luận văn này đã được in thành sách tại NXB Trí thức.

*

Khi còn trẻ Ngô văn Thành đã nhiều lần tham gia biểu diễn. Khi thì ở Hà Nội, khi TP HCM, khi ở các nhà hát danh tiếng của Nhật và Pháp… nhưng rồi ông bận cho việc đào tạo hơn. Ở lĩnh vực nào ông cũng say mê, cũng hết lòng cống hiến, cũng coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng mà Giời đất giao cho ông. Học trò của ông cũng là những violinist nổi tiếng như NSƯT Ngô Hoàng Linh, NSUT Nguyễn Công Thắng, NSUT Phạm Trường Sơn, NSUT Phan Thị Tố Trinh Đỗ Xuân Thắng, và lớp trẻ hơn như Trần Quang Duy, Nguyễn Huyền Anh, Đỗ Phương Nhi...

*

Đến thăm ông tại căn hộ trên tầng 20 tòa chung cư 249A Thụy Khê (Hà Nội) gặp vợ ông là giảng viên ĐH Bách Khoa, Phó GSTS Nhà giáo Ưu tú bà Lâm Xuân Thanh. Họ cùng học ở Mascova và nên vợ nên chồng... 2 người con gái của họ hiện đang làm việc ở nước ngoài và cũng rất ngưỡng mộ bố mẹ, say mê tiếng đàn của bố…

Ngô Văn Thành lấy cho tôi xem tấm Bằng khen mà Cuộc thi danh tiếng hồi nào ông đạt được. Tấm Bằng khen đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn còn rõ từng nét bút của 25 vị giám khảo, những bậc thầy violon thế giới như David Oistrakh, Leonid Kogan, Igor Bezrodny…

Nghỉ quản lý năm 2016 nhưng Ngô văn Thành vẫn luôn tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.

50 năm những chặng đường- một giấc mơ, Ngô Văn Thành đã hoàn thành được những ý nguyện của bản thân và của những người gửi gắm mong đợi ở ông bằng những cố gắng không ngừng nghỉ. Chúc Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Ngô Văn Thành dồi dào năng lượng đi tiếp con đường âm nhạc đỉnh cao của mình và đóng góp vào sự nghiệp đào tạo nhân tài của nước nhà.

Trần Thị Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ