Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đến nay, toàn huyện có 118/332 thôn, xóm được cấp bằng công nhận đơn vị “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”; 28/60 cơ quan, doanh nghiệp được công nhận “Đơn vị có nếp sống văn hóa”; 61/79 trường học được công nhận có nếp sống văn hóa. Mô hình xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” được đẩy mạnh; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc được gìn giữ và phát huy, toàn huyện có 35.200/56.420 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá, những năm qua, huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT ở cơ sở; ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng việc xây dựng nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng 131 NVH thôn, xóm, khu phố, 175 sân chơi TDTT với 112 tổ, đội bóng chuyền; 75 tổ, đội bóng đá; 138 sân cầu lông; 78 sân bóng bàn; 50 câu lạc bộ TDTT. Công trình NVH huyện được đưa vào sử dụng, cùng với Trung tâm văn hóa - thể thao huyện được thành lập và đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân trong huyện được tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể dục - thể thao. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Giao Thủy, các ngành, đoàn thể đã lồng ghép các nội dung tiêu chí thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa. Các phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa” của Hội Nông dân, “Xây dựng khu dân cư 5 không” do Ủy ban MTTQ phát động, “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm” của công an, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội Phụ nữ, “Xây dựng làng văn hóa sức khỏe” của ngành Y tế có đóng góp không nhỏ trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Xã Giao Tiến là một trong những địa phương đầu tiên của huyện triển khai xây dựng quy chế nếp sống văn hoá trước đây. Trong công cuộc xây dựng NTM, Ban chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của xã đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: Đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng văn hoá. Đồng chí Cao Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Giao Tiến cho biết: Để các đề án “đi vào cuộc sống”, Ban chỉ đạo phong trào phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động và gắn nội dung của từng đề án vào các buổi sinh hoạt CLB như: CLB phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, CLB gia đình hạnh phúc, CLB không sinh con thứ 3, CLB thanh niên lập thân, lập nghiệp, CLB ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo. Trong đó, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên luôn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, xã có 4 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa; 85% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 4/4 trạm y tế, trường học đạt danh hiệu nếp sống văn hoá cấp tỉnh và đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 70%. Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở ở Giao Thủy còn tồn tại một số hạn chế: Chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, xóm, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa ở một số địa phương còn thấp. Ở một số làng, xóm, tổ dân phố được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa nhưng vấn đề vệ sinh môi trường khu dân cư chưa đảm bảo, kết cấu hạ tầng yếu kém, một số hủ tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chưa khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở trong việc thực hiện phong trào.
Để nâng cao chất lượng phong trào, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện giai đoạn 2010-2015 đã đề ra các biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Từ nay đến năm 2015, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" huyện Giao Thủy phấn đấu đạt các mục tiêu: có trên 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”; 50% số làng, xóm, thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện; 90% đơn vị cơ quan, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu cơ quan có nếp sống văn hóa; 100% trạm y tế xã được công nhận danh hiệu có nếp sống văn hóa; 80% đơn vị làng, thôn, xóm, khu phố có NVH. Để thực hiện mục tiêu trên Ban chỉ đạo phong trào của huyện tiếp tục quán triệt chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phát triển sự nghiệp văn hóa - TDTT. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chăm lo, củng cố, nâng cao chất lượng phong trào, phát huy kết quả đã đạt được của các cơ quan, trường học, trạm y tế có nếp sống văn hóa, thôn, xóm, khu phố, gia đình văn hoá trong những năm qua, tăng nhanh số lượng các đơn vị được công nhận “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”, “Cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế có nếp sống văn hóa”, “Gia đình văn hoá”. Tạo cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Theo ND