(Tổ Quốc) - Ngày 28 Tết Đinh Dậu, tại các bến xe ở Thủ đô lượng hành khách đang đổ về. Từ nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội, từng dòng xe nối dài chở theo đoàn người về quê ăn Tết “ùn ùn” hướng về phía các cửa ngõ.
Ngay từ buổi sáng sớm của ngày cuối năm, nhiều tuyến phố ở Thủ đô đã tắc nghẽn nghiêm trọng. .
Tình trạng chung của nhiều tuyến đường hướng về các bến xe vào những ngày cận Tết Âm lịch. |
Tại Bến xe Giáp Bát, 9h sáng, lượng người đổ về bến mỗi lúc một đông. Dự kiến, chiều nay (28 Tết) sẽ là cao điểm, khi ngày làm việc cuối cùng của năm Bính Thân kết thúc, mọi người sẽ tranh thủ về quê sớm.
Ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết: “Lượng khách đổ về khu vực xe Giáp Bát để đón xe về quê ăn Tết đông nhất từ ngày 26 – 29 Tết âm lịch. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Bến xe cũng đã tăng số lượt xe mỗi ngày lên khoảng hơn 100 lượt xe. Vào ngày 30 Tết, Bến sẽ tổ chức một số chuyến xe muộn phục vụ hành khách về quê muộn. Trong đó, đến 6 giờ chiều sẽ có các chuyến đi Ninh Bình, xe đi Nam Định sẽ phục vụ đến 8 giờ tối. Sau đó, bến sẽ vẫn bố trí đủ lực lượng để đón xe từ các địa phương về muộn”.
Sau khi UBND thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương phân luồng chuyển tuyến, các tuyến xe khách chạy cùng một tuyến cố định đều được quy tụ về hoạt động một chỗ. Có vẻ như, quy định này đã khiến các nhà xe khi được “chơi cùng sân” bắt buộc phải có các chiến lược kinh doanh riêng để cạnh tranh một cách lành mạnh. Điều dễ nhìn thấy nhất chính là chất lượng phục vụ khách hàng đã được nâng lên rõ rệt.
Ai cũng hối hả để được về quê đón Giao thừa năm 2017 |
Chủ doanh nghiệp vận tải hành khách Phú Quý chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội tại Bến xe Nước Ngầm cho biết: “Nhà xe chúng tôi có tận 6 chiếc xe giường nằm loại 2 tầng, nhưng để phục vụ nhu cầu đi lại cho hành khách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay thì chúng tôi đã phải tăng lượt chạy. Bình thường, 1 xe chạy 2 ngày 1 chuyến (cả chiều đi lẫn chiều về) nhưng đến khoảng 23 Tết trở đi là phải động viên, tăng tiền bồi dưỡng cho đội ngũ lái và phụ xe để chạy 1 ngày 1 chuyến, tức là vừa đến bến đã quay lại ngay để chở khách”.
Cũng theo ông chủ doanh nghiệp vận tải này, "để phục vụ các khách hàng quen thuộc ngày trước tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, biết là tốn kém nhưng chúng tôi cũng quyết định mua thêm một chiếc xe 16 chỗ làm xe trung chuyển từ Mỹ Đình lên Bến xe Nước Ngầm". Có thể thấy, đây là một động thái rất tích cực của nhà xe này mà người được hưởng lợi trực tiếp chính là hành khách. Được biết, nhà xe Phú Quý vẫn sẽ bố trí phương tiện để phục vụ hành khách cho đến sáng 30 Tết.
Còn ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Hãng xe Văn Minh chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh cho hay, kế hoạch phục vụ hành khách trong những ngày Tết của hãng được chuẩn bị từ sớm và kết thúc vào đêm muộn 29 Tết. “Món quà” công ty tặng cho khách là chất lượng không đổi, không nhồi nhét khách, giá vé dịp Tết không đổi, giảm vé cho thương binh.
Năm nay, các nhà xe sẽ bố trí người và phương tiện hợp lý để phục vụ người dân đến tận 30 Tết. |
Một chuyển biến tích cực nữa sau chủ trương phân luồng, chuyển tuyến của Thủ đô đó chính là sự thông thoáng khác thường so với mọi năm tại khu vực Bến xe Mỹ Đình. Ghi nhận tại khu vực bên ngoài và bên trong bến xe Mỹ Đình, lượng người bắt xe về quê ăn Tết không đông như mọi năm. Nhà chờ hay hành lang bên trong bến xe, hành khách không phải chen nhau lên xe. Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến và đường vành đai 3 trên cao không xảy ra ùn tắc, các phương tiện đi lại dễ dàng, các điểm giao cắt trước bến xe Mỹ Đình, hầm chui Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng – Lê Văn Lương đã thông thoáng hơn so với dịp này năm trước./.
Thế Công